Người Hà Nội trong dòng chảy hội nhập: Có cốt cách dẫn đường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một con người văn chương, lại kinh qua những tháng năm đứng trên bục giảng, làm nhà quản lý văn hóa Thủ đô, PGS.TS Phạm Quang Long khẳng định hội nhập văn hóa là xu hướng tất yếu của người Hà Nội.

Người Hà Nội trong dòng chảy hội nhập: Có cốt cách dẫn đường - Ảnh 1
Song khi nhìn về vóc dáng người Hà Nội trong xu thế hội nhập, vị cựu Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội vẫn mang theo nỗi trăn trở dù quả quyết: Có cốt cách dẫn đường, cốt cách ấy có cốt lõi từ lòng tự trọng của mỗi cá nhân.

Thưa ông, định hướng xây dựng con người văn hóa trong xu thế hội nhập (được chỉ ra trong Nghị quyết T.Ư khóa IX) rất phù hợp với đô thị Hà Nội?

- Tôi nghĩ đó là điều tất yếu, vì Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, đối ngoại…, là đầu tàu của văn hóa cả nước. Nói gì thì nói, văn hóa Thủ đô của bất kỳ đất nước nào đều phải tiêu biểu cho đất nước đó. Khi hội nhập văn hóa diễn ra, thì dứt khoát “nó” phải vào Thủ đô đầu tiên. Vấn đề là Hà Nội chuẩn bị tâm thế đón nhận thế nào cho hiệu quả. Nhìn lại những cuộc hội nhập văn hóa nước ngoài, như GS Trần Quốc Vượng viết trong “100 năm giao thoa văn hóa Đông Tây”, từ đầu thế kỷ XX tới giờ, nước mình trải qua mấy lần hội nhập. Thành công nhiều nhưng mất mát cũng không ít, có những cái là tất yếu của hội nhập, nhưng cũng có những cái do tâm thế đón nhận văn hóa ngoại nhập không thật chu đáo, cách tổ chức tiếp nhận chưa khoa học.

Tôi cho rằng việc hội nhập ấy là một bài toán khó giải quyết từ khâu tư tưởng - khâu nhận đường đầu tiên cho đến các cách kỹ thuật hơn để tiếp nhận. Hà Nội là nơi kết tinh tinh hoa của các tiểu vùng văn hóa khác, thăng hoa ở đất này rồi lan truyền đi.

Chính vì thế để hội nhập, có những cái cần đổi mới, nâng mình lên, có những cái phải bỏ đi. Đây không phải điều mới, trong “Việt Nam văn hóa sử cương”, cụ Đào Duy Anh đã nói rồi: Phải xem những giá trị mới có gì phù hợp với mình để tiếp nhận; phải soát xét lại mình, nhìn xem những thứ đã vào cái gì phù hợp vì nó liên quan đến sự tồn vong của một dân tộc. Hà Nội bây giờ rất đa dạng. Riêng Hà Nội đô thị cũng đã có Hà Nội phố cổ, các khu đô thị mới chủ yếu là dân tứ chiếng, vậy văn hóa của các phường, phố cổ đã khác với văn hóa ở khu đô thị. Lại còn những vùng ngoại ô, những vùng mà hôm qua còn là lãng xã, hôm nay đã là phường; những cư dân với nếp sống nông nghiệp hôm qua, hôm nay đã là cư dân đô thị…
Ảnh: Văn Phúc.
Ảnh: Văn Phúc.
Vậy phải chuẩn bị cho họ một cuộc sống hội nhập với cái mới, làm sao để mỗi bước đi của vùng Lương Sơn, Ba Vì, Sóc Sơn theo kịp với những Thanh Trì, Thường Tín, Đông Anh, Gia Lâm… Đấy là cả một đại vấn đề, vừa gắn với quá trình hiện đại hóa nông thôn, vừa gắn với quá trình đô thị hóa, bắt nhịp với nhịp sống, một quan hệ xã hội đã khác trước.

Vậy, ông thấy những bước chuyển của văn hóa Hà Nội theo xu hướng hội nhập thời gian qua thế nào?

- Tôi cho cái được lớn nhất là xu hướng dân chủ trong cách sống - điều làm cho người ta ý thức nhiều hơn về quyền, về cá nhân, về các quan hệ xã hội theo một nhịp sống hiện đại. Mọi người tiếp cận với thế giới, với nhu cầu tinh thần thế giới nhanh hơn rất nhiều. Hôm nay việc gì xảy ra ở Paris, Rome, Washington thì ngay buổi tối lại đã đưa tin. Bộ trang phục này, lọ nước hoa này vừa mới xuất hiện ở Tây Âu thì tháng sau đã có ở Hà Nội. Rồi một tác phẩm mới, hay của nước ngoài cũng chỉ một hai tháng sau đã dịch ra tiếng Việt. Tức là ranh giới về ngôn ngữ, biên giới, văn hóa đang nhòa dần đi.

Mọi người đang tự do tiếp nhận những cái mới, mở mang đầu óc, nhưng song hành với đó lại cũng có rất nhiều bèo bọt tràn sang. Tại sao những loại truyện tranh, game, bạo lực, xu hướng âm nhạc làm say mê đám thanh niên khiến người lớn lo lắng? Tại sao lớp trẻ cứ suốt ngày xem phim Hàn Quốc, Trung Quốc để rồi thuộc sử Trung Quốc, Hàn Quốc hơn sử Việt Nam? Điều đó cũng khó tránh khỏi.

Nhưng tôi cho cái thiếu nhất của Hà Nội hiện nay là nhân cách văn hóa con người. Từ lâu chúng ta ít chú ý đến nhân cách văn hóa con người, đến con người bản thể, con người văn hóa, mà lưu tâm quá nhiều đến con người hệ tư tưởng - mới chỉ là một phần của con người. Dù cho con người hệ tư tưởng là quan trọng nhất, thì chúng ta vẫn chưa quan tâm đến toàn diện con người. Vậy cho nên những tiêu chí chúng ta ép mọi người phải thế này, thế kia nghe rất hay, nhưng gắn vào thực tế là vênh hoặc vỡ vụn.

Chỉ có những gì người ta nghiêm túc nghĩ về điều đó, đặt ra tiêu chí tử tế về nó, tự khép mình vào nguyên tắc pháp lý hoặc đạo đức, thì vi phạm mới không xảy ra. Mà điều này chỉ có thể có ở con người coi trọng nhân cách.

Như vậy thì tiêu chí văn minh - thanh lịch của người Hà Nội hôm nay nên được xác định như thế nào cho “hợp thời”, thưa ông?

- Thanh lịch, văn minh là nét đẹp trong cốt cách văn hóa người Hà Nội, chuyện đó khỏi phải bàn cãi. Nhưng tôi nghĩ là nhiều người nghĩ không đúng, cứ cho là phải bê nguyên si cái gọi là thanh lịch, văn minh mà các cụ ta tạo ra, bảo chúng ta theo là không tưởng. Bởi thanh lịch, văn minh ấy phải ở trong môi trường xưa. Các cụ ngày xưa hay nói sang hay hèn là ở cốt cách, thế thì thanh lịch, văn minh cũng là một phần của người Hà Nội xưa - sang, đáng trân trọng, thể hiện tầm trí tuệ cao của những người có nhân cách. Bây giờ vẫn cần thanh lịch, văn minh, nhưng ngày nay khác ngày xưa. Thanh lịch, văn minh trong thời đại công nghiệp này cần được nhìn nhận bằng một nghĩa khác, trong một khung cảnh khác, phù hợp với nhu cầu hiện nay.

Bộ quy tắc ứng xử mà ngành văn hóa bỏ công xây dựng bấy lâu liệu có thể là một “cây gậy” hữu hiệu góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội?

- Tôi là một trong những người khởi xướng xây dựng bộ quy tắc ứng xử của Sở VHTT&DL và cũng đã tham gia vào giai đoạn đầu. Nhưng tôi không coi nó là cây gậy thần có trong tay để thay đổi được văn hóa Hà Nội đâu! Bởi bộ quy tắc ứng xử chỉ như một yếu tố mang tính chất hành chính, nhắc nhở cho người ta nhớ là mình đang làm gì, nên ứng xử thế nào trong công sở, ngoài xã hội. Nhắc nhở là cần thiết vì đôi khi người ta quên chuyện này, nhưng ai đi theo để xử phạt, giám sát cũng là một vấn đề. Thế nên, bộ quy tắc chỉ để nhắc nhở và cái đó đi vào xã hội thì người này giám sát người kia.

Vậy thôi, chứ hy vọng nó làm thay đổi con người Hà Nội thì tôi không dám tin điều ấy. Bởi một khi con người tự mình không ý thức được điều mình cần làm, như thế nào là đúng, tức là khi ý thức công dân chưa cao, lòng tự trọng chưa đủ để tự kiềm chế những hành vi sai trái của mình, thì tôi chắc chắn các quy chế cũng khó có thể mang lại điều gì rõ rệt.

Tôi cho rằng ở một thời đại nào cũng cần những khế ước xã hội, nghĩa là những quy chế bắt buộc con người thực hiện. Song, tự bản thân mỗi người phải hiểu được rằng không thể sống một cách bừa bãi, tùy tiện, phải khép mình vào kỷ cương thì mới có thể tạo ra chuyển biến cho xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Ảnh: Văn Phúc