Người thương binh với hơn 600 đôi chân giả

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mong muốn cống hiến, giúp đỡ những số phận kém may mắn, 12 năm qua, người thương binh già, bác sỹ Lê Thành Đô (72 tuổi) đã mở xưởng sản xuất chân tay giả miễn phí cho hơn 600 người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, để họ tự tin hòa nhập cộng đồng.

Gặp bác sỹ Lê Thành Đô một ngày đầu Đông, căn nhà tại ngõ 242 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thêm ấm áp bởi những câu chuyện xúc động tình người. Bác sỹ Lê Thành Đô - Nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật Chỉnh hình, ĐH Lao động Xã hội, chia sẻ, bản thân ông là thương binh với tỷ lệ thương tật 61%, nên ông hiểu những khó khăn, cực nhọc khi trên cơ thể bị khuyết một phần. Năm 2004, khi vẫn còn công tác tại bệnh viện, ông đã làm cộng tác viên cho tổ chức từ thiện giúp đỡ những người tàn tật. Về hưu năm 2005, ông quyết định mở xưởng sản xuất chân giả ngay tại ngôi nhà tập thể mà Nhà nước phân cho mình và lấy tên là Trung tâm tư vấn và trợ giúp dụng cụ chỉnh hình cho người tàn tật. Bởi ông muốn góp sức giúp mọi người bớt đi phần nào những khó khăn, để họ tự tin hòa nhập cộng đồng.

Bác sỹ Lê Thành Đô với xưởng sản xuất chân tay giả miễn phí cho người khuyết tật.  Ảnh: Trần Thảo

Bằng những đồng lương hưu, trợ cấp cho thương binh, ông đã kêu gọi bạn bè trong ngành và các tổ chức quốc tế từng hợp tác để mua sắm các dụng cụ, trang thiết bị. Đến nay, xưởng sản xuất chân tay giả của ông như một bệnh viện thu nhỏ. 12 năm qua, mỗi người khuyết tật tìm đến với bác sỹ Lê Thành Đô đều có hoàn cảnh khó khăn riêng và tất cả đều hạnh phúc khi nhận được món quà vô giá từ ông. Họ đến từ nhiều miền Bắc, Trung, Nam với nhiều dạng tật khác nhau, nhưng tất cả đều chung một mong muốn, có một bộ phận cơ thể mới để cuộc sống được thuận tiện hơn. Rồi ông hào hứng kể về những bệnh nhân đặc biệt: “Với tôi, mỗi một bệnh nhân đã là một sự đặc biệt rồi, họ ở các vùng miền khác nhau, thương tật khác nhau, mỗi người là một câu chuyện xúc động". Trong câu chuyện về những người đã đến với Trung tâm, ông nhắc đến anh Tùng hơn 30 tuổi đã trở thành một IT giỏi, ông Nguyên là một xe ôm chuyên nghiệp, cô Then kiếm được việc làm ổn định ở làng nghề mây tre đan…

Gần 50 năm kinh nghiệm làm dụng cụ chỉnh hình, nhưng bác sĩ Lê Thành Đô chưa bao giờ ngừng tìm tòi, học hỏi, để đưa những kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả, áp dụng vào xưởng sản xuất của mình. Nói về việc sản xuất dụng cụ chỉnh hình, bác sĩ Lê Thành Đô cho biết, khó nhất là khâu kỹ thuật áp dụng sao cho khéo léo, tinh xảo. Trải qua những ngày tháng khó khăn, đến nay, trung tâm đã giúp cho 15 trẻ em làm phẫu thuật chỉnh hình, sản xuất được 835 dụng cụ chỉnh hình (chân tay giả, áo nẹp chỉnh hình,…) cấp miễn phí cho 614 người khuyết tật vận động (ở mọi lứa tuổi). “Thế nhưng nếu không có sự trợ giúp của các mạnh thường quân, các tổ chức từ thiện: UniReach International (Mỹ), YoungSan-CHoyoungKi foundation (Hàn Quốc), Mr. Rodd Man… thì tôi khó có thể giúp được nhiều trẻ khuyết tật như vậy” - ông Đô bày tỏ.

Không ngừng nghiên cứu, lao động để giúp người khuyết tật có cuộc sống tốt hơn, niềm vui tuổi già của bác sỹ Lê Thành Đô thật đặc biệt và ý nghĩa. “Cho đi không phải để nhận lại”, với ông, niềm vui lớn nhất của tuổi già chỉ đơn giản là giúp được nhiều người khuyết tật hơn, tạo cơ hội, giúp họ có một cái nghề kiếm sống. Những dụng cụ chỉnh hình của ông sẽ là niềm động viên vô giá đối với những người khuyết tật và gia đình họ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần