Người nông dân đam mê chế tạo

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedoth - Tuy không được đào tạo qua trường lớp về cơ khí nhưng với niềm đam mê chế tạo, ông Nguyễn Tiến Thuật, thôn Thanh Hội, xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa đã sáng chế thành công nhiều loại máy phục vụ trong sinh hoạt và sản xuất của gia đình, trong đó có chiếc máy cấy kéo tay không động cơ hiện đang được sử dụng rộng rãi tại địa phương.

Trong căn nhà nhỏ của gia đình, ông Nguyễn Tiến Thuật để dành riêng một khoảng sân rộng để phục vụ cho đam mê sáng chế của mình. Khoảng sân đó giống như một xưởng cơ khí thu nhỏ, với những chiếc máy cắt sắt, cắt thép, xe đạp cũ, đồ nghề… bày la liệt. “Tôi vốn là người thích mày mò nên làm bất kỳ việc gì cũng nghĩ đến việc sáng chế, kể cả lúc ăn lẫn lúc ngủ” - ông Thuật chia sẻ. Ông thường tận dụng những phế liệu hay những chiếc máy hỏng để cải tiến lại. Những sáng chế của ông tuy nhỏ, nhưng phục vụ hữu hiệu trong sản xuất của gia đình.
 Ông Nguyễn Tiến Thuật trình diễn máy cấy kéo tay cải tiến tại huyện Ứng Hòa.
Ông cho biết, những sáng chế của ông ngoài xuất phát từ niềm đam mê còn do nhu cầu của sản xuất. Trước đây, mỗi khi mùa gặt đến là cả gia đình lại thức cả đêm đập lúa bằng tay. Thấy vậy, ông đã mày mò chế tạo thành công chiếc máy tuốt lúa đạp bằng chân, vừa không mất sức mà hiệu quả lại cao hơn đập tay hàng chục lần. Sáng chế của ông thời bấy giờ là một sự kiện lớn của làng, lúc vận hành máy cả làng kéo nhau đến xem và mượn về dùng thử. Đến những năm 90 của thế kỷ trước, khi cả làng sử dụng máy tuốt lúa đạp chân thì ông lại chế tạo ra chiếc máy tuốt lúa chạy bằng động cơ F100 của máy phun thuốc sâu. Sau đó vài năm, ông lại chế tạo ra chiếc máy tuốt lúa chạy bằng điện. Ngoài máy tuốt lúa, ông còn chế tạo thêm nhiều loại máy khác như máy phạt rạ với công suất gấp đôi máy xén cỏ hay máy xay cá, xay ốc…

Trong số những chiếc máy mà ông Thuật chế tạo ra, thành công nhất phải kể đến chiếc máy cấy dập tay được cải tiến từ máy cấy của Thái Bình. Để cải tiến chiếc máy cấy cho phù hợp với điều kiện địa hình của địa phương, ông đã tháo tất cả các bộ phận của máy ra và khắc phục những điểm yếu của máy. Sau nhiều lần thử nghiệm, ông đã chế tạo thành công chiếc máy cấy và sử dụng được trên đồng ruộng của gia đình. Ưu điểm của chiếc máy cấy do ông sản xuất là nhỏ gọn, giá thành rẻ, dễ sử dụng. Trọng lượng chiếc máy cấy chỉ khoảng từ 25 – 28kg. Máy có thể sử dụng được ở mọi địa hình, mạ trượt xuống đều, cấy thẳng hàng. Cái quan trọng nhất, là linh hồn của quá trình cải tiến đó là bỏ hẳn cần dập tay, truyền chuyển động lực kéo của người đến tất cả các bộ phận của máy thông qua bánh xe không vành. Khi kéo đi nhanh thì cấy cũng nhanh, các khoảng cách hàng cách hàng được tự động thiết lập nên đều hơn so với dập tay. Năng suất cấy đạt từ 2 – 2,5 mẫu/ngày. Chân và khung máy được làm bằng thép không rỉ và rất gọn nhẹ, mặt dưới máy cấy làm bằng tôn mỏng có tác dụng chống lún ở vùng đất lầy lội, gạt phẳng đất giúp cho việc cấy lúa dễ dàng hơn, cây lúa không bị nghiêng.

Đánh giá cao chiếc máy cấy cải tiến do ông Thuật chế tạo ra, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch cho biết: “Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, hiện nay ông Thuật đã cung cấp 12 chiếc máy cấy cho bà con. Sáng chế này sẽ khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng ở nhiều địa phương”.