Người thầy luôn đi đầu trong tạo dựng giá trị

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho dù xã hội có những bước tiến, người thầy vẫn có vai trò dẫn dắt và luôn đi đầu trong tạo dựng giá trị cho học trò.

Quan điểm này được nhiều chuyên gia đồng tình tại buổi toạ đàm “Đổi mới giáo dục nhìn từ góc độ người thầy” do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hôm nay 11/11.
Người thầy có ảnh hưởng rất lớn đối với mọi người. Trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đang thực hiện công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, vai trò của ng thầy càng được khẳng định. Tất nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, chúng ta tiếp cận tri thức bằng nhiều kênh chứ không phải chỉ có nguồn nhà trường.
 Thông qua bài học môn Đạo đức, cô giáo Trường Tiểu học Thanh Văn (huyện Ứng Hoà) chuyển đến các em học sinh thông điệp giúp đỡ ông bà, bố mẹ việc nhà. Ảnh: Thủy Trúc
Tuy nhiên, theo quan điểm của bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Trong bất cứ bối cảnh, điều kiện nào, dù thời kỳ khó khăn nhất hay bây giờ thuận lợi trong khai thác tri thức thì vai trò của người thầy không gì thay thế được”. Bà Mai Hoa diễn giải, người học có thể tiếp cận lượng tri thức khổng lồ. Nhưng cái nào đúng, sai, tốt, xấu, cần hay chưa lại phải có người thầy định hướng, hướng dẫn, giúp học trò tiếp cận, ghi nhận những kiến thức mình cần.

Và, để con người trưởng thành, ngoài yếu tố tri thức còn có phẩm chất, nhân cách, tư tưởng đạo đức. Những yếu tố này, học sinh học được thông qua những bài giảng, sự quan tâm, tình cảm dành cho học trò cũng như sự truyền cảm hứng của người thầy. Vì những điều đó nên vai trò của người thầy trong thời điểm hiện nay vô cùng quan trọng.

Không những thế, khi chúng ta thực hiện thay đổi chương trình và sách giáo khoa, chuyển dần phương pháp truyền thụ kiến thức sang đào tạo ra những con người có phẩm chất, năng lực phục vụ cho công cuộc đổi mới đất nước, vai trò của người thầy càng vô cùng lớn.

Đứng ở góc độ quản lý, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT Hoàng Đức Minh nhìn nhận vai trò người thầy ở ba vấn đề. Trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, người thầy được tham gia vào quá trình thiết kế hệ thống chính sách, quyết sách, góp ý cho chương trình giáo dục phổ thông mới. “Đây là sự đổi mới hết sức mạnh mẽ. Những năm 80 của thế kỷ trước người thầy không có cơ hội này mà chỉ đón nhận, truyền thụ kiến thức” – ông Đức Minh cho hay.

Trong thời kỳ đổi mới, những người thầy sẽ trực tiếp thực thi, thi công, chuyển tải kiến thức, cộng với sáng tạo của bản thân thông qua các hoạt động giáo dục giúp học sinh phát triển phẩm chất năng lực. Họ còn có vai trò phản biện những điều chưa phù hợp trong quá trình đổi mới để các cấp quản lý điều chỉnh chính sách kịp thời, sát thực tế.

Đề cập đến vai trò người thầy cần có yếu tố tạo cảm hứng, ý chí đam mê cho người học. Người thầy phải làm sao để học trò có ý chí, phấn khởi khi đến trường. Sau giờ học họ không chỉ cảm nhận được kiến thức mà khi ra ngoài xã hội sẽ liên hệ được với những định hướng của thầy.

Xã hội ngày nay, tuy rằng chuẩn mực đạo đức không thay đổi so với trước nhưng lại có thêm nhiều yếu tố mới. Đặc biệt, có sự giao thoa từ nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới, phát triển rất nhiều về mặt tư tưởng. Do vậy, người thầy phải tạo dựng được những chuẩn mực để thích nghi, chứ không thể bó cứng trong các khuôn mẫu trước đây. Làm được điều đó, người thầy mới thay đổi và theo kịp nhu cầu người học, việc chuyển tải tri thức của nhà trường mới thực sự mang lại hiệu quả.

UNESCO và loài người đã tổng kết chất lượng giáo dục không vượt khỏi chất lượng nhà giáo. Nếu vài ngày học sinh đến trường mà không có giáo viên, xã hội sẽ nhốn nháo cả lên. Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Đinh Quang Báo giả định điều này để khẳng định: Giá trị của giáo viên là vĩnh cửu. Để tạo cho giá trị ấy phát huy tối đa, thì nó có thể thay đổi theo từng thời điểm, thời kỳ, từng quốc gia, tình huống.

Theo ông Báo, giá trị của người thầy được chúng ta đánh giá bằng vật chất, tinh thần. Hai yếu tố này có mối quan hệ với nhau, nếu đánh giá bằng vật chất không được tương xứng thì tinh thần cũng bị suy giảm. Thế nhưng, hiện nay việc hoạch định chính sách giáo viên còn có vấn đề. Vì thế, khi ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục không thể lớn hơn thì thay đổi trọng số chi cho giáo viên. Đây là vấn đề cần quan tâm để mối quan hệ vật chất và tinh thần tương hỗ nhau. Qua đó, giúp cho người thầy luôn có giá trị trong việc dẫn dắt, tạo dựng kiến thức và truyền cảm hứng cho người học.