Người Hà Nội tin yêu hàng Việt

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm triển khai Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", niềm tin người tiêu dùng Thủ đô đã dần tăng lên.

Hà Nội đã có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt. Nếu như năm 2016 chỉ có 30,6% người tiêu dùng tin hàng Việt, đến năm 2019 là 64,6%.
Nâng cao sức cạnh tranh với hàng ngoại
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khóa Việt Tiệp Lương Văn Thắng, việc DN Việt tham gia CVĐ không chỉ giúp họ quảng bá thương hiệu mà còn nâng cao sức cạnh tranh với các sản phẩm ngoại cùng loại. Đồng tình với ý kiến này, Phó Giám đốc Công ty Mỹ nghệ Thiên Lộc Nguyễn Thị Hương chia sẻ, CVĐ đã tạo điều kiện cho DN tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại triển lãm hàng Việt nhân kỷ niệm 10 năm TP Hà Nội 

triển khai cuộc vận động. Ảnh: Lê Nam

“Năm 2018, sau khi sản phẩm hộp bánh trung thu của DN đạt giải Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích, DN đã ký kết với Công ty bánh kẹo Bảo Ngọc tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019 DN đã tiêu thụ được lượng hàng trị giá 200 triệu đồng” - bà Hương nêu ví dụ.
Báo cáo của Ban chỉ đạo CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội cho thấy, sau 10 năm triển khai CVĐ, TP Hà Nội đã tổ chức 8 hội chợ xuất khẩu chuyên ngành thủ công mỹ nghệ thu hút trên 3.500 nhà nhập khẩu đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đến giao dịch; thông qua hoạt động này các DN, làng nghề ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trị giá trên 20 triệu USD.

"Trong thời gian tới, để triển khai hiệu quả CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ban Chỉ đạo CVĐ các cấp, các sở, ban, ngành thành viên, cần xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện CVĐ ở cơ quan, đơn vị, địa phương là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Tránh tình trạng “khoán trắng” cho Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cũng như các tổ chức thành viên hay ban chỉ đạo CVĐ cùng cấp thực hiện. Đặc biệt, cần sự vào cuộc của cấp ủy để đưa CVĐ ngày càng phát triển sâu, rộng trong các tầng lớp Nhân dân." - Phó Bí thư Thành ủy,

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc

Không chỉ có vậy nhằm giúp DN chiếm lĩnh thị trường nội địa, Sở Công Thương Hà Nội và các DN sản xuất, bán lẻ đã tổ chức 22 chuyến bán hàng phục vụ Tết; 29 tuần hàng Việt; 254 phiên chợ Việt, 3.200 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện ngoại thành, khu công nghiệp... Thống kê cho thấy, hiện khu vực nông thôn có tới 80% hàng hóa được bày bán là hàng Việt Nam, trong đó, sản phẩm phục vụ nhu cầu học tập của học sinh, hàng Việt chiếm 90%. Đây là minh chứng cho thấy hiệu quả của 10 năm thực hiện CVĐ, từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay DN Hà Nội đã có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Đẩy mạnh kết nối cung - cầu
Hiện hàng Việt đã chiếm được lòng tin người tiêu dùng, tuy nhiên, vẫn còn không ít DN chưa thực sự mạnh dạn đầu tư công nghệ, đổi mới quản lý, nghiên cứu thị trường cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm, hạ giá thành nên rất khó cạnh tranh hàng ngoại nhập. Nguyên nhân là do quy định của pháp luật chưa đồng bộ, vẫn còn kẽ hở để tổ chức, cá nhân lợi dụng tiêu thụ hàng kém chất lượng, hàng giả. Đồng thời một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, gắn kết việc thực hiện CVĐ với nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tại hội nghị Tổng kết 10 năm TP Hà Nội thực hiện CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã nêu ra một số vấn đề còn tồn tại.
Cụ thể, để CVĐ đi vào chiều sâu, thời gian tới BCĐ CVĐ TP Hà Nội cần thường xuyên phổ biến các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, qua đó DN nắm bắt, tận dụng được lợi thế và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo các sở, ngành đẩy mạnh đưa hàng Việt vào các kênh phân phối hiện đại, truyền thống, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu…
Trong khi đó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương kiến nghị các bộ, ngành tham mưu Chính phủ rà soát, sửa đổi các cơ chế, chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ DN phù hợp yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. "Đặc biệt, Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo 389 TW chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng tăng cường công tác chống hàng giả, hàng nhái, tạo điều kiện cho DN trong nước phát triển sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
UBND TP Hà Nội nên hỗ trợ DN kinh phí vận chuyển, địa điểm, tuyên truyền… trong quá trình thực hiện các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất" - bà Nguyễn Lan Hương kiến nghị.

Kết quả điều tra xã hội học đánh giá kết quả 10 năm thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt đã tăng. Nếu như năm 2016 chỉ 30,6% người tiêu dùng tin hàng Việt, năm 2019 là 64,6%. Từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay, Hà Nội đã có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần