Người lính “không có ngày chủ nhật”

Theo báo Quân đội Nhân dân
Chia sẻ Zalo

Đến với các đơn vị quân đội vào những ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ thật vui. Có người nhà, bạn bè, có các chi đoàn thanh niên kết nghĩa đến thăm.

Những ngày này bộ đội "tăng cường" ăn tươi. Phần lớn là những đặc sản gà, lợn, cá, rau xanh... đơn vị tăng gia cùng vài món quà từ người thân, bạn bè mang tới. Ngày cuối tuần lâu nay thực sự là ngày nghỉ, cán bộ, chiến sĩ không phải đi kiếm củi hay sửa doanh trại, không phải tranh thủ đào hầm, không phải hành quân đột xuất… Đi thăm cơ ngơi các đơn vị thấy khang trang, bề thế, thấy những vườn, những ao hồ, chuồng trại, thấy sum vầy tụ hội, thấy mừng vui mà cũng thấy xốn xang, nôn nao nhớ những năm xa.
Khối học viên sĩ quan lục quân trong lễ diễu, duyệt binh mừng Ngày Quốc khánh 2-9-2015. 
Chợt một bài tình ca vang lên. Lính ta hay ai đó hát hay thế! Một bài hát cũ tiếng Anh “Never on Sunday”. Bài ấy thời chúng tôi đã hát mang tên “Không có ngày chủ nhật” cùng lời Việt sao hợp tình với bộ đội hải quân chúng tôi đến thế. Chẳng có những hẹn hò, những nụ hôn như nguyên tác. Chúng tôi hát: “Con tàu đi, sóng đập vô bờ, sóng đập vô bờ/ Tàu anh ra khơi/ Trên bờ em đứng trông theo/…/ Mong ngày mai tới anh về”. Thuở ấy, trên bầu trời cửa biển, máy bay Mỹ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Chẳng có chuyện tàu chiến chúng tôi rời bến mà có bóng ai đứng trông theo. Nhưng chúng tôi cứ hát, hát say sưa cùng chiếc đàn guitar nhịp bập bùng. Vô tư hát cho nỗi thèm khát của người lính xa nhà. Thuở ấy chiến tranh, bây giờ thời bình, sự khác biệt là mong ước sum vầy đầm ấm trước kia nay đã thành hiện thực. Là có và không có ngày chủ nhật chăng?
“Lính ta bây giờ sướng thế!”-tôi đã nghe những lời thốt ra từ những bậc cha mẹ, ông bà và cả những người dân như vậy. Mừng vì bộ đội ta được Nhà nước và nhân dân chăm lo nhiều phần chu đáo hơn hẳn trước đây. Mừng vì đơn vị nào cũng quan tâm cụ thể, tỉ mỉ đến từng bữa ăn, giấc ngủ, đến nỗi buồn-vui của mỗi chiến sĩ. Nhưng câu nói ấy ở nhiều người còn hàm ý lo lắng rằng sướng thế thì sao có thể chịu đựng được khó khăn, gian khổ. “Sao có thể sẵn sàng vào sống ra chết như các thế hệ bộ đội năm xưa”-có người nói thẳng vậy. Họ ít quan tâm, ít biết đến đời sống và các hoạt động của Quân đội ta mà lo lắng vu vơ (?)
“Thực túc binh cường”, “ăn no đánh thắng”-muôn đời là vậy. Chiến sĩ ta giờ được tắm nước nóng trong nhà tắm hẳn hoi. Lại nhiều cuộc hành quân, di chuyển bằng ô tô… Và cuộc sống quân ngũ đâu chỉ là chuyện nuôi quân mà là luyện quân, rèn quân. Luyện rèn từ ý thức, bản lĩnh chính trị, tinh thần “Vì nhân dân phục vụ”, từ kỷ luật tự giác, tình đoàn kết hiệp đồng lập công tập thể… đến mọi kỹ, chiến thuật, kỹ năng làm chủ vũ khí, trang bị. Một thời những người lính chúng tôi tập bơi, lặn mới nửa ngày mỗi người đã sụt cả cân. Bây giờ bộ đội xe tăng, không quân và các binh chủng còn tập nặng hơn thế… “Nuôi quân ba năm đánh giặc một giờ”. Học tập để thành được sĩ quan và phải thêm bao lâu vừa học vừa rèn mới có thể trở thành những chỉ huy, những chuyên gia kỹ thuật dày dạn, vững vàng ở mỗi đơn vị thiện chiến trong toàn quân. Học và hành thế nào để có thể được tuyển chọn vào các đơn vị quân y, công binh làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình? Phải làm thế nào để mỗi sĩ quan, nhân viên của Viettel đem sóng viễn thông 3G, 4G, 5G phục vụ đất nước, nhân dân ta và cả những quốc gia châu Á, châu Phi, châu Mỹ?… Rồi những chiến sĩ ở các đơn vị bộ binh, thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự không chỉ có huấn luyện, rèn luyện, mà họ đều được trải qua các cuộc diễn tập, những cuộc hành quân, những đợt lao động, những hoạt động giúp dân… Tôi đã gặp những tốp chiến sĩ trẻ đi rà phá bom, mìn, đi xuyên rừng tìm hài cốt đồng đội lớp trước. Tôi đã gặp nhiều cán bộ, chiến sĩ xông vào dập lửa cứu rừng hay lăn lộn xả thân trong bão lũ cứu dân, sửa chữa nhà cửa, cầu đường giúp dân. Và ở những vùng biển bão gió có lúc nào không có những con tàu, những chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển sẵn sàng giúp dân. Họ trở thành chỗ dựa tin cậy của mỗi ngư dân hoạt động trên biển và cả những con tàu quốc tế. Và kia, bên bóng áo xanh thanh niên tình nguyện là những sắc áo màu xanh, ngôi sao vàng trên mũ của những chiến sĩ làm sạch xóm làng, bãi biển…
Bầu trời, mặt biển, những nẻo biên cương, những xóm làng, phố thị bình yên nhưng rất có thể bất chợt có mây đen, sóng dữ, bất chợt có hiểm nguy rình rập, xâm nhập… Những người lính thời bình luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ không có ngày nghỉ, không có ngày chủ nhật. Một ngày cuối tuần, chúng tôi đến với Đội đặc nhiệm phòng, chống buôn lậu và tội phạm ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng Quảng Trị. Đơn vị đi xuống các địa bàn gần hết, chỉ còn mấy cán bộ trực ở nhà đang tranh thủ tưới cho những gốc đào, mai và giàn phong lan đang nhú nụ xuân. Các anh bảo càng những ngày nghỉ, những ngày lễ, tết càng phải cảnh giác, bộ đội càng cần có mặt tại những góc rừng, bờ suối xung yếu xa xôi. Không chỉ tại Quảng Trị, suốt dọc dài biên giới trên đất liền, trên biển, luôn có những con mắt tỉnh táo của người lính để gìn giữ an ninh, an toàn cho mỗi vùng đất nước. Những năm gần đây, hầu như chẳng ngày tháng nào không có tin tức về bộ đội, công an và các lực lượng chức năng ta chặn bắt được hàng lậu phi pháp, đặc biệt là những vụ buôn bán người và ma túy qua lại các vùng biên. Nơi này, nơi kia máu đã đổ.
Chúng tôi đã được chứng kiến trạm y tế quân-dân mở cửa tất cả các ngày trong tuần. Đó là trạm y tế của Đoàn 327. Đây chính là đơn vị mà tôi đã được sống cùng những ngày tháng 2, tháng 3-1979 trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tại mặt trận Lạng Sơn. Đoàn 327 năm ấy đã làm nên Chiến thắng Khánh Khê. Đơn vị này được xây dựng sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng để làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế và sẵn sàng bước vào chiến đấu khi cần thiết. Đã trải qua tất cả để rồi trở lại với việc giúp người dân trồng lúa, trồng cây, làm giàu trên quê hương mình.
Tôi có dịp trở lại Sư đoàn 338-nơi tôi cùng các thầy giáo và sinh viên các trường đại học nhập ngũ đầu tiên năm 1972. Lúc ấy, sư đoàn mang tên là Sư đoàn Cửu Long, làm nhiệm vụ huấn luyện quân tăng cường cho các chiến trường. Lớp lớp chiến sĩ mới từ đây đã đến nhiều đơn vị, riêng chúng tôi sau thời gian huấn luyện cơ bản được phân về Quân chủng Hải quân và Phòng không-Không quân, kịp bước vào chiến đấu chống chiến tranh phá hoại những đợt cuối cùng bằng không quân và hải quân của Mỹ, trong đó có trận "Điện Biên Phủ trên không" đánh thắng pháo đài bay B-52. Sư đoàn 338 thời chiến của chúng tôi giờ ngược về phía Bắc đóng trên một vùng núi biên giới Lạng Sơn. Anh em vừa làm nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vừa trồng rừng và trợ giúp chính quyền, vận động, giúp đỡ nhân dân các dân tộc.
Thời bình, sáng tạo mới “ngụ binh ư nông” là thế. Một thời “vừa kháng chiến vừa kiến quốc” và bây giờ là vừa kiến quốc vừa chăm lo bảo vệ Tổ quốc. Những doanh nghiệp quốc phòng, những trung tâm nghiên cứu, những nông trường quân đội, những đơn vị cắm bản bám dân, đứng đầu sóng ngọn gió biên cương, hải đảo… Bộ đội Cụ Hồ là bộ đội của dân, do dân và vì dân. Ở đâu Tổ quốc, nhân dân cần là bộ đội ta có mặt. Những vùng đất bom đạn xưa cày xới, bom, mìn xưa còn ẩn giấu nay đã trở lại thành cánh đồng, nương rẫy, bản làng. Những vùng rừng xanh rì bao la ở Trường Sơn-Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Bắc do bộ đội và nhân dân gây dựng mấy chục năm qua đã trở thành nguồn sống của người dân. Những con đường lớn bộ đội cùng các doanh nghiệp mở mang lâu nay đã tấp nập người, xe qua lại, đã đưa ánh sáng văn hóa của Đảng cùng ấm no cho mỗi vùng đất xa xôi. Và bộ đội vẫn ở đây, vẫn “ba cùng”, “bốn cùng” với bà con bởi có Bộ đội Cụ Hồ là có thêm niềm tin, có chỗ dựa tin cậy đối với chính quyền và người dân.
Thời chiến hay thời bình, khi Tổ quốc, nhân dân cần đến những người lính sẵn sàng “không có ngày chủ nhật”, sẵn sàng quên mình vượt gian khó, hy sinh.