Người lao động tìm việc làm: Cẩn thận để tránh bị lừa

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tìm được việc làm ổn định tại Hà Nội với thu nhập thỏa đáng đang là nhu cầu và mong ước của rất nhiều người lao động ngoại thành và các tỉnh. Nắm được nhu cầu này, không ít những kẻ thất nghiệp táng tận lương tâm đã giăng bẫy lừa đảo để kiếm tiền bất chính.

 Người lao động tra cứu thông tin tuyển dụng tại bảng niêm yết của điểm giao dịch việc làm vệ tinh huyện Thường Tín.

Khi thất nghiệp... tuyển dụng

Ngày 19/4, Công an Hà Nội bắt giữ đối tượng Lại Văn Tiến (SN 1988, trú tại quận Thanh Xuân) cùng 5 đồng phạm chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản của lao động ngoại tỉnh về Hà Nội tìm việc làm. Các đối tượng thuê nhà trọ ngắn ngày, phân chia người hẹn gặp các nạn nhân đến rồi thu tiền đặt cọc, may đồng phục hoặc lệ phí hồ sơ, sau đó cắt liên lạc. Để tạo lòng tin với bị hại, nhóm lừa đảo đã viết phiếu thu có chữ ký, địa chỉ công ty.

Tuy nhiên, đây chỉ là các giấy tờ giả mạo. Theo điều tra, mỗi nạn nhân phải nộp từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng tùy theo khả năng. Tại cơ quan công an, các đối tượng đều khai nhận không có nghề nghiệp. Tính riêng thời gian khoảng 2 tuần trước khi bị bắt giữ, nhóm đối tượng đã lừa đảo gần 40 người có nhu cầu xin việc với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Trước đó (ngày 18/3), Công an huyện Sóc Sơn cũng phát hiện, bắt giữ Đinh Khải Quang (SN 1994, trú tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh) cùng 2 đồng phạm cũng là những đối tượng thất nghiệp về hành vi lừa đảo xin việc làm. Nhóm lừa đảo trên đã đăng tin tuyển dụng nhân viên lái - phụ xe, bán xăng trên mạng xã hội. Nhằm tạo vỏ bọc, nhóm lừa đảo thuê nhà lập văn phòng “ma” với đầy đủ biển hiệu và các trang thiết bị, vật dụng cần thiết cho việc hoạt động của văn phòng như con dấu của công ty, dấu “đã thu tiền” quyển phiếu thu, sổ sách theo dõi, bàn ghế làm việc, tủ đựng giấy tờ, máy tính cùng một số vật dụng, thiết bị văn phòng khác...

Cần đến cơ sở tin cậy

Với những vụ việc nêu trên, Cơ quan công an đã đưa ra khuyến cáo, người dân cần cảnh giác với thủ đoạn xin việc làm, tuyển lao động thông qua mạng xã hội. Khi có nhu cầu xin việc, cần đến cơ sở tin cậy có trụ sở, địa chỉ và được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động lĩnh vực tuyển dụng lao động.

Trao đổi về phát triển sàn giao dịch, giải quyết việc làm cho người lao động, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết: Hiện tại, Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội thuộc Trung tâm giao dịch việc làm Hà Nội (website: vieclamhanoi.net) là một địa chỉ tin cậy, thu hút, kết nối nhiều cung – cầu lao động trên địa bàn Thủ đô. Thông qua sàn, người lao động đến tìm hiểu thông tin thị trường lao động, tìm việc làm, nơi học nghề, đồng thời hỗ trợ DN tuyển dụng lao động.

Hiện nay, Trung tâm Việc làm Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ vào thứ Ba, Năm hàng tuần. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức các phiên giao dịch việc làm theo chuyên đề, lưu động, online… nhằm hỗ trợ người lao động có nhu cầu tại các địa bàn xa trung tâm TP và người lao động muốn tìm việc làm theo chuyên môn đặc thù. Gần đây nhất (ngày 21/4), điểm giao dịch việc làm vệ tinh đặt tại huyện Thường Tín đã khai trương. Trong phiên giao dịch đầu tiên, hơn 300 lao động địa phương đã có dịp tiếp cận, có cơ hội việc làm với 33 DN đa dạng về ngành nghề đang cần tuyển dụng, tuyển sinh 1.013 chỉ tiêu.

Trong thời gian tới, Sở LĐTB&XH tiếp tục phối hợp cùng UBND các huyện Phú Xuyên, Thạch Thất và Đan Phượng thành lập và khai trương các sàn giao dịch việc làm vệ tinh trong quý II, III. Phấn đấu trong năm 2018 giải quyết việc làm cho 152.000 lao động tại khu vực thành thị.
Trung tâm việc làm Hà Nội có 6 điểm giao dịch việc làm vệ tinh (quận Nam Từ Liêm, Long Biên và các huyện Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn, Hoài Đức). Qua đó, Trung tâm đã kết nối thành công cho hàng trăm ngàn lao động tìm việc mỗi năm.