Người dành 20 năm canh giữ cửa ô cuối cùng của Hà Nội kể chuyện

Minh An - Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mang đậm dấu ấn Hà Nội xưa, Ô Quan Chưởng khoác lên mình vẻ đẹp bình yên. Mặc cho sự gấp gáp của cuộc sống, mỗi khi bước chân đến Ô Quan Chưởng, người xem như lắng lại nghe những câu chuyện của ngày xưa, của mảnh đất Thăng Long ngàn văn văn hiến. Cũng tại nơi này, ông Tạ Văn Nhân đã dành hơn 20 năm trông nom di tích.

Duyên nợ với Ô Quan Chưởng
Sau nhiều năm phát triển, Hà Nội giờ hiện đại hơn, năng động hơn với những con đường, tòa nhà hiện đại, nhưng mảnh đất nghìn năm này vẫn còn cái dáng dấp xưa cũ, vẻ cổ kính, rêu phong của những di tích lịch sử còn tồn tại tới ngày nay.
 Ô Quan Chưởng trong chiều Thu tháng 10. Ảnh: Ngọc Tú.
Là cửa ô duy nhất còn lại của Hà Nội, Ô Quan Chưởng là di tích ghi đậm dấu ấn của kinh thành Thăng Long xưa. Giờ đây, di tích đã bạc màu thời gian, những kẽ gạch lấm chấm màu xanh của cây dương xỉ. Một chiều tháng 10, ghé qua cửa ô “ngủ quên” giữa dòng chảy của thời gian và nhịp sống hối hả của vùng đất Kẻ Chợ, nhiều người cảm nhận được một nét đẹp rất cổ của mảnh đất Hà Thành.
Gắn bó với cửa ô duy nhất còn lại của Thủ đô, ông là Tạ Văn Nhân (phố Thanh Hà, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hàng ngày không quản nắng mưa vẫn cần mẫn quét dọn, trông coi Ô Quan Chưởng. Vào thời điểm Hà Nội giãn cách xã hội, Ô Quan Chưởng đóng cửa, ông Nhân tích cực hỗ trợ chính quyền địa phương phòng, chống dịch trong khu phong toả.
  Ông Tạ Văn Nhân hương khói vào mùng 1, ngày Rằm. Ảnh: Ngọc Tú.

Theo ông Tạ Văn Nhân, 20 năm trước, Ô Quan Chưởng có nhiều cây dại mọc hoang, mùa mưa rễ cây bám xum xuê ra cả tường gạch rêu phong. Đồng thời, cửa ô thường bị lấn chiếm, cơ quan chức năng tuyển chọn bao nhiêu người tới trông coi nhưng cứ đến rồi đi mà không ai bám trụ được lâu. Trong lúc cơ quan chức năng tìm người thì ông Nhân xung phong đến trông coi cửa di tích. Hằng ngày ông không chỉ quét dọn lá cây mà còn ngăn không cho hàng rong, cửa hàng lấn chiếm mặt tiền di tích.
 Tấm bia đá ghi lại lịch sử Ô Quan Chưởng. Ảnh: Ngọc Tú.

Ông Tạ Văn Nhân chia sẻ, việc trông coi Ô Quan Chưởng không phải là công việc vất vả nhưng đòi hỏi sự kiên trì bởi trong công việc phải tiếp xúc, va chạm với nhiều người. Bao nhiêu năm trông giữ cửa ô cuối cùng của Hà Nội, không ít lần ông Nhân gặp phải những khó khăn khi nhắc nhở những người vứt rác, trèo tường. “Người bán hàng rong thường bày bán quanh cửa ô, nhiều lần tôi nhắc nhở không cho bán, xả rác ra di tích nhưng bị người ta chửi lại. Thậm chí có người đêm tối tranh thủ lúc không có người phóng uế bừa bãi, tôi bắt gặp nhắc nhở họ còn gây sự. Có người còn lớn tiếng nói tôi là bảo vệ thôi có gì mà làm gắt. Nhiều lúc, tôi giận lắm nhưng cũng đành gạt đi để làm việc chung” – ông Tạ Văn Nhân cho hay.

Ngay dưới chân Ô Quan Chưởng có một cầu thang đá nhỏ và lối để lên lầu trên. Phải được sự cho phép của ban quản lý, ông Nhân mới mở cửa để du khách lên tham quan. Đếp dịp ngày Rằm, mùng 1 hàng tháng, ông đều tất bật chuẩn bị hương khói cúng các quan. Đó như một sự biết ơn và thể hiện lòng thành kính với vị anh hùng đã hy sinh vì nước nhà.

Ông Nhân cho biết gần 20 năm trông coi cửa ô hàng tháng ông đều có lương. Theo ông gọi là lương nhưng số tiền ấy không đáng là bao. Tháng đầu tiên trông nom cửa ô, ông Nhân nhận được hơn 100.000 đồng, đến nay tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Nhưng với ông Nhân “duyên nợ” với cửa ô là điều quan trọng hơn cả tiền bạc.

Năm nay đã 74 tuổi, nhưng 365 ngày ông làm đủ cả. 3 ngày Tết, ông Nhân vẫn đứng ra trông nom. Chính vì thế nơi đây luôn sạch sẽ mỗi ngày để du khách, người yêu thích Hà Nội chụp những bức ảnh kỷ niệm cửa ô duy nhất này.
 Ông Tạ Văn Nhân quét dọn di tích. Ảnh: Ngọc Tú.

Không ít người quen khuyên ông kiếm công việc khác để làm, vừa nhẹ vừa ít va chạm nhưng ông Nhân quyết bám việc trông nom cửa ô. Ông Tạ Văn Nhân chia sẻ: “Còn khỏe ngày nào tôi sẽ còn phục vụ, khi nào sức khỏe không cho phép thì để phường thuê người khác”. Với ông Nhân và nhiều thế hệ người dân Thủ đô, Ô Quan Chưởng như nhân chứng lịch sử sống động, nơi chôn giấu bao kỷ niệm. Họ mong muốn các thế hệ sau này cùng gìn giữ.

Nhịp sống ở cửa ô duy nhất còn lại
Ô Quan Chưởng, cửa ô duy nhất đang cố níu giữ lại những hồi ức xưa kia của kinh thành Thăng Long sầm uất. Mang dấu đậm chất Hà Nội xưa, Ô Quan Chưởng mang một vẻ đẹp mộc mạc và bình yên mặc cho Hà Nội đang đổi mới từng ngày.
Ô Quan Chưởng tháng 10/2021. Ảnh: Ngọc Tú.

Không như những di tích khác có khu vực khoanh vùng bảo vệ, tại Ô Quan Chưởng, cuộc sống sôi động thường ngày vẫn diễn ra, xe cộ đi lại tấp nập. Tỏa đi từ cửa ô này là phố Hàng Chiếu, phố Thanh Hà và phố Đào Duy Từ, con phố nào cũng nức tiếng về ẩm thực. Du khách ngồi thưởng thức ẩm thực ở đây có cái thú là được ngắm cửa ô cổ kính ở một tầm nhìn rất gần, để tha hồ mường tượng về bóng dáng kinh thành xưa.
“Dấu vết kinh thành xưa đã phai nhạt nhiều nhưng may mắn vẫn còn một cửa ô cổ kính để hoài niệm. Ngày còn thơ bé, tôi thường đến đây chơi. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cửa ô cổ kính vẫn đứng đó, vững chãi, bình thản trước thời gian. Giờ đã về hưu, vào mỗi buồi chiều tối, tôi hay đến đây vào mỗi buổi chiều mùa Thu, uống vài cốc bia hơi Hà Nội cùng bè bạn, ăn miếng chả rươi ngọt bùi, ngắm người qua lại cửa ô. Bấy nhiêu thôi cũng đủ để thấy yêu Hà Nội hơn” – ông Đoàn Văn Môn (Hoàn Kiếm – Hà Nội) chia sẻ.
 Nhịp sống hối hả ở dưới vòm cửa Ô Quan Chưởng. Ảnh: Ngọc Tú.

Với những người trẻ, vào những dịp mùa Thu Hà Nội đẹp mơ màng của tháng 10, trời xanh ngắt, lá vàng thoảng nhẹ rơi, gió heo may thổi se se, họ lại đến Ô Quan Chưởng chụp ảnh cưới. Bên cạnh đó, còn có những cô cậu học trò, các đôi trai gái đến đây ghi dấu những năm tháng đẹp đẽ của mình. Tà áo dài trắng thướt tha hay chiếc sơ mi trắng lịch sự, trang nhã làm nổi bật vẻ cổ kính, rêu phong của cửa ô xưa. Ngắm khung cảnh rộn ràng ấy, ta sẽ thấy có sự tương phản của cổ xưa và hiện đại, của trầm mặc và náo nhiệt, của quá khứ vững chãi và tuổi trẻ hồn nhiên tràn sức sống hôm nay.
Cứ như thế, mùa Thu tháng 10 thong thả đi qua. Qua bao thăng trầm, Ô Quan Chưởng vẫn uy nghiêm đứng đó, cố giữ gìn cho Hà Nội nghìn năm văn hiến một kỳ quan đơn sơ, dân dã mà quý giá đến vô cùng. Người Hà Nội trân quý biết bao những di tích, nơi lưu dấu kỷ niệm đẹp của đời mình như Ô Quan Chưởng.

Ô Quan Chưởng gần cầu Chương Dương. Thời xưa, cửa ô này nằm trên đường từ trong TP đi ra bờ sông, thuộc địa phận phường Đông Hà, tổng Hậu Túc (sau đổi là Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ. Từ cửa ô ra đến bờ sông Hồng là con đường dài 80m. Phía ngoài cửa ô trước kia coi như đất ngoại thành.

Cổng xây có vọng lâu được canh gác và kiểm soát cẩn mật để giữ an ninh cho khu phố buôn bán bên trong. Hiện cửa ô còn nguyên lối tam quan với cửa chính và hai cửa phụ hai bên, trên nóc cửa chính có vọng lâu, tường phía trái cửa chính có gắn một tấm bia đá do Tổng đốc Hoàng Diệu cho đặt năm 1881 ghi lệnh cấm người canh gác không được sách nhiễu Nhân dân mỗi khi qua lại cửa ô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần