Người thầy vĩ đại phải biết truyền cảm hứng

Trần Oanh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, PGS.TS Nguyễn Chí Thành - Trưởng khoa Sư phạm, trường Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ về những thách thức mà thầy phải trải qua trong công cuộc đổi mới giáo dục và trò của người thầy trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 PGS.TS Nguyễn Chí Thành - Trưởng khoa Sư phạm, trường Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội
Vai trò thiết kế và tạo dựng môi trường học tập

Thưa PGS, ông có thể cho biết vai trò của người thầy thời kỳ cách mạng 4.0 thay đổi như thế nào so với trước đây?

- Ngày xưa, người thầy có vai trò vô cùng quan trọng là truyền thụ kiến thức cho học trò. Trong thời đại cách mạng 4.0, tri thức vẫn là một thành tố quan trọng trong quá trình dạy - học nhưng người thầy sẽ phải định hướng đến việc học của học trò nhiều hơn thông qua việc giúp họ tìm ra phương pháp học, tìm kiếm thông tin và chắt lọc xử lý để hình thành kiến thức mới và vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn. Vai trò thứ hai của người thầy là phải biết truyền cảm hứng cho người học như câu nói nổi tiếng của William A. Warrd: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”.

Bởi xã hội ngày nay rất nhiều thông tin, có nhiều thứ hấp dẫn mọi người, người thầy phải làm sao truyền cảm hứng việc học những điều mới mẻ cho người học, hiểu tầm quan trọng của việc học để từ đó có động lực trong học tập. Người thầy còn có vai trò thiết kế và tạo dựng môi trường học tập có tính tương tác với sự tích hợp công nghệ - thông tin (CNTT) để người học có thể hình thành các kỹ năng mềm như giao tiếp và hợp tác, giải vấn đề một cách sáng tạo, tư duy phản biện, CNTT. Trong môi trường học tập này, dù là trực tiếp (face to face) hay trực tuyến (online), học sinh sẽ hình thành nên các phẩm chất và năng lực, trong đó cao nhất là kỹ năng vận dụng các kiến thức vào giải quyết những vấn đề trong thực tiễn học tập và cuộc sống của các em.

Phương pháp dạy học của người thầy sẽ phải thay đổi thế nào cho phù hợp với thời kỳ cách mạng 4.0 cũng như công cuộc đổi mới giáo dục, thưa ông?

- Khi người thầy không còn là trung tâm rao giảng truyền thụ kiến thức thì phương pháp dạy học rất cần phải thay đổi. Bộ GD&ĐT luôn nhấn mạnh trong công cuộc đổi mới giáo dục, năng lực và trình độ của người thầy đóng vai trò hết sức quan trọng vì chất lượng của một nền giáo dục phụ thuộc trước hết vào chất lượng của đội ngũ giáo viên. Hiện nay, bên cạnh những quan điểm dạy học tích cực như dạy học hợp tác, dạy học khám phá thì một hình thức phổ biến là hướng dẫn học sinh tự đọc tài liệu, xem video thầy gửi, tìm hiểu thông tin, thực hiện dự án rồi sau đó trình bày, báo cáo lại sản phẩm đã thực hiện để hình thành các kiến thức của mình. Đó chính là dạy học kết hợp (blended learning) CNTT với phương tiện dạy học truyền thống hoặc dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học qua mạng.

Chúng ta thấy, đại dịch Covid-19 vừa qua, Bộ GD&ĐT yêu cầu “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, hình thức dạy học kết hợp gắn liền với việc tổ chức “lớp học đảo ngược”. Theo đó, giáo viên hướng dẫn học sinh ở nhà đọc tài liệu, làm các sản phẩm, thực hiện các báo cáo với sự hỗ trợ của CNTT. Sau đó, khi trao đổi với thầy (trên lớp học hoặc trên mạng), các em trao đổi với nhóm, báo cáo sản phẩm, sau đó thầy trò chốt lại kiến thức.

Nhà giáo phát triển năng lực tự học

Với phương pháp dạy học tích cực, để có một tiết dạy học, thầy cô cũng phải làm việc rất nhiều trước và sau đó?

- Bất cứ một nghề nào, mình muốn giỏi thì phải có đam mê và dành thời gian cho nó. Để có một giờ học tốt nhất trong bối cảnh phát triển CNTT, các thầy cô sẽ phải bồi dưỡng để có những kỹ năng cho bản thân như tìm kiếm thông tin, sử dụng những phương tiện công nghệ mới trong dạy học, kiểm tra đánh giá... Các thầy cô muốn triển khai được “lớp học đảo ngược”, phải có kỹ thuật quay và dựng video bài giảng, sau đó gửi cho học sinh xem trước ở nhà. Các nhà giáo cũng phải luôn cập nhật kiến thức chung, khoa học liên quan trong lĩnh vực bộ môn của mình; những thông tin nghiệp vụ sư phạm, phần mềm dạy học mới...

Khi các thầy cô đã có năng lực để tự học, tự thích nghi thì các thay đổi, điều chỉnh trong chương trình giáo dục sẽ không còn là những rào cản trong việc dạy học. Để giải quyết được vấn đề này, các cơ sở đào tạo giáo viên cũng sẽ phải thay đổi, cập nhật chương trình đào tạo và bồi dưỡng. Bên cạnh những học phần chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm truyền thống, bây giờ phải có các học phần mới giúp giáo sinh phát triển năng lực tự học, năng lực nghiên cứu khoa học, ứng dụng CNTT, phát triển chương trình nhà trường thông qua kế hoạch dạy học...

Cũng có không ít ý kiến băn khoăn, những giáo viên đứng tuổi rất khó thực hiện phương pháp giảng dạy tích cực có ứng dụng CNTT. Ông có ý kiến gì về việc này?

- Người Việt có một câu rất hay “Thầy già, con hát trẻ”, ý nói thầy nhiều tuổi thì kinh nghiệm dạy càng hay. Người thầy đó sẽ biết đối tượng học sinh này có những khó khăn gì, tâm lý ra sao để chú ý đến. Với sự phát triển của CNTT, có thể các thầy cô cao tuổi sẽ gặp khó khăn hơn so với giáo viên trẻ trong việc thích nghi những công nghệ hay phương pháp dạy học mới.

Tuy nhiên, tôi nghĩ, các nhà trường nói chung sẽ có những yêu cầu cơ bản để mọi thầy cô thực hiện được. Có thể các thầy cô trẻ sẽ dễ dàng hơn trong tìm tòi công nghệ mới, vận dụng những kỹ thuật dạy học mới cho học sinh; nhưng các giáo viên đứng tuổi sẽ biết tận dụng kinh nghiệm kỹ năng của mình để biến những cái mới thành đơn giản mà vẫn hấp dẫn và thú vị cho học sinh. Tuổi tác không quan trọng, vấn đề là người ta có muốn thay đổi hay không. Bằng chứng là đợt dịch Covid-19 vừa qua, đã có không ít tấm gương thầy cô nhiều tuổi nhưng dạy học qua mạng vẫn đảm bảo chất lượng.

Thưa PGS, vấn đề đặt ra trong những mùa tuyển sinh gần đây, các trường ĐH địa phương có đào tạo sư phạm lấy điểm đầu vào sát ngưỡng đảm bảo chất lượng do Bộ GD&ĐT quy định, liệu đầu ra có đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục?

- Luật Giáo dục 2019 bổ sung và sửa đổi đã quy định chuẩn của giáo viên từ tiểu học tới THPT đều phải đạt trình độ đại học, giáo viên mầm non trình độ cao đẳng trở lên. Vấn đề này chắc chắn đặt ra bài toán đối với các trường cao đẳng trực thuộc địa phương mà có đào tạo sư phạm. Hiện nay, theo tôi được biết, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu đề án tái cấu trúc các trường SP để đáp ứng bối cảnh mới.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đã tính đến các yếu tố đảm bảo chất lượng để những trường được đào tạo sư phạm được giao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm phải đảm bảo về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo được tính dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương. Thứ hai, chính sách mới tín dụng cho sinh viên sư phạm sẽ thu hút được nhiều học sinh khá, giỏi. Bộ GD&ĐT cũng như UBND các tỉnh sẽ đồng hành với các trường trong việc sáp nhập nâng cao chất lượng hoặc là có chính sách khác.

Bây giờ, khi đã đảm bảo mặt bằng tuyển sinh chung, chương trình được đánh giá sẽ tạo ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của xã hội. Các trường đào tạo sư phạm muốn tồn tại cũng phải tự nâng cao chất lượng. Tôi yên tâm và tin tưởng sẽ có những sản phẩm sư phạm đáp ứng yêu cầu.

Xin cảm ơn PGS và chúc ông cùng các thầy cô giáo nhân Ngày 20/11 sức khỏe, thành công và hạnh phúc.
"Hiện nay, bên cạnh những quan điểm dạy học tích cực như dạy học hợp tác, dạy học khám phá thì một hình thức phổ biến là hướng dẫn học sinh tự đọc tài liệu, xem video thầy gửi, tìm hiểu thông tin, thực hiện dự án rồi sau đó trình bày, báo cáo lại sản phẩm đã thực hiện để hình thành các kiến thức của mình. Đó chính là dạy học kết hợp (blended learning) CNTT với phương tiện dạy học truyền thống hoặc dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học qua mạng." - PGS.TS Nguyễn Chí Thành

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần