Người thiết kế sân bay Vân Đồn nói gì về công trình biểu tượng của Quảng Ninh?

Lệ Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiến trúc sư Jeannie Chew – Quản lý dự án, đại diện đơn vị tư vấn Thiết kế nhà ga và Tháp không lưu Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Vân Đồn chia sẻ những “bí mật” trong thiết kế “cửa ngõ mới của Quảng Ninh”.

Thưa bà, yêu cầu khó nhất mà chủ đầu tư Sun Group đặt ra cho đối tác thiết kế Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là gì?
Nằm ở vị trí cửa ngõ của tỉnh Quảng Ninh, CHKQT Vân Đồn không chỉ được chủ đầu tư Sun Group kiến tạo để trở thành công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế, mà còn đóng vai trò đòn bẩy, đưa kinh tế, du lịch tỉnh nhà cất cánh. Đây đồng thời cũng là công trình kiến trúc biểu tượng, mang đậm dấu ấn bản sắc của du lịch Quảng Ninh, với những dấu ấn riêng biệt khơi gợi trí tưởng tượng của du khách, khiến họ ngay lập tức có những ấn tượng tốt đẹp về vùng di sản.
 Bà Jeannie Chew
Yêu cầu đó đã dẫn lối cho nguồn cảm hứng bất tận và ý tưởng thiết kế độc đáo của chúng tôi trong quá trình đồng hành cùng Sun Group thiết kế CHKQT Vân Đồn.
Vậy bà và các cộng sự của mình đã làm thế nào để thiết kế nên một “cửa ngõ của Quảng Ninh” với những dấu nhấn bản sắc đặc biệt như thế?
Quảng Ninh là nơi có danh lam thắng cảnh nổi tiếng Vịnh Hạ Long, được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên, khung cảnh tuyệt đẹp của vịnh Hạ Long sẽ không trọn vẹn nếu thiếu những cánh buồm. Hình ảnh những cánh buồm trên vịnh Hạ Long là một sự gợi tả mạnh mẽ dấu ấn bản địa của nơi này. Dựa trên cảm hứng ấy, chúng tôi đã đưa biểu tượng cánh buồm thành chủ đề phản ánh thiết kế đương đại của kiến trúc sân bay.
Với chủ đề đó, mái vòm nhà ga được thiết kế tựa như những cánh buồm xếp chồng lên nhau vươn ra biển lớn. Hệ thống mái bằng chất liệu nhẹ tại sảnh đón trước nhà ga uốn cong mềm mại, nhô ra từ những bức tường đá đen khổng lồ, như lời chào đón nồng nhiệt của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn tới hành khách. 
 Đài kiểm soát không lưu
Di chuyển liên tục trong nhà ga rộng lớn ít nhiều sẽ gây cảm giác mệt mỏi, căng thẳng cho các hành khách đang vội vã lên chuyến bay, hoặc những du khách còn bỡ ngỡ, xa lạ khi lần đầu tiên đến Vân Đồn. Nắm được tâm lý đó, chúng tôi chủ động tạo nên một không gian thân thiện với du khách bằng việc tái hiện những cảnh quan đẹp nhất của Vịnh Hạ Long, của Quảng Ninh trong công trình.
Những bức bình phong lớn in hình thuyền buồm được đặt dọc hai bên sảnh đi quốc tế và nội địa trong nhà ga. Hệ thống mái sảnh lam gỗ, sân vườn, mái dốc, cửa chớp, cửa sổ và các bậc cửa đều gợi nhớ vẻ đẹp cổ kính từ những công trình kiến trúc truyền thống tại địa phương. Bên cạnh đó, các vật liệu trong kiến trúc bản địa như gỗ, thép, thủy tinh, đá, nước và cây cối được sử dụng linh hoạt trong tất cả các chi tiết kiến trúc, nội thất, tạo nên một không gian gần gũi, giao hòa với thiên nhiên, giúp xoa dịu mọi căng thẳng, mệt nhọc của du khách trên những chuyến đi.
 Không gian kiến trúc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Ấn tượng nhất tại CHKQT Vân Đồn là mật độ cây xanh và các hạng mục cảnh quan sinh thái trong khuôn viên mặt tiền nhà ga như hồ Cá Koi, vườn treo… Ý tưởng về một sân bay sinh thái, thân thiện với môi trường bắt nguồn từ đâu, thưa bà?
Vẻ đẹp thiên nhiên ban cho Quảng Ninh chính là lý do hấp dẫn du khách từ khắp nơi trên thế giới đến với mảnh đất này. Vì vậy, nhóm kiến trúc sư chúng tôi đã khéo léo truyền tải những nét đẹp đặc trưng nhất của tự nhiên, đất trời và sóng nước Hạ Long - Quảng Ninh vào trong thiết kế nhà ga. Tất cả được thể hiện trong một tổng thể công trình kiến trúc hài hòa, độc đáo. Mọi hành khách khi đáp chuyến bay xuống Vân Đồn sẽ được đón chào bằng “tiếng nước chảy róc rách, tiếng lá cây xào xạc” – một không gian xanh và ngập tràn ánh sáng thư thái ngay trong chính nơi những hoạt động vẫn đang hối hả diễn ra. 
 Không gian kiến trúc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Hệ thống mái sảnh hứng sáng, những bức tường kính lớn nối từ sàn lên tới trần vừa giúp hành khách có thể nhìn ngắm rõ bầu trời, mặt đất và cảnh quan xung quanh, vừa phù hợp với khí hậu nhiệt đới của vùng bản địa khi giúp chống lại nắng, mưa, giảm bức xạ nhiệt lại tiết kiệm năng lượng tối đa. Đồng thời, một yếu tố nữa quan trọng không kém là với cách thiết kế này, đó là tính thẩm mỹ luôn được đảm bảo, đem đến cho hành khách một không gian kiến trúc nội thất mang vẻ đẹp hiện đại, lịch lãm, tinh tế. Còn gì tốt hơn một công trình vừa mang tính ứng dụng cao, lại đảm bảo yếu tố thẩm mỹ và đồng thời, giúp quảng bá hình ảnh du lịch Hạ Long – Quảng Ninh một cách sâu, rộng tới du khách?
Đài kiểm soát không lưu cũng là một điểm nhấn kiến trúc ấn tượng trong tổng thể sân bay. Bà có thể cho biết thêm về ý tưởng thiết kế của công trình này?
Cùng nằm trong tổng thể thiết kế theo chủ đề “Cánh buồm”, tương tự như công trình nhà ga, kiến trúc mặt tiền và mái sảnh của Đài kiểm soát không lưu được lấy cảm hứng từ bộ khung của những chiếc thuyền buồm. Không chỉ đóng vai trò “đảm bảo an toàn bay” của sân bay, công trình còn là môt điểm nhấn kiến trúc đáng chú ý, một “Tháp biểu tượng” của CHKQT Vân Đồn. 
 Đài kiểm soát không lưu
Để giới thiệu về CHKQT Vân Đồn trong một câu ngắn gọn, bà sẽ nói gì?
Quảng Ninh sẽ có một “cửa ngõ” đem đến cho du khách một cảm giác vô cùng dễ chịu, cung cấp đa dạng các dịch vụ trong tầm tay, khiến cho thời gian của họ tại CHKQT Vân Đồn dù ngắn hay dài đều là những trải nghiệm thoải mái và đáng nhớ nhất.
Trong quá trình hợp tác với Tập đoàn Sun Group, ông bà có ấn tượng gì và có những đánh giá như thế nào về chủ đầu tư này cùng dự án CHKQT Vân Đồn?
Đồng hành cùng Sun Group, chúng tôi đã kiến tạo nên một công trình Nhà ga phát huy tối đa hiệu quả trong quá trình hoạt động, đem đến sự tiện nghi, thoải mái cho hành khách, và có thể đáp ứng linh hoạt với những thay đổi về sau. Là sân bay đầu tiên được tư nhân đầu tư tại Việt Nam, Tập đoàn Sun Group đã thành công khi đem đến cho Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung một công trình đẳng cấp thế giới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần