Người đam mê công tác hòa giải

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với niềm đam mê hòa giải cùng tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm, ông Nguyễn Văn Hồng (sinh năm 1937, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia phường Lê Lợi; hòa giải viên tổ hòa giải Hồng Hà, phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây) đã tham gia hòa giải thành công nhiều vụ việc, đem đến niềm vui cho bà con trong khu dân cư.

Ông Nguyễn Văn Hồng (sinh năm 1937, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia phường Lê Lợi; hòa giải viên tổ hòa giải Hồng Hà, phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây)
Ông Hồng chia sẻ, trong 5 năm, từ năm 2014 đến hết năm 2018, ông cùng các hòa giải viên đã chủ động nắm bắt tình hình tại tổ dân phố, kịp thời phát hiện và hòa giải thành công 14 vụ, trong đó có 5 vụ tranh chấp mâu thuẫn phức tạp. Bằng sự chủ động tích cực, kiên trì tiếp cận các đối tượng, tìm hiểu nguyên nhân, các hòa giải viên đã vận động các đối tượng có tranh chấp ngồi lại với nhau để tìm ra nguyên nhân mâu thuẫn, tìm cách hòa giải thích hợp nhằm bảo đảm quyền lợi của các bên. Có những vụ việc chỉ hòa giải 1 - 2 lần là thành công nhưng có những vụ việc hòa giải đến 4 - 5 lần và kéo dài hàng tháng mới hòa giải thành.
Từng tham gia hòa giải nhiều vụ việc, ông Hồng nhớ nhất là chuyện hai nhà hàng xóm tranh nhau lối đi, trong đó, ông cụ đã 90 tuổi vẫn còn vác dao sang dọa nạt hàng xóm. Sau nhiều lần tổ hòa giải gặp gỡ, hòa giải, phân tích tình cảm, mối quan hệ hàng xóm láng giềng “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, cuối cùng hai nhà đã hòa thuận với nhau.
Qua hơn 10 năm tham gia công tác hòa giải, ông Hòa cho rằng, hòa giải ở cơ sở là nét đẹp truyền thống đạo lý của dân tộc ta. Để hoàn thành tốt công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên phải luôn cố gắng, tích cực, chủ động trong công tác hòa giải, không ngừng học tập nghiên cứu các quy định của pháp luật, tham gia tập huấn nghiệp vụ nâng cao hiểu biết pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở...
Ngoài ra, ông Hồng cũng bày tỏ mong muốn TP tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” để các hòa giải viên có cơ hội nâng cao kiến thức pháp luật, có môi trường giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hòa giải ở cơ sở. Cùng đó, Nhà nước có hình thức vinh danh, tặng “Kỷ niệm chương” đối với những người tham gia công tác hòa giải lâu năm, hòa giải thành công nhiều vụ việc phức tạp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần