Người cán bộ làm “công bộc” - dân vui thì mình thấy vui

Bài và ảnh Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Gặp ông khi đi kiểm tra ở cơ sở về, rồi vội vàng ngồi vào bàn ký các hồ sơ thủ tục hành chính cho công dân. Dừng bút, ông Dương Ngọc Thoả - Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương chia sẻ “Nếu cán bộ làm việc đúng tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “là công bộc của dân” thì rất vất vả, nhưng thực sự đó là niềm vui đối với tôi. Vì mình làm cho dân, dân vui thì mình thấy vui”.

 Ông Dương Ngọc Thoả đang giải quyết các TTHC.
Trong nhiệm vụ mang cả tình người
Biết được tấm gương của ông Dương Ngọc Thoả, nhân một lần phóng viên tìm hiểu về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH) tại quận Hà Đông, Hà Nội. Bà Lê Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Y tế quận chia sẻ: Phú Lương luôn là điểm “nóng” của Hà Đông về phát sinh và phát triển dịch SXH. Năm nay, dịch SXH xuất hiện và bùng phát tại Phú Lương ngay từ đầu tháng 3, nhưng đồng chí Phó Chủ tịch UBND phường Dương Ngọc Thoả đã đi sâu, đi sát, có những cách làm mới lên dập dịch nhanh và tốt nhất quận.
 Hình ảnh ông Dương Ngọc Thỏa đến các gia đình nhà dân để tìm đổ các vật dụng chứa nước có cung quăng, ấu trùng muỗi gây bệnh SXH.

Chia sẻ với phóng viên về nội dung này, ông Dương Ngọc Thoả, cho biết: Rút kinh nghiệm từ năm 2017, phường Phú Lương bùng phát dịch SXH và kéo dài trong nhiều tháng, người dân bị mắc bệnh vừa mất thời gian làm việc, vừa tốn vài chục triệu đồng cho điều trị mỗi người nếu bệnh nặng. Mình thấy thương người dân, vì họ thiếu kiến thức về phòng chống dịch mà mang bệnh. Khi đó mình mới đảm nhận nhiệm vụ nên cũng chưa cách làm hiệu quả. Năm nay, ngay từ đầu tháng 3, khi chưa địa phương nào có dịch thì Phú Lương đã bùng phát dịch bệnh SXH đầu tiên của TP Hà Nội. Năm nay, tôi đã chia tổ đội phòng chống dịch SXH và giao trách nhiệm cụ thể đến từng cán bộ tổ dân phố, kết hợp với các đoàn thể, cơ quan chuyên môn, bám sát đến từng hộ gia đình, hướng dẫn họ cách phòng chống dịch; đồng thời kiểm điểm trách nhiệm đến từng cán bộ chưa đi sát cơ sở, cũng như kiên quyết xử lý gia đình cố tình không hợp tác dập dịch.
Ông Thỏa kêu gọi xã hội hóa cùng với hỗ trợ tiền của ngân sách xây dựng nhà cho gia đình có công.

Gặp ông Đặng Văn Chắm, Tổ trưởng Tổ dân phố 15, phường Phú Lương, tới thăm gia đình bà Đặng Thị Ré, ông xúc động đến trào nước mắt nói: Hộ bà Ré không chỉ nghèo mà còn câm điếc bẩm sinh. Trước kia chỉ có cái võng mắc trên mảnh đất này sống qua ngày. Bà vừa được Phó Chủ tịch UBND phường Dương Ngọc Thoả đứng lên kêu gọi các nhà hảo tâm và cộng đồng dân cư được trên 150 triệu đồng xây dựng cho căn nhà mới. Nếu ông Thoả không đứng ra kêu gọi xã hội hoá thì bà Ré sẽ không có nhà, bởi ngoài mấy trăm nghìn trợ cấp của nhà nước thì không có chính sách nào khác dành cho xây dựng nhà đối với bà. Tôi thấy ông Thoả là người cán bộ rất năng nổ, nhiệt tình trong công việc, rất vì dân, gần dân, thấu hiểu người dân, thương những người dân nghèo và sống chân tình.
 Ông Thỏa kêu gọi cộng đồng chung tay xây dựng nhà cho hộ nghèo bà Nguyễn Thị Tịnh được 160 triệu đồng.

Cùng như trường hợp nhà bà Ré, hộ nghèo Nguyễn Thị Tịnh, có con bị tâm thần, năm 2016 khi vừa nhận công việc Phó Chủ tịch UBND phường ông Thoả đã kêu gọi được 160 triệu đồng xây dựng cho gia đình bà nhà mới mà không mất tiền ngân sách.
Đến hết năm 2019, Phú Lương đã giúp cho các gia đình nghèo thoát nghèo, cũng như xoá nhà tranh, nhà tạm đạt 100% chỉ tiêu giao.
Với tình thương thân, tương ái, cá nhân ông Thoả cứ vào thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần lại đi làm từ thiện giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Chiều tối thứ 4 hàng tuần, ông cùng với Hội đồng niên 1979 đi phát cháo cho những người bệnh khó khăn tại Viện Bỏng Quốc gia.
 Sau giờ làm việc ngày thứ Tư hàng tuần ông Thỏa lại đến Viện Bỏng Quốc gia phát cháo cho bệnh nhân nghèo.

Với những học sinh nghèo, ông Thoả còn xây dựng quỹ khuyến học và kêu gọi những nhà hảo tâm hỗ trợ giúp cho các em có sách vở, trang thiết bị học tập, xe đạp đến trường. Đối với những học sinh có thành tích xuất sắc cũng được thưởng dịp cuối năm và đi báo công dâng Bác. Mỗi năm toàn phường đã huy động xã hội hoá được từ trên 30 đến trên 40 triệu đồng cho chương trình này. Món quà nhỏ, nhưng thể hiện được tình người, đỡ đi gánh lo cho những gia đình nghèo. Điều quan trọng nhất là chất lượng học sinh, sinh viên của phường ngày được nâng lên qua con số đậu vào các trường đại học mỗi năm một tăng.
Trách nhiệm và sáng tạo trong điều hành công việc
Bà Đỗ Thị Mơ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Tổ 6, phường Phú Lương chia sẻ: Cách làm việc của đ/c Thoả đi sâu, đi sát với thực tế. Nơi nào khó khăn nhất đ/c ấy đến trực tiếp kiểm tra và đưa ra ý kiến chỉ đạo giải quyết kịp thời, vừa động viên cán bộ, người dân tại cơ sở, nhưng cũng giao trách nhiệm công việc cụ thể đến từng cán bộ. Không chỉ có dập dịch SXH mà đối với công tác hội đoàn thể, các phong trào tương thân, tương ái, đoàn kết xây dựng khu dân cư văn hoá, … đ/c Thoả đều làm hết trách nhiệm, đi sâu, đi sát chỉ đạo. Chính vì thế, Chi HPN chúng tôi đã tích cực tham gia mọi phong trào về cả ngày công và ủng hộ kinh phí, như: Đền ơn đáp nghĩa với gia đình chính sách, người nghèo, cải tạo các công trình công cộng như nghĩa trang liệt sỹ …
Đồng chí Thoả là người rất nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Nhiều công việc của Tổ dân phố số 6 hoàn thành tốt chỉ tiêu giao cũng là nhờ sự điều hành, chỉ đạo hợp lý, khoa học của đ/c Thoả. Sau giờ làm việc ở UBND phường, đ/c đều xuống cơ sở để nắm bắt tình hình mọi mặt hoạt động. Nhất là dịp bùng phát dịch SXH, đ/c ấy gần như ngày nào cũng đi cơ sở. Nơi nào báo cáo sai đ/c ấy biết ngay và kiểm điểm trách nhiệm tại buổi giao ban hàng tuần. Nhờ thế, tổ dân phố 6 đến nay không có ca nào mắc bệnh SXH. Đây là ý kiến của ông Nguyễn Thế Dũng – Tổ Trưởng tổ dân phố số 6, phường Phú Lương.
Một số người dân ở Phú Lương chia sẻ: Tôi chưa bao giờ thấy ông cán bộ nào mà thường xuyên đến nhà dân kiểm tra về phòng chống SXH như ông Thoả. Ông ấy leo cả lên mái nhà, chui vào góc vườn, nhà bếp để kiểm tra từng cái xô, chậu, bể nước… phân tích cho dân những điều được - mất khi để muỗi và bệnh dịch SXH phát sinh…
 Cặp vợ chồng này mới sinh con xong, được cán bộ phường đến thăm và trao giấy khai sinh. Đây là cách giải quyết TTHC mà ông Thỏa đã làm để hỗ trợ người dân giảm bớt thời gian đi lại.

Theo tìm hiểu của phóng viên: Nhiều cặp vợ chồng vừa sinh con xong được cán bộ UBND phường mang giấy khai sinh đến tận nhà, kèm theo thư chúc mừng đã làm họ vừa xúc động và quá bất ngờ với cách giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của phường. Không chỉ có sáng kiến này, trong công tác cải cách hành chính (CCHC) ông Thoả còn trực tiếp, hoặc cử cán bộ đến tận nhà, bệnh viện thăm hỏi động viên và làm TTHC tại giường cho những người ốm đau, bệnh tật không thể ra phường.
Để giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các công việc của phường, ông Thoả đều lập các nhóm trên Zalo kết nối mọi người điều hành theo từng lĩnh cực được giao. Những công việc nào sắp đến hạn chưa được giải quyết xong ông đều nhắn trên nhóm để mọi người biết và cá nhân người trực tiếp làm nắm được tiến độ thực hiện.
 Những bệnh nhân ốm đau, tàng tật không thể đến phường ông Thỏa cử cán bộ Bộ phận Một cửa đến tận nơi làm thủ tục hành chính.

Nhờ có chỉ đạo, điều hành công việc một cách khoa học và làm hết trách nhiệm nên các lĩnh vực được phân công phụ trách ông Thoả luôn hoàn thành xuất sắc và được tặng thưởng nhiều Bằng khen, giấy khen, cờ thi đua của các cấp cho cả cá nhân ông và tập thể phường. Riêng Hội Chữ thập đỏ 3 năm liền từ 2016 – 2018 đều tặng Bằng khen cho cá nhân ông Thoả về công tác hoàn thành xuất sắc công tác Hội; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ LĐ&TB xã hội đã tặng Bằng khen đối với cán bộ và nhân dân phường Phú Lương có thành tích xuất sắc trong xây dựng và tổ chức hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch tại địa phương; công tác đền ơn đáp nghĩa 2016 và 2017. Cá nhân ông Thoả còn được UBND quận Hà Đông tặng danh hiệu người tốt, việc tốt tiêu biểu năm 2017.
 Ông Thỏa đích thân đến thăm và tặng quà cho một học sinh bị đánh.

Tấm gương của PCT Dương Ngọc Thoả không chỉ giúp cho công việc của phường Phú Lương do bản thân ông phụ trách hoàn thành xuất sắc, mà còn lan toả trong cộng đồng, nâng cao ý thức trách nhiệm của người cán bộ vì dân; đối với người dân từ đó cũng từng bước thay đổi nhận thức, sống có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần