Người dân miền Trung khốn khó trăm bề

Quang Hải - Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đi dọc dài từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam, Quảng Ngãi… suốt những ngày qua, đến đâu chúng tôi cũng chứng kiến cảnh tiêu điều, tan hoang do mưa bão, lụt lội, sạt lở đất gây ra.

Một miền tan hoang do mưa bão

Người dân Quảng Bình vừa hứng chịu cơn “đại hồng thủy” vào cuối tháng 10 vừa qua. Lượng mưa quá lớn gây ngập lụt cục bộ địa bàn các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy... Cộng với nước từ thượng nguồn ào ào đổ về khiến hàng chục ngàn ngôi nhà chìm trong biển nước, gia sản của bà con tích góp bao năm có được cuốn theo dòng lũ dữ.
Bà Nguyễn Thị Tửu (57 tuổi, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy) nhớ lại: “Hôm ấy nước lên nhanh cả làng không ai kịp trở tay. Nhà tui nước ngập đến mái ngói, mọi người may mắn kịp chạy thoát thân. Nước to ngâm đến 3, 4 ngày không rút, cộng với gió lớn tạo sóng nên nhà sập tui sập hết, không còn chi”.
 Người dân tỉnh Quảng Bình vừa trải qua trận lũ lụt lịch sử. Ảnh: Quang Hải
Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Bình có khoảng 110.000 ngôi nhà bị ngập lụt. Trong đó hàng ngàn hộ dân bị ngập sâu, mất trắng của cải, nhà cửa. Những ngày qua, đồng bào cả nước hướng về miền Trung nói chung, bà con Quảng Bình nói riêng với nhiều suất quà hỗ trợ để giúp đỡ người dân sớm khắc phục khó khăn.
UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã quyết định phân bổ 2.500 tấn gạo từ nguồn dữ trữ Quốc gia để cứu đói cho Nhân dân bị ảnh hưởng do mưa lũ. Nhưng về lâu dài, người dân rất cần thêm nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền như giống cây trồng, vật nuôi… để sớm vượt qua gia đoạn khó khăn, ổn định cuộc sống.

Hàng ngàn người dân Quảng Trị nguy cơ đói nghèo hiển hiện khi lũ lụt cuốn trôi nhà cửa, gây ngập úng 360 ha lúa và hơn 2.600ha hoa màu. Lượng mưa trong vòng 10 ngày bằng hơn 1 năm đã gây nên trận lũ lụt lịch sử vừa qua ở Quảng Trị, làm toàn tỉnh có 50 người chết, 4 người mất tích, 25 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính 3.000 tỷ đồng. Nặng nhất là bà con các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh khi nước lụt ngâm lâu ngày làm hàng ngàn tấn lúa chua hẩm, mọc mầm, gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Chưa kể nhiều hộ gia đình nuôi trồng thủy sản trắng tay và rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Đặc biệt, mưa lũ đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn Quảng Trị; tổng thiệt hại ước tính khoảng 306 tỷ đồng. Nhiều tuyến đường sạt lở nghiêm trọng, hàng chục cây cầu bị lũ cuốn trôi khiến giao thông chia cắt.
Người dân các thôn của xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong) hơn chục năm nay nhờ chiếc cầu phao bắc qua sông Thạch Hãn đã rút ngắn được quãng đường giao thương với TP Đông Hà và các địa phương lân cận. Trận lụt vừa rồi to quá, nước cuốn trôi mất cầu, dân giờ đây muốn lên Đông Hà phải đi đường vòng, xa hơn vài km, rất bất tiện, khó khăn.

Làm cả đời, trời phá một trận bão

Liên tiếp các cơn bão cùng mưa lớn kéo dài đã làm đời sống của người dân Quảng Ngãi gần như kiệt quệ. Ông Trần Minh Hùng (thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn) nhìn ra biển, ủ dột: “Nguyên cái bè cá 32 ô với hơn 5.000 con cá bớp thả nuôi từ sau tết giờ cũng đi theo bão hết rồi. Gần cả tỷ đồng chứ ít đâu!”. Đợt bão số 9, ông Hùng cùng hàng chục người nuôi cá lồng bè ở Lý Sơn kéo các bè cá vào nơi trú tránh, ai ngờ, những con bị “nhồi” từ cơn bão số 6 trước đó, kèm theo sóng quá lớn và thay đổi môi trường nước đã khiến cá chết hàng loạt.
Thống kê của ngành chức năng, bão đã làm 48 bè cá của người dân đảo Lý Sơn bị thiệt hại với tỷ lệ cá chết lên đến hơn 90%, trong đó cá bớp chết hoàn toàn, chỉ còn lại một ít cá bè, cá mú. Tổn thất lên đến hơn 32 tỷ đồng. Ngoài ra, tại Lý Sơn, toàn bộ diện tích trồng hành của người dân với hơn 300 ha cũng bị mưa bão làm hư hại hoàn toàn.
“Hiện tại Lý Sơn tổn thất về kinh tế khá nặng nề, ngoài ra còn nhiều nhà cửa, đường sá, công trình bị hư hại. Trong đó, riêng thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra là 215 tỷ đồng” - ông Đặng Tấn Thành - Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết.

Tại “thủ phủ” cây ăn quả ở huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi), bão số 9 làm hư hại hàng trăm ha cây ăn quả các loại như bưởi, sầu riêng, chôm chôm… Người dân điêu đứng vì thành quả hàng chục năm lao động bị thiên tai cướp mất. Dẫn chúng tôi đi xem khu vườn cây ăn quả rộng hơn 1,5 ha, bà Nguyễn Thị Lạt (80 tuổi, xã Hành Nhân) đôi mắt đỏ hoe nhìn công sức hai vợ chồng gầy dựng đã gần 20 năm tiêu điều do bão. Ông Lê Quang Nhu - Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành cho biết, toàn huyện có gần 500 ha cây ăn quả thì có đến 360 ha bị thiệt hại nặng nề sau bão số 9.

Thiệt hại về của cải chưa thể thống kê hết, còn mất mát về người quá lớn. Có những vùng quê ở Quảng Nam tang thương thấu tận trời xanh khi sạt lở vùi lấp nguyên cả ngôi làng, cuốn trôi hàng chục người.