Người dân bắt giữ tội phạm có hung khí: Chủ động giữ an toàn

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, các đối tượng trộm cắp tài sản rất manh động khi thực hiện gây án. Chúng thường mang hung khí, thậm chí “hàng nóng”, sẵn sàng ra tay chống trả khi bị vây bắt. Khống chế tội phạm có vũ khí do lực lượng riêng biệt thực hiện, việc người dân xử lý tình huống không phù hợp có thể xảy ra hậu quả không lường.

 Hung khí Công an TP Hà Nội thu giữ qua quá trình bắt giữ tội phạm.
Cùng đường thường manh động

Ghi nhận từ những vụ trọng án được phát hiện gần đây, các đối tượng trộm cắp thường mang hung khí khi thực hiện hành vi phạm tội, nhất là thời điểm đêm tối. Quá trình trộm cắp bị phát hiện quả tang, cả đối tượng gây án cùng bị hại đều có phản ứng bột phát, thiếu suy xét. Qua đó, từ phát sinh trộm cắp “vặt” có thể thành trọng án hình sự nghiêm trọng, thậm chí là giết người.

Ví dụ như vụ án trộm cắp tài sản xảy ra tại địa bàn quận Long Biên vào giữa tháng 9 vừa qua. Theo đó (rạng sáng 18/9), sau khi phát hiện có đối tượng đang trộm cắp biển sắt quảng cáo của gia đình, ông Nguyễn Công Đ. cùng con trai lớn lập tức xông ra cổng để bắt giữ. Bị phát hiện, đối tượng hoảng hốt dùng xe máy trốn chạy. Thời điểm này, người con trai cầm xẻng đánh vào lưng, khiến đối tượng bị ngã khỏi xe máy. Để thoát thân, đối tượng vùng dậy rút dao trong người ra chống lại, đâm vào sau vai trái của ông Đ. và chém người con đứt gân tay. Đối tượng đã nhanh chân tẩu thoát khỏi hiện trường khi người dân tiếp tục truy hô.

Thương tâm hơn là vụ án khiến 2 người tử vong tại TP Hưng Yên cũng vào thời điểm cuối tháng 9 vừa qua. Đối tượng gây án là Đinh Công Tráng (SN 1977, trú tại TP Hưng Yên) khai nhận, thời điểm bị phát hiện khi đang ăn trộm, Tráng đã dùng dao mang sẵn trong người đâm nạn nhân nữ tử vong trong phòng ngủ. Cùng thời điểm trên, chồng nạn nhân tỉnh giấc lao vào giằng co và tiếp tục bị Tráng đâm chết…

Chủ động trước tình huống

Đối mặt với tội phạm có hung khí, lực lượng chức năng nói chung và Công an TP Hà Nội nói riêng đều chuẩn bị sẵn tình huống, được huấn luyện võ thuật bài bản và đầy đủ công cụ hỗ trợ. Theo đó, lực lượng công an có đơn vị cảnh sát đặc nhiệm, cảnh sát hình sự chuyên ứng phó với tội phạm sử dụng hung khí. Trước và trong thời điểm nhận công tác đặc thù, họ được rèn luyện võ thuật thuần thục. Lực lượng này được trang bị áo chống đạn, găng tay bắt dao, dùi cui điện… khi ứng phó với tội phạm. Đặc biệt, họ thường thực hiện khống chế, bắt giữ tội phạm theo tổ, nhóm công tác.

Các tổ công tác 141, Công an TP hay tương tự là lực lượng cảnh sát cơ động làm nhiệm vụ tuần tra ban đêm cũng tuân thủ các nguyên tắc này. Trong một tổ công tác 141 luôn có lực lượng cảnh sát hình sự và cảnh sát cơ động ứng phó với đối tượng manh động. Lực lượng cảnh sát cơ động ban đêm đều bố trí 4 - 6 người hỗ trợ nhau trong một phiên tuần tra.

Việc đối tượng phạm tội sử dụng hung khí, vũ khí “nóng” tại TP vẫn còn phức tạp. Theo thống kê, trong thời gian 1 năm (16/7/2017 – 15/8/2018), trên địa bàn Thủ đô xảy ra 20 vụ sử dụng, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, súng tự chế và hàng trăm, dao, kiếm, đao… Tính riêng tội phạm trộm cắp tài sản, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 2.000 vụ án, trong đó không ít những đối tượng mang hung khí nguy hiểm đi gây án.

Trước đây không lâu, vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng làm 4 người thương vong tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất đã cho thấy mức độ nguy hiểm khi người dân vây bắt đối tượng trộm cắp. Đại tá Dương Văn Giáp (nguyên Trưởng phòng CSHS, Công an TP Hà Nội) đã khuyến cáo: Việc khống chế, bắt giữ đối tượng có hung khí là của lực lượng chức năng. Người dân khi gặp trường hợp trộm cắp đột nhập nên chủ động giữ an toàn cho mình và người thân. Thời điểm đã chắc chắn an toàn tính mạng mới tri hô nhằm đánh động, đuổi kẻ trộm cắp. Đặc biệt, không cố gắng dồn bắt đối tượng trộm cắp, có thể gây hại đến bản thân.