Người cảnh sát giao thông xây những bậc phù đồ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Cứu một mạng người hơn xây bẩy bậc phù đồ”. Tòa tháp 7 tầng chứa xá lị (tro xương của Đức Phật) cũng không thể sánh được với một mạng người.

Vì thế, những người dân Thủ đô dẫu có không vừa lòng với CSGT thì cũng đều mong muốn lực lượng CSGT Hà Nội giữ được kỳ tích: Số người chết do TNGT tại Hà Nội liên tục giảm trong vòng 5 năm qua.

Vị thầy thuốc và “con bệnh lớn”

Để Thủ đô bớt đi vài mảnh khăn xô tang tóc trên đầu người dân, hơn ai hết, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (viết tắt là CSGT) TP Hà Nội thấm thía đầy đủ cái câu “Thân danh đã đặt giữa đàng - Quản chi điều tiếng là sang, là hèn”.

Ông trưởng phòng CSGT TP Hà Nội lấy bát, đũa rồi ngồi ăn một mình giữa bếp ăn ngăn nắp, vắng lặng của phòng CSGT TP Hà Nội (86 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm). Giờ này đã là trưa muộn, anh em đã ăn xong cả rồi. Tiếp đoàn CSGT Lào – Campuchia sang học kinh nghiệm xong, ông Thắng lại phải xử lý một lô những sự vụ mà anh em đưa lên. Nhắc đến cái lịch hẹn với báo Kinh tế & Đô thị, ông đại tá chỉ huy lực lượng cảnh sát “khét tiếng” nhất Thủ đô gãi đầu “Ưu tiên công việc chút. Toàn việc khẩn cấp”. Đành chịu! Giao thông Hà Nội thì có việc gì là không khẩn cấp.
Đại tá Đào Vịnh Thắng với bữa trưa muộn quen thuộc.
Đại tá Đào Vịnh Thắng với bữa trưa muộn quen thuộc.
Nhìn ông đại tá ăn vội vàng bật cười nhớ câu “Thực tốc hành trì quý nhân chi tướng - Ăn nhanh, đi chậm là cái tướng của người sang quý” của tiền nhân. Thật gay go cho dân Hà Nội nếu ông Thắng thể hiện hết cái tướng “quý nhân”, mỗi giây chậm trễ khi giải quyết những sự cố giao thông có thể trả giá bằng mạng người, nếu ông chỉ huy lực lượng CSGT Hà Nội lại chậm rề rề thì cũng căng thật. Về việc này, bà con Thủ đô có thể yên tâm, Đại tá Đào Vịnh Thắng từng được đưa lên “bàn cân” của dư luận sau nhiều những vụ “nhanh nhẩu” trong quá khứ.  Ngày 3/7/ 2013, khi đang đi kiểm tra các chốt làm nhiệm vụ trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội), phát hiện chiếc xe tải chở cát mang BKS 29C - 192.44 do Đỗ Mạnh Phong (SN 1982, ở Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội) cầm lái vượt đèn đỏ và chạy vào giờ cấm, ngay lập tức, ông Thắng bám theo và vượt lên phía trước xe tải chặn lại để xử lý… Có tờ báo đăng sự vụ này cùng mấy vụ Đại tá Đào Vịnh Thắng đi xe ôm, ngồi với anh em lái xe taxi… tìm hiểu xem “Lính mình làm ăn ra sao?” nên nhiều người bàn luận, đánh giá. Sau dịp đó, tại TP Hồ Chí Minh, khi ngồi với những anh em làm báo lâu năm ở đây, đa số anh em không đồng tình với cách làm của ông Thắng khi đó. “Chỉ huy thì cứ chỉ huy đi. Xông vô công việc chi để khó cho anh em? Ổng đó rảnh ghê ha?” - đó là kết luận cuối của một vị nhà báo quê xứ Quảng nổi tiếng với những bài báo về Quốc hội.

 Bữa ăn loáng cái là xong, đã có thể đem chuyện “Tranh việc của lính” để hỏi ông Thắng được rồi. Ngoài đời thường, một vị thầy thuốc và người cảnh sát hình như không gần gụi nhau lắm về mặt hình ảnh. Nhưng trong hơi Thu bắt đầu se sắt, giống như lúc Hà Nội chuẩn bị đón những đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô 62 năm trước, ông trưởng phòng CSGT TP đương nhiệm luôn nhắc đến người thầy thuốc đặc biệt của Hà Nội - Chủ tịch Trần Duy Hưng khi giải thích về những con số, những phương châm và giải pháp mang “đặc thù giao thông Hà Nội”. Hình ảnh ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội vừa tiễn con ra mặt trận đánh giặc đã vội lao đến đại sứ quán Pháp, nơi bom Mỹ vừa đánh phá, chung tay với bộ đội, người dân bốc từng mảnh gạch vụn, băng bó từng vết thương đã khiến người Thủ đô lúc ấy yên tâm, vững dạ và xúc động dâng ngập mi. Nhắc đến Chủ tịch Trần Duy Hưng, tôi nhớ hình ảnh ấy và thấy không cần thiết phải hỏi ông Thắng về nguyên nhân của việc “nhanh nhẩu” lao đến hiện trường nữa.

Và tôi cũng không cần phải hỏi về lý do của nhiều việc mà chỉ CSGT Hà Nội mới thực hiện trong suốt thời gian qua: Vượt đèn vàng phạt như đèn đỏ, đưa nữ CSGT ra đường làm nhiệm vụ, hạn chế anh em CSGT bụng to làm việc ngoài đường… Gọi là “xé rào” hay “quy định riêng” hoặc từ gì đó cũng đều được, duy người chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của những vụ “xé rào” này thì chỉ có một, đó là Đại tá CSGT Đào Vịnh Thắng. Có lẽ vì thế mà lực lượng 141 nổi danh, cũng là một sự “xé rào” của Công an Hà Nội đã chọn CSGT làm tổ trưởng của các chốt 141 (Giờ đây, ai bị 141 “hành” thì đã biết nơi mà “đổ tiếng ác” rồi nhé - PV).

Sinh thời, Chủ tịch Trần Duy Hưng đã từng có lần “xé rào” vô cùng nổi tiếng. Đó là ông cho phép tư nhân sản xuất những đồ gia dụng trong những năm tháng bom Mỹ phá hoại. Việc làm này đã khiến nhiều gia đình tại Hà Nội có được ngay những vật dụng cần thiết để sử dụng sau khi bị bom Mỹ “cho trở về thời kỳ đồ đá”. Chủ tịch Trần Duy Hưng đã dám vi phạm “Chính sách Cộng sản thời chiến” vì lời thề Hippocrates in đậm trong tâm trí: “Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công”. Gọi giao thông Hà Nội là một “con bệnh lớn” không hề quá lời, thậm chí còn quá nhẹ, “con bệnh lớn” này khiến mỗi năm có hàng nghìn gia đình tại Thủ đô phải quấn những mảnh khăn xô tang tóc trên đầu. Đứng trước “con bệnh lớn” ấy, người “thầy thuốc” buộc phải (cần) chỉ dẫn những chế độ có lợi cho con bệnh, tùy theo khả năng và sự phán đoán của bản thân, chứ không thể cứ máy móc, khiên cưỡng thực hiện theo quy định, quy tắc đã có. Bởi những quy tắc đã có mà hoàn hảo thì “con bệnh” đã không xuất hiện.

Với hơn bốn mươi năm lăn lộn với các tuyến đường Hà Nội, hơn ai hết, ông Thắng hiểu được rõ nhất thói quen giao thông của người Hà Nội, nắm bắt được những đặc điểm của “con bệnh lớn”. Vì thế, tất cả phụ thuộc vào “khả năng và sự phán đoán” của Đại tá Đào Vịnh Thắng mà thôi. Đúng hay sai thì kết quả công việc sẽ trả lời.

Thành quả công việc thiêu đốt những ánh nhìn
Số người chết vì TNGT tại Hà Nội giảm qua từng năm: Năm 2010 là 807, năm 2011: 749, năm 2012: 663, năm 2013: 626, năm 2014: 609, năm 2015: 602

“Hà Nội là đỉnh cao văn hóa, tột đỉnh đam mê, đỉnh điểm cảm xúc và có cả sự… đủng đỉnh trong giao thông” - “Ai nói giao thông Hà Nội khiến người tỉnh táo phát điên chưa đủ, giao thông Hà Nội khiến người điên trở lên… tỉnh táo”. Những nhận xét dí dỏm ấy về giao thông Hà Nội không hề cường điệu. Vì thế, người chỉ huy lực lượng CSGT của Hà Nội sau mỗi buổi giao ban sáng là bước vào “một trận đánh lớn” kéo dài đến sáng hôm sau. Không hề có công thức, quy định hay phương án có sẵn để giải quyết những “trận đánh lớn” này. Đối phó với những điều đặc biệt lại cần những phương pháp đặc biệt. Vì thế giao thông Hà Nội, hay nói đúng hơn là CSGT Hà Nội luôn là một cái bia thu hút sự quan tâm của dư luận vì những sự khác biệt.

Khác biệt lớn nhất đập vào mắt người ta là số vụ xử phạt vi phạm giao thông của Hà Nội luôn cao hơn nhiều so với các địa phương khác, đơn cử 10 ngày sau khi triển khai việc tăng tiền phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 46 vừa rồi (bắt đầu từ ngày 2/8), số vụ xử phạt của CSGT Hà Nội là hơn 18.000 trường hợp, con số này cao gấp hơn 2 lần so với TP Hồ Chí Minh. Bây giờ, khi so sánh hai con số làm tăng thêm sự “ác cảm” cho CSGT Hà Nội, rất ít người (kể cả ông Thắng) có sự so sánh rằng: Từ năm 2010 đến nay, số người chết vì TNGT tại Hà Nội giảm nhiều hơn hai lần so với TP Hồ Chí Minh (Hà Nội giảm 205 người, TP Hồ Chí Minh giảm 92 người)…

  Có ai ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh hoặc một nơi nào đó biết một mạng người thì đổi bằng bao nhiêu giấy phạt không? Không ai biết và những con số thống kê khô khốc ấy cũng chưa thể thuyết phục nổi toàn bộ người dân Hà Nội rằng “CSGT Hà Nội - Những người cảnh sát được gọi bằng đủ thứ tục danh chẳng đẹp đẽ gì ấy đã và đang thực hiện được một mục tiêu cao cả nhất: Giữ lại nhiều thêm những mạng người”. Những nỗ lực suốt bao năm đằng đẵng trên các tuyến đường Thủ đô của anh em CSGT Hà Nội đã có thành quả nhưng “ác cảm” của dư luận dành cho họ vẫn không hề thay đổi.

Mà khi đã làm CSGT thì người ta như bước vào căn nhà cười nổi tiếng ở Công viên Lê Nin (nay là Công viên Thống Nhất) ở Hà Nội. Những tấm gương phản chiếu lồi lõm ấy phản chiếu lên hình ảnh dị mọ, quái đản. Ở căn nhà cười ấy thì người ta có thể cười, có thể vui với hình ảnh của mình nhưng ngoài đời thực, những người CSGT gặp những hình ảnh phản chiếu dị mọ ấy sẽ phải khóc, bởi còn có cha mẹ, vợ con, anh em họ hàng… nhìn vào đó nữa chứ. Thôi thì chịu tiếng xấu vì chuyện “con sâu bỏ rầu nồi canh” đã  đành, nhưng những người thân của họ cũng phải sống với cái nhìn ác cảm ấy thì bất công với họ quá! Ác nghiệt với họ quá!

Khi Trung úy Hoàng Anh dính vào vụ clip “CSGT Hà Nội tung cước”, dù trước đó lãnh đạo Đội CSGT số 3 có thông báo tới báo chí là đình chỉ công tác Hoàng Anh nhưng ông Thắng đã ngay lập tức tuyên bố: “Không có chuyện đình chỉ công tác. Hoàng Anh đã làm đúng”. Thực ra, khi anh em cấp dưới dính vào những vụ rắc rối, quyết định đình chỉ công tác là hợp lý để chờ quả bóng dư luận xì hơi, rồi sau đó mới ra kết luận, tuy nhiên ông Thắng bảo: “Tôi hơn 40 năm lăn lộn với nghề, đôi lúc còn thấy chạnh lòng bởi những cái nhìn định kiến của xã hội. Hoàng Anh còn trẻ, bị “xử ép” để chiều theo dư luận thì tủi thân và xót xa lắm”.

Kỳ lạ là ngay từ ngày đầu làm CSGT, ông Thắng đã biết nghề của mình sẽ phải chịu nhiều những điều tai tiếng, thị phi. Khi lần đầu tiên làm nhiệm vụ trực giao thông trên đường Phan Đình Phùng, nhân Đại sứ Hungaria trình Quốc thư, ông Thắng đã bị lâm vào cảnh “Thân danh mang đặt giữa đàng” khá oái oăm. Những năm ấy, CSGT còn là hình ảnh ít thấy tại Thủ đô, hơn thế nữa cậu CSGT mới vào nghề Đào Vịnh Thắng với cảnh phục, mũ găng nom rõ bảnh nên các cô nữ sinh ở mấy trường Phan Đình Phùng, Chu Văn An gần đấy được dịp chòng ghẹo. Đang làm nhiệm vụ bỗng có cô gái đến hỏi cách đi đến đường “Nguyên Cẳng Chân”, bộ óc CSGT mới toanh bắt đầu chạy tít mù để tìm con đường có cái tên “kinh khủng” ấy cho cô gái. Lát sau mới nghĩ ra, có thể cô gái nhầm tên đường Nguyễn Cảnh Chân (xuyên từ Phan Đình Phùng sang Hội trường Ba Đình). Sau khi chỉ dẫn tận tình cho cô bé đó, cái đáp lại không phải là những ánh mắt biết ơn, trìu mến của người đi đường mà là những tràng cười, thoáng những tia nhìn giễu cợt như muốn bảo “đồ dỗi hơi”. Đến tận bây giờ, ông Thắng vẫn còn không biết cô gái đó đùa hay là thật với mình? Nhưng nếu tình huống đó quay trở lại thì chắc chắn ông cũng vẫn sẽ tận tình chỉ dẫn để cô gái đó đi đến được đường “Nguyên Cẳng Chân”. Nếu phải là tôi thì tôi sẽ cho luôn cô bé đó ăn “nguyên cẳng chân” vì tội bỡn cợt (với bản tính người Hà Nội, đó khó có thể là chuyện nghiêm túc)… Kỷ niệm đầu tiên khi bước vào nghề CSGT ấy, ông Thắng luôn kể cho các lớp đàn em, đàn cháu nghe để hiểu một điều rằng: Mình phải nghiêm túc với việc của mình, những định kiến, những cái nhìn sai lệch của xã hội có hàng trăm, hàng nghìn, thiên biến vạn hóa vô cùng. Chỉ có thành quả công việc mới đốt cháy được những “thiên biến vạn hóa” kia.

Khi bắt đầu làm CSGT, hạ sĩ Đào Vịnh Thắng chỉ có một mong muốn. Sau bốn mươi năm xuôi ngược nắng mưa, chải gội tiếng đời để làm nhiệm vụ trên những con phố Hà Nội, khi đảm nhận vị trí Trưởng phòng CSGT TP Hà Nội, mong muốn ấy của đại tá Đào Vịnh Thắng đã trở thành mệnh lệnh sắt đá đối với lực lượng CSGT Hà Nội: Nỗ lực cao độ nhất để hạn chế TNGT - Làm tất cả những gì có thể, để Thủ đô bớt đi những mảnh khăn xô tang tóc trên đầu người dân…

Những điều phi thường đến từ những con số giản đơn. Những con số giản đơn lại đến từ những nỗ lực phi thường. Không thể bắt người dân Hà Nội yêu và thông cảm với lực lượng CSGT, người dân Hà Nội không cần biết đến những vất vả, nỗ lực của CSGT. Người Hà Nội cần những con số, những con số để dựng lên những bậc phù đồ giữa đường phố Thủ đô.

Vì thế, xin cảm ơn lực lượng CSGT Hà Nội và Đại tá Đào Vịnh Thắng về những con số giao thông Thủ đô trong suốt 5 năm vừa qua.
Quá trình công tác

- 9/1974 vào ngành là học viên trường Công an Hà Nội

- Từ 4/1975 - 1/1981, chiến sĩ Đội CSGT số 4, Đội Tuần tra dẫn đoàn

- Từ 7/1984, Bí thư liên chi đoàn, Ủy viên Ban chấp hành đoàn Công an TP, công tác tại Đội Chính trị

- Từ 11/1986, giữ chức vụ Phó Trưởng trạm Ngọc Hồi – Công an Hà Nội

- Từ 2/1990, giữ chức vụ Đội trưởng Đội Tham mưu chính trị

- Từ 2/1993, giữ chức vụ Đội trưởng Đội CSGT số 1

- Từ 7/1995, giữ chức vụ Đội trưởng Đội CSGT số 2

- Từ 3/2003, giữ chức vụ Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt,Công an TP Hà Nội

- Từ 10/2012 đến nay, giữ chức vụ Trưởng phòng CSGT đường bộ - đườngsắt, Công an TP Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần