Người phụ nữ giúp hàng chục gia đình thoát nghèo

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ phát triển kinh tế, đưa gia đình thoát nghèo, chị Lê Thị Tuyến (SN 1970, xóm 8, thôn Văn Quang, xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, Hà Nội) còn tạo công ăn việc làm cho 26 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, giúp họ có cuộc sống ổn định hơn.

Trong xưởng chế biến lâm sản của gia đình, chị Tuyến đang bận rộn kiểm đếm từng sản phẩm một cách tỉ mỉ, hướng dẫn các chị em chuyển thành phẩm gỗ lên xe chở hàng. Tiếp chuyện chúng tôi, chị kể, trước đây, kinh tế gia đình rất khó khăn, hai vợ chồng xoay sở làm đủ nghề nhưng thu nhập bấp bênh, không ổn định. Năm 2000, thấy một số bà con trong địa phương sản xuất, chế biến gỗ cho thu nhập ổn định, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư thuê thêm đất, mở xưởng gỗ. Sau hơn 10 năm làm nghề, đến nay, khu xưởng của gia đình có quy mô 3.500m2, chuyên chế biến các sản phẩm từ gỗ như xà gồ, ván, li tô, dầm.
 

Chị Lê Thị Tuyến cẩn thận kiểm tra thành phẩm trước khi giao hàng. 

Phụ nữ mở xưởng chế biến gỗ, một công việc đòi hỏi không chỉ sự cần cù, chăm chỉ mà còn cả sức lực và sự dẻo dai. “Trên thực tế, công việc chế biến gỗ cũng không đòi hỏi nhiều kỹ thuật mà chủ yếu là sự cần cù, chăm chỉ và nhanh nhẹn. Ban đầu khi mới mở xưởng, gia đình tôi cũng gặp phải nhiều khó khăn về nguồn vốn cũng như nguồn nguyên liệu”, chị Tuyến tâm sự. Nhưng không lùi bước trước thách thức, chị đã mạnh dạn vay ngân hàng 50 triệu đồng, đầu tư sản xuất. Rồi vừa làm vừa tìm nguồn nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Sau dần sản phẩm đáp ứng được yêu cầu, lượng khách hàng đông lên, kinh doanh có lãi, chị đã trả được tiền vay ngân hàng, đồng thời mở rộng xưởng để thu hút thêm lao động địa phương.
Với quy mô xưởng lớn, gia đình chị đầu tư 5 máy rọc, 3 máy xẻ và với 26 lao động thường xuyên, mỗi ngày xưởng chế biến được từ 6 – 7 khối hàng, mỗi năm cho thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng. Nhờ uy tín và chất lượng hàng hóa nên khách tìm đến đặt hàng tại xưởng của gia đình chị ngày càng nhiều, việc sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả. Cũng nhờ đó, không chỉ kinh tế gia đình khá lên, chị Tuyến còn tạo được công ăn việc làm cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương với mức lương ổn định từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, góp phần giúp chị em nghèo có cuộc sống ổn định hơn.
Một nữ công nhân tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình tôi thực sự rất khó khăn, được chị Tuyến tạo công ăn việc làm, tôi đã có cuộc sống ổn định hơn. Làm ở đây được 4 năm, công việc thường ngày của tôi là bó hàng và phụ những việc ở ngoài. Mức lương hàng tháng từ 4 – 5 triệu đồng, cuộc sống gia đình tôi đã dần đảm bảo hơn”.
Không chỉ quan tâm, tạo việc làm ổn định đời sống cho những người phụ nữ nông thôn từng có hoàn cảnh khó khăn như mình, chị Tuyến coi những nữ công nhân như chị em trong gia đình, luôn tế nhị từ những hành động, việc làm nhỏ nhất. Chị quan sát, theo dõi sức khỏe của chị em để phân công những việc làm nhẹ nhàng, phù hợp như: Bóc vỏ, giao hàng hay phụ việc trong xưởng. Bên cạnh đó, chị cũng quan tâm đến công tác Hội phụ nữ và các hoạt động do Hội phát động, tham gia tích cực vào Quỹ tiết kiệm tại Chi hội để tạo nguồn vốn tại chỗ cho hội viên vay, phát triển kinh tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần