Người dân xã Tiền Phong sống ngột ngạt trong khói ô nhiễm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng chục năm qua, người dân 5 thôn của xã Tiền Phong, huyện Thường Tín thoát khỏi cảnh khó khăn nhờ có sự phát triển của làng nghề truyền thống chuyên sản xuất chăn, ga, gối, đệm, mộc và điêu khắc.

Đi đôi với sự khá giả là những lo lắng của người dân về ô nhiễm môi trường bởi chất thải rắn được đốt bừa bãi hàng ngày.

Làng nghề... “tỏa khói”

Những năm gần đây, nghề làm chăn, ga, gối, đệm ở thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong ngày càng phát triển. Cũng từ đó, từ sáng đến tối, ở địa phương này luôn trong tình trạng rực lửa, khói bụi nghi ngút cùng mùi khét lẹt “tỏa” ra do việc đốt vải vụn, bông ép phát sinh trong quá trình sản xuất chăn, ga, gối, đệm làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Trên thực tế, theo quy định, chất thải rắn nguy hại tại các làng nghề phải được thu gom, vận chuyển đi xử lý. Nhưng, chi phí cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn làng nghề cao, nên người dân Trát Cầu đành chọn giải pháp đốt hoặc đổ chất thải làng nghề lẫn vào rác thải sinh hoạt.
Lửa và những cuộn khói từ việc đốt rác thải làng nghề Trát Cầu gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hữu Hải
Lửa và những cuộn khói từ việc đốt rác thải làng nghề Trát Cầu gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hữu Hải
Tìm hiểu được biết, tình trạng ô nhiễm môi trường do khói đốt chất thải tại địa phương đã diễn ra gần chục năm qua. Chất thải được đốt chủ yếu tập trung ở đường đê, đường giao thông nội đồng. Tuy nhiên, người dân thôn Trát Cầu lại không bị ảnh hưởng khói, mùi nhiều như người dân đội 4, thôn Định Quán và đội 3, thôn Thượng Cung. Nhằm hạn chế việc đốt chất thải rắn, UBND xã Tiền Phong đã giao cho cán bộ thôn có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, xử lý việc đốt chất thải tại một số điểm tập kết rác thải và một số tuyến đường giao thông nội đồng, đê sông Nhuệ, nhưng không hiệu quả vì người dân thường đốt trộm vào ban đêm.

Ông Trần Văn Cường, ở thôn Thượng Cung bức xúc cho biết: “Những ngày ẩm ướt, chất thải rắn được đốt cháy âm ỉ cả ngày nên không khí rất ngột ngạt. Mặc dù tại các kỳ họp HĐND xã hay tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo xã, huyện sớm có biện pháp ngăn chặn tình trạng đốt chất thải tùy tiện, hoặc sớm có giải pháp đầu tư xây dựng lò đốt rác thải cho làng nghề nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, việc đốt rác thải vẫn diễn ra thường ngày".

Tìm giải pháp giảm ô nhiễm

Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Dương Ngọc Minh thừa nhận, phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường từ việc đốt chất thải là đúng. Tuy nhiên, gần đây, tình trạng ô nhiễm khói, bụi do người dân đốt chất thải rắn đã giảm nhiều. “Năm 2010, UBND TP đã đầu tư xây dựng cho làng nghề Trát Cầu một hố chôn lấp chất thải rắn rộng gần 1.000m2 bằng công nghệ tiên tiến. Nhưng, do lượng rác thải của làng nghề xả ra mỗi ngày quá lớn, đến năm 2013, hố chôn lấp đầy. Không còn chỗ đổ chất thải rắn, người dân lại tìm đến giải pháp đốt rác khiến đi đâu cũng ngửi thấy mùi khét lẹt, ngột ngạt gây khó thở và tăng sức nóng vào mùa Hè” - ông Minh chia sẻ.

Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Thường Tín Lê Văn Quang cho biết, quá trình sản xuất tại làng nghề phát sinh ra chất thải là điều khó tránh khỏi. Do vậy, lãnh đạo UBND huyện rất quan tâm và đưa ra giải pháp xây dựng điểm xử lý rác thải làng nghề rộng 1.500m2 theo hướng kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Tuy nhiên, hiện chưa có DN nào mặn mà với đề án này. Ông Quang khẳng định: “Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiện cho công tác quản lý, thu thuế, xử lý rác thải, phòng cháy chữa cháy, UBND huyện còn hướng tới việc mở rộng điểm công nghiệp làng nghề xã Tiền Phong. Bởi, điểm công nghiệp làng nghề này xây dựng năm 2007 chỉ đáp ứng được 1/3 các hộ sản xuất chăn, ga, gối, đệm của xã. Sớm thực hiện được các nội dung này, ô nhiễm môi trường làng nghề Trát Cầu sẽ không còn nữa”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần