Người dân “mỏi mắt” chờ hỗ trợ GPMB hành lang đường sắt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 100 hộ dân ở thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín đã tự giác tháo dỡ công trình, bàn giao mặt bằng sạch để ngành đường sắt thực hiện dự án (DA) làm đường gom.

Nhưng, trái ngược với sự tự giác của các hộ dân, hơn một năm qua, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện chi trả hỗ trợ tiền GPMB cho dù công trình đã hoàn thành.

Tự giác tháo dỡ công trình…

 Qua tìm hiểu, được biết, ngày 15/7/2013, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có Quyết định số 884 giao Ban Quản lý DA đường sắt khu vực 1 làm chủ đầu tư thực hiện DA quy hoạch, cải tạo làm đường gom và rào chắn cách ly phần đường bộ tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, trong đó có đoạn khu vực thị trấn Thường Tín. Tại khu vực này có tổ dân phố Ga và Vồi với 101 hộ dân có nhà ở giáp với tuyến đường sắt nằm trong diện phải tháo dỡ công trình vi phạm.
Đường gom rộng 5m đã hoàn thành nhưng người dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ GPMB.
Đường gom rộng 5m đã hoàn thành nhưng người dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ GPMB.
Nguyên nhân của vi phạm này được xác định, do hàng chục năm qua, công tác quản lý đất đai trên địa bàn thị trấn còn lỏng lẻo nên các hộ đua nhau lấn chiếm hành lang giao thông đường sắt rồi cơi nới xây dựng công trình nhà tạm. Xác định 1km nêu trên là cung đường đảm bảo ATGT của ngành đường sắt, đồng thời cũng là điểm nhấn tạo nên diện mạo mới cho bộ mặt đô thị của thị trấn xanh - sạch - đẹp, nên tháng 10/2013, UBND thị trấn Thường Tín và 2 tổ dân phố đã vận động, tuyên truyền người dân thực hiện đúng chính sách, quy định của pháp luật trong công tác GPMB. Cùng thời điểm này, chủ đầu tư cũng cam kết sẽ kịp thời bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân sau khi tự tháo dỡ công trình hoàn trả mặt bằng để thực hiện DA. Do vậy, cuối tháng 11/2013, 101 hộ dân đã tự giác tháo dỡ công trình, hoàn trả 3m hành lang đường sắt cho chủ đầu tư làm đường gom. Ngoài ra, UBND thị trấn và các hộ dân còn thống nhất mỗi hộ tháo dỡ thêm 2m mở rộng đường gom rộng thành 5m để đi lại cho thuận tiện và an toàn.

 Bà Nguyễn Thị Tuất, ở tổ dân phố Ga cho biết: “Nhà tôi cũng như các hộ dân khác, sau khi được các cấp, ngành tuyên truyền, vận động đã chấp hành tháo dỡ công trình để bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện DA. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến nay, chủ đầu tư và chính quyền các cấp huyện Thường Tín vẫn chưa thực hiện việc hỗ trợ. Để các hộ yên tâm lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống, đề nghị các cơ quan liên quan sớm thực hiện việc hỗ trợ như đã cam kết với người dân”.

Vẫn chưa nhận được tiền bồi thường

 Ông Nguyễn Tiến Vinh - Tổ trưởng tổ dân phố Ga chia sẻ: Ngay từ khi triển khai DA, cán bộ tổ dân phố và cán bộ thị trấn đã vận động từng hộ dân tự tháo dỡ phần công trình trên đất thực hiện DA. Trên địa bàn thị trấn có tổ dân phố Ga và tổ dân phố Vồi có liên quan đến đường gom đường sắt. Sau khi được vận động, tất cả các hộ đã tự giác tháo dỡ công trình, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Không những thế, mỗi hộ dân còn tự nguyện hiến thêm 2m đất để đường gom rộng thành 5m. Do nhận được sự ủng hộ của người dân nên DA được triển khai thuận lợi, đảm bảo đúng tiến độ. Đến nay, tuy DA đã hoàn thành nhưng người dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ GPMB của chủ đầu tư khiến người dân nghi ngờ có khuất tất.

 Lý giải vấn đề này, Chủ tịch UBND thị trấn Thường Tín Lê Văn Điệp khẳng định, để người dân yên tâm bàn giao đất cho chủ đầu tư, ngày 31/12/2013, UBND huyện Thường Tín đã có Quyết định số 5495 phê duyệt phương án đền bù, hỗ trợ GPMB cho 101 hộ dân ở thị trấn với hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, hộ ít khoảng 3 triệu đồng, hộ nhiều là hơn 10 triệu đồng. UBND thị trấn đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư là Ban Quản lý DA đường sắt khu vực 1 chi trả tiền cho các hộ dân, nhưng Ban không thực hiện. Mới đây, ngày 7/1, UBND thị trấn tiếp tục có văn bản đề nghị Ban Quản lý DA đường sắt khu vực 1 và UBND huyện Thường Tín thực hiện trả tiền cho người dân, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm. “Chính quyền sở tại đã mất nhiều công sức, thời gian vận động để người dân tin tưởng, đồng thuận tự tháo dỡ công trình mà không phải tổ chức cưỡng chế. Nhưng việc chi trả, hỗ trợ tiền không kịp thời, đúng quy định của Ban Quản lý DA đường sắt khu vực 1 khiến người dân mất niềm tin, tạo tiền lệ xấu khi các cơ quan chức năng thực hiện các DA sau này” - ông Điệp nói.

Việc chậm chi trả tiền GPMB như nêu trên đang làm người dân mất niềm tin vào chính quyền sở tại. Đề nghị Ban Quản lý DA đường sắt khu vực 1 nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với 101 hộ dân ở thị trấn Thường Tín theo đúng quy định. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần