Người đưa nón làng Chuông xuất ngoại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiếc nón lá nhỏ bé vốn quen thuộc với người dân được bán trong các phiên chợ làng, trên những sạp hàng quê tôi nay đã theo chân người đi khắp năm châu bốn bể từ thị trường Nhật, Hàn… khó tính đến cả châu Úc, châu Âu xa xôi, làm giàu cho những người dân quê và góp nên kỳ tích xuất khẩu cho đất nước.

Làng Chuông và câu chuyện giữ nghề

Về làng Chuông (xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội), chúng tôi được nghe kể nhiều về nghệ nhân Tạ Thu Hương - người phụ nữ có đến 36 năm gắn bó với nghề làm nón, cũng là người đầu tiên có công đưa nón làng Chuông đi xuất khẩu. Nghề làm nón có thời tưởng chừng bị mai một bởi sự cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường, người làm nón không sống nổi với nghề vì mỗi chiếc nón chỉ đong được một cân gạo tẻ. Giữa lúc ấy, người con gái làng Chuông Tạ Thu Hương - con gái nghệ nhân Phạm Thị Điền đã lặn lội ngược xuôi tìm đầu ra cho chiếc nón quê. Năm 20 tuổi, một công ty đã tin tưởng đặt chị làm 20.000 chiếc nón xuất đi Nhật. Đây là đơn hàng xuất khẩu đầu tiên của chị, cũng là duy nhất ở làng Chuông ngày ấy. "Ký hợp đồng rồi mà tôi vẫn run, nhưng nếu chần chừ không dám nhận thì sẽ mất cơ hội đưa nón làng mình đi xuất khẩu, mất bạn hàng", chị Hương bồi hồi nhớ lại.

Sau chuyến xuất ngoại thành công ấy, nón làng Chuông đều đặn lên máy bay sang Nhật, rồi Hàn Quốc, Malaysia… Nhiều vị khách nước ngoài đã tìm về làng Chuông đặt chị Hương làm nón. Ban đầu chỉ là hai loại truyền thống là nón tròn và nón quai thao, dần dần chị sáng tạo thêm các loại nón mới là nón to, nón bộ, nón chao đèn, nón lụa… tính ra có đến 50 - 60 chục mẫu. Người làng Chuông mới chỉ làm ra chiếc nón mấy chục nghìn đồng nhưng nón của nghệ nhân Tạ Thu Hương đã bán được tiền triệu, đó là 12 chiếc nón lá có đường kính từ 30 - 360cm ghép thành hình cây thông Noel trưng bày ở một khách sạn 5 sao trong TP. HCM dịp Giáng sinh năm 2010.

Tâm huyết với nghề

Nghề làm nón cũng thật kỳ công và đòi hỏi nhiều tâm sức. Trước tiên là công đoạn tuyển chọn vành tre, xử lý để chống mối mọt. Khi đã hoàn thành lại chuyển sang chọn lá, lá nhất định phải được lấy từ vùng cọ Hương Sơn (Hà Tĩnh), sau đó đem vò với cát, phơi 3 nắng, sấy rồi lại đem phơi sương…  đến khi nào lá cọ trắng nuột mới đạt. Cuối cùng là chọn vành nức, liếc, lồng nhôi, khâu nón sao cho thật chắc tay mới tạo nên đường nét, hình khối. Nón đến tay khách rồi lại được quăng dầu để chống thấm nước, chống mốc nhằm giữ cho sản phẩm bền đẹp trong nhiều năm. Nón làm để xuất khẩu không chỉ đảm bảo đủ các tiêu chí về kích cỡ, mẫu mã, số lượng, chất lượng, mà còn phải tuân thủ chuẩn xác thời gian giao hàng, chỉ một sai sót dù nhỏ cũng sẽ bị trả hàng, mất uy tín.

Gần 25 năm làm nón xuất khẩu đã cho chị nhiều bài học kinh nghiệm để truyền lại cho người con trai út với mong mỏi nghề truyền thống ngày càng phát triển, tạo việc làm cho người dân quê hương. Khi được biết hàng tháng doanh nghiệp tư nhân Hùng Hương của chị xuất đi 70.000 - 80.000 chiếc nón, mũ các loại, thu về hàng trăm triệu đồng, chúng tôi càng thêm thán phục người phụ nữ chất phác, mạnh mẽ và quyết đoán ấy, cũng thầm yêu và biết ơn "chiếc nón kỳ diệu" đã giúp chị Hương và những người dân làng Chuông đổi đời và có thêm nhiều cái Tết no ấm trên quê hương mình.