Người dân Quảng Bình lại gồng mình chống lũ

Theo Dân Tri, Báo Quảng Bình điện tử
Chia sẻ Zalo

Mưa lớn từ ngày 30 đến 31/10 đã khiến nhiều làng mạc ở Quảng Bình chìm trong biển nước. Người dân tỉnh nghèo lại đang phải gồng mình chống chọi với cơn lũ mới.

Trao đổi với phóng viên sáng 31/10, ông Cao Xuân Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, mưa lớn đã khiến nhiều địa phương ở huyện này bị ngập, đặc biệt tại các xã Văn Hóa, Mai Hóa, Châu Hóa nước đã bắt đầu vào nhà dân, có nơi đã ngập đến 1.5m. Tối qua, rất nhiều người dân ở các xã này đã phải chạy lũ trong đêm.
 
Ông Tín cho biết thêm, trong sáng nay, lãnh đạo huyện Tuyên Hóa đã về các địa phương bị ngập lũ nặng để kiểm tra tình hình và tiến hành các biện pháp để phòng chống lũ.
Còn tại các xã vùng Nam thị xã Ba Đồn, mưa lớn đã làm nhiều xã nằm ven sông Gianh bị chìm trong nước. Ở TP Đồng Hới, mưa lớn cũng đã khiến nhiều tuyến phố bị ngập sâu.
Tại xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn) một số thôn nước đã tràn vào nhà dân, hàng trăm hộ đã thức trắng đêm để canh lũ, một số hộ có nhà thấp đã sơ tán ngay trong đêm để tránh thiệt hại, nhiều người dân đã di chuyển đàn gia súc về những nơi cao hơn để tránh lũ.
 Trưa nay, 31/10, nhiều làng mạc ở vùng Nam thị xã Ba Đồn đang bị nước lũ nhấn chìm (Ảnh: H.P)
Thời điểm hiện tại, Quảng Bình đang có mưa to, nước trên các sông cũng đang lên nhanh. Lúc 7h sáng nay, mực nước trên Sông Gianh tại Mai Hóa là 6,23m, dưới báo động 3 (BĐ3): 0,27m, sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 7,38m,dưới BĐ1 0.62m.
Hiện tỉnh Quảng Bình và các địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp chống lũ, hạn chế mức thiệt hại thấp nhất do mưa lũ gây ra.
Mưa lớn nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất
Do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc nên từ 1 giờ ngày 30-10 đến 4 giờ ngày 31-10, ở Quảng Bình đã có mưa vừa đến mưa to, phía bắc tỉnh mưa rất to. Tổng lượng mưa khu vực phía bắc tỉnh phổ biến từ 150-220mm, có nơi lớn hơn như: Đồng Tâm 248mm, Tân Mỹ 247mm, Quảng Minh 234mm.
 Mưa lớn làm nước sông Gianh dâng cao (chụp lúc 9 giờ ngày 31-10 tại xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn). Ảnh: Đức Trường

Hiện nay, mực nước trên thượng lưu các sông Quảng Bình đã đạt đỉnh và đang xuống chậm, mực nước hạ lưu tiếp tục lên chậm. Mực nước lúc 4 giờ ngày 31-10 trên một số sông như sau: trên sông Rào Nậy tại Đồng Tâm 11.85m dưới báo động (BĐ) II là 1.15m; trên sông Gianh tại Mai Hóa 6.15m dưới BĐ III là 0.35m; các sông khác ở mức dưới BĐI.

Dự báo, sáng và trưa nay (31-10) mực nước trên thượng lưu các sông tiếp tục xuống chậm, mực nước ở hạ lưu khả năng đạt đỉnh và xuống chậm. Trên sông Gianh tại Mai Hóa có thể lên mức 6.4 m dưới BĐIII 0.1m; các sông khác ở mức xấp xỉ BĐ I. Nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng...

Sáng 31/10, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện số 28/CĐ-UBND gửi giám đốc các sở: Nông nghiệp-PTNT, Giao thông vận tải, Giáo dục-Đào tạo; Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi. Nội dung Công điện như sau: Do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, nên từ 1h ngày 30-10 đến 4h ngày 31-10 ở tỉnh ta đã có mưa vừa đến mưa to, đặc biệt ở phía Bắc tỉnh mưa rất to. Tổng lượng mưa khu vực phía Bắc phổ biến từ 150 đến 220mm, có nơi mưa lớn hơn như: Đồng Tâm 248mm, Tân Mỹ 247mm, Quảng Minh 234mm. Lúc 4h ngày 31-10 mức nước sông Gianh đạt 6.15m, dưới báo động III 0.35m. Theo dự báo nước trên các sông tiếp tục lên, Sông Gianh tại Mai Hóa có khả năng lên mức 7.0m, trên báo động III 0.5 m, các sông khác có khả năng lên báo động I.

Đây là đợt mưa khá lớn, trong khi tỉnh ta vừa bị ảnh hưởng nặng nề do đợt lũ, lụt giữa đầu tháng 10. Để tiếp tục chủ động phòng, chống và ứng phó với tình hình lũ lụt xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Giám đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công điện số 27/CĐ-UBND ngày 29-10-2016 về phòng, chống, ứng phó với đợt mưa lũ.

2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ kiểm tra rà soát phương án phòng chống lũ, lụt, phương án điều tiết nước, bảo đảm an toàn hồ đập cũng như an toàn vùng hạ du. Cử cán bộ trực 24/24h ở các hồ, đập chứa nước để kiểm tra, theo dõi và có biện pháp ứng phó kịp thời, đặc biệt tập trung ở các hồ xung yếu, các hồ có nguy cơ cao.

3. UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; cảnh báo cho dân cư sống ở vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét biết thông tin để chủ động các biện pháp ứng phó. Chủ động tổ chức, thực hiện các phương án di dời dân tại các vùng nguy hiểm, vùng thường bị ngập lụt chia cắt.

4. Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã chuẩn bị lực lượng để kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, bến đò, đường ngầm để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại nhằm bảo đảm an toàn. UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tuyên tuyền, quán triệt cho nhân dân không vớt củi, đánh bắt hải sản trên các khu vực ngập nước, khu vực nguy hiểm, không được để xảy ra thiệt hại về người.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo các trường học trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn, dặn dò các em học sinh và các bậc phụ huynh về các biện pháp bảo đảm an toàn trong mưa lũ, trong trường hợp cần thiết có thể cho học sinh tại các vùng ngập lụt, các vùng bị chia cắt, các vùng nguy hiểm nghỉ học trong thời gian mưa lũ, để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người trong mưa lũ.

6. UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân và các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện phương châm “4 tại chỗ” từ hộ gia đình, đến làng xóm, thôn, xã, huyện, tỉnh; không trông chờ vào sự hỗ trợ, không chủ quan, lơ là; chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống đủ dùng trong thời gian mưa lũ, bị chia cắt, tối thiểu 7 ngày.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động hướng dẫn nhân dân trong việc di dời gia súc, gia cầm và các động vật nuôi khác đến nơi an toàn và các biện pháp chăm sóc trong, sau lũ lụt, giảm thiếu tối đa thiệt hại.

8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã; Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi thực hiện tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống lũ, lụt nắm vững thông tin, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để có biện pháp chỉ đạo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần