Người dân không thể mua điện giá cao

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), phương án tăng giá bán lẻ điện bình quân được chốt là 8,36%. Thời gian tăng giá là trong nửa cuối tháng 3/2019.

Việc tăng giá bán lẻ này có thể đưa giá bán lẻ điện bình quân lên 1.864 đồng/kWh. Hiện giá bán lẻ bình quân áp dụng đạt 1.720 đồng/kWh.
Trước việc tăng giá điện, cả người dân và DN đều lo lắng bởi việc này không chỉ liên quan trực tiếp đến đời sống người dân mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và giá cả hàng hóa khác, làm đội chi phí đầu vào của DN, kéo theo lợi nhuận và cạnh tranh bị giảm sút.
Lý do EVN muốn tăng giá điện là do một số chi phí đầu vào tăng cao như giá than nhập khẩu, dầu, biến động tỷ giá... làm chi phí mua điện của EVN tăng. Song yếu tố mấu chốt được nhắc tới là tổng chi phí bị "đội" lên năm 2018 và 2019 của EVN khoảng 20.735 tỷ đồng, bao gồm cả phát sinh chênh lệch tỷ giá. Mới đây, Bộ Công Thương đã công bố khung giá phát điện năm 2019 áp dụng cho việc đàm phán giá hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện cao nhất lên tới 1.896,05 đồng/kWh (8US cent/kWh), tăng mạnh so với mức trần 1.600 đồng/kWh của năm 2018.
Có nghĩa, giá điện không sớm thì muộn cũng tăng, song còn nhiều điều cần bàn. Vấn đề khiến người dân lo lắng là: Hiện các chi phí phát sinh đầu vào sản xuất điện khá lớn, nhưng ở lần tăng giá điện lên 8,36% tới đây số này theo EVN chưa được phân bổ hết vào giá thành, bởi nếu phân bổ hết thì mức tăng có thể sẽ lớn hơn. Và như vậy, mức tăng sẽ không dừng lại như hiện nay.
Theo EVN, việc tăng giá điện để đầu tư cho phát triển ngành điện vì tiêu dùng điện hiện nay ngày càng tăng cao, cần thiết phải có vốn để xây dựng thêm nhiều nhà máy bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo đảm đời sống sinh hoạt cho Nhân dân. Song, việc tăng giá điện đòi hỏi phải hợp lý và minh bạch.
Bộ Công Thương đã công khai đối với giá điện và phần nào đã thực hiện việc minh bạch hóa. Nhưng việc minh bạch trên vẫn chưa đủ vì vấn đề quan trọng nhất của các loại giá là cần công khai các đầu vào để tính toán chi phí. Điều này mới quan trọng, nó dẫn tới giá thành không thực, trong đó còn có thể có những yếu tố chưa minh bạch, chưa đúng khiến người tiêu dùng cảm thấy họ bị thua thiệt, chưa bảo đảm tính hợp lý và hợp lệ. Năng suất và hiệu suất của các nhà máy phát điện hiện nay chưa cao. Nếu quản lý tốt có khả năng giá thành phát điện có thể giảm được chứ không phải là tăng giá. Hiện ngành điện vẫn còn cơ chế quan liêu bao cấp nên phải cõng trên lưng bao nhiêu là chi phí...
EVN cho biết, giá điện Việt Nam còn đang thấp hơn nhiều so với thế giới, nhưng cần nói rõ là ít có nước nào như ở Việt Nam lại có sẵn nguồn năng lượng sơ cấp để sản xuất ra điện cơ bản như thủy điện, khí, than, có cả năng lượng tái tạo… trong khi ở các nước, nguồn nguyên liệu sơ cấp phải đi nhập khẩu. Tiếp theo, về nhân công, tiền lương lao động của Việt Nam còn rẻ và thấp hơn so với nhiều quốc gia khác. Về khía cạnh thị trường, giá cả cần được người mua và người bán thỏa thuận, người mua được mặc cả chứ không chỉ riêng người bán có quyền đưa ra giá và người mua phải chấp nhận mức giá đó. Khi có cạnh tranh, các vấn đề như lãng phí, quản lý kém... sẽ giảm đi, đồng thời sản lượng điện qua đó góp phầm giảm bớt sức ép tăng giá.
Phân tích như vậy để khẳng định rằng trong bối cảnh GDP bình quân đầu người nước ta mới đạt hơn 2.500 USD/người/năm, sức mua còn thấp thì “người dân không thể mua điện giá cao”. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đặt ra một bài toán cho EVN là “đảm bảo đủ điện nhưng giá điện phải hợp lý, người dân chịu đựng được, DN chịu đựng được”.