Người nặng lòng với Hoàng thành Thăng Long

Kim Yến (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối với GS.NGND Phan Huy Lê, “Thăng Long - Hà Nội là đất nghìn năm văn hiến, là trung tâm chính trị quốc gia, trung tâm văn hoá dân tộc, nơi lắng đọng hồn thiêng non sông đất nước, nơi hội tụ và kết tinh các giá trị lịch sử, văn hoá của cả dân tộc. Người Hà Nội và người Việt Nam ai ai cũng tự hào về đất kinh kỳ nghìn năm, ai ai cũng muốn mang theo trong tâm trí và ký ức của mình những hiểu biết và hình ảnh thân thương nhất của Thăng Long - Hà Nội”.

 Thư ký trọn đời của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn Pháp Michel Zink cùng GS Phan Huy Lê thăm khu di sản Hoàng thành Thăng Long năm 2017. Ảnh: Kim Yến
Người đầu tàu của di sản
Trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình, GS Phan Huy Lê là người gắn bó và nặng lòng với di sản Hoàng thành Thăng Long. Năm 2002 - 2003, những phát hiện khảo cổ học đột phá tại 18 Hoàng Diệu đã làm xuất lộ một quần thể di tích vô cùng quý giá, minh chứng cho sự hiện hữu và trường tồn của Thăng Long - Hà Nội qua hàng nghìn năm lịch sử.
Với vai trò là Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, GS Phan Huy Lê đã chủ trì và tham gia nhiều cuộc hội thảo nghiên cứu, đánh giá giá trị về khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Năm 2006, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn khoa học nghiên cứu bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành Cổ, GS Phan Huy Lê trong vai trò tư vấn về chuyên môn, cùng lãnh đạo TP Hà Nội và các cơ quan chuyên môn quyết tâm xây dựng hồ sơ đề cử Hoàng thành Thăng Long là di sản thế giới. Đồng thời trực tiếp làm việc với các chuyên gia quốc tế để xây dựng hồ sơ Hoàng thành Thăng Long; trực tiếp làm việc với chuyên gia ICOMOS thẩm định hồ sơ di sản.

Sự tâm huyết, trách nhiệm và nỗ lực của GS được thể hiện cao độ trong thời điểm khó khăn. Sau khi nhận được khuyến nghị không thuận lợi của ICOMOS, từ tháng 5 - 7/2010, tổ chuyên gia tư vấn xây dựng hồ sơ dưới sự chủ trì của GS Phan Huy Lê đã tập trung làm việc cao độ, nghiên cứu bản báo cáo đánh giá của ICOMOS để thấy rõ những điểm mạnh, điểm yếu của hồ sơ và nội dung khuyến nghị của ICOMOS; hoàn thành bộ hồ sơ giải trình để gửi tới Trung tâm Di sản thế giới. Bộ hồ sơ giải trình với những lập luận đầy đủ, rõ ràng về khoa học cùng những chứng cứ cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo tồn di sản là những tài liệu quan trọng, hỗ trợ tích cực cho công tác tuyên truyền vận động của đoàn Việt Nam tại Kỳ họp 34.

Trong những ngày này, GS Phan Huy Lê dường như làm việc quên ăn, quên ngủ, có thể nói vừa là người chỉ huy, người nhạc trưởng, vừa là người động viên, truyền cảm hứng, thôi thúc các thành viên phải cố gắng nỗ lực hơn nữa để hoàn thành sứ mệnh lịch sử nghìn năm có một. Trong thời gian tham dự kỳ họp 34 tại Brazil, đoàn công tác cũng liên tục nhận được sự hỗ trợ, động viên của GS từ quê nhà. Ông từng ngày theo dõi diễn biến, hoạt động của đoàn và chia sẻ cảm xúc hồi hộp, lo lắng: “Tôi hàng ngày sốt ruột chờ đợi tin từ chiến trường”, rồi cùng vỡ òa niềm vui khi di sản Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản thế giới.
 GS Phan Huy Lê tại hội thảo đầu bờ báo cáo kết quả khai quật tại Hoàng thành Thăng Long (ngày 17/4/2018)

Cả đời đau đáu với di sản trong lòng đất

Để bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản lâu dài, trong suốt những năm qua, GS Phan Huy Lê luôn đồng hành cùng TP Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội trong mỗi bước đi, mỗi nhiệm vụ cụ thể như thúc đẩy mở rộng khai quật khảo cổ học để nghiên cứu làm sáng rõ các giá trị di tích trong lòng đất; tham gia tư vấn công tác lập quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (tỷ lệ 1/500).
Ngoài ra, tham gia dự án bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long do quỹ tín thác Nhật Bản/UNESCO tài trợ, tư vấn xây dựng kế hoạch quản lý di sản; thúc đẩy công tác nhất thể hóa di sản, nhằm đảm bảo sự thống nhất quản lý khu di sản và kiến nghị bảo vệ sự toàn vẹn của di sản; góp ý xây dựng các đề án nghiên cứu trọng tâm như: Đề án Nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên, Nghiên cứu thể nghiệm lễ hội đèn Quảng Chiếu; công tác bảo tồn thường xuyên các di tích gốc, các di tích khảo cổ học trong khu di sản; các hoạt động trưng bày, triển lãm nhằm phát huy giá trị di sản...

Đến lúc cuối đời, GS vẫn đau đáu về phương án bảo tồn lâu dài khu di sản Hoàng thành Thăng Long, nhất là bảo tồn những di tích khảo cổ học trong lòng đất; trăn trở với việc phục dựng Điện Kính Thiên cho hậu thế.

Từ nay, chúng ta không còn được nghe giọng nói từ tốn, nhỏ nhẹ của GS mỗi lần kết luận hội nghị, hội thảo hay phiên họp của Hội đồng; không còn thấy dáng vẻ nhanh nhẹn, nhỏ bé và ánh mắt lấp lánh niềm vui của GS mỗi lần Hoàng thành Thăng Long phát hiện những dấu tích khảo cổ mới. Trân quý những di sản của cha ông để lại, GS đã cống hiến hết mình để đưa di sản đến với thế giới và gìn giữ di sản cho muôn đời con cháu mai sau.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần