Người tiêu dùng đã bớt “sính ngoại”

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, người tiêu dùng đã dần thay đổi thói quen "sính ngoại" mà quay sang ưu tiên dùng hàng Việt.

Bà Lê Việt Nga – Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)
Đó là khẳng định của bà Lê Việt Nga – Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
CVĐ người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã qua 10 năm thực hiện. Qua đây sức tiêu thụ hàng Việt đã có khởi sắc như thế nào, thưa bà?
- Kể từ khi được Bộ Chính trị phát động thực hiện vào năm 2009, đến nay hàng Việt chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở phân phối của DN Việt, DN FDI. Chẳng hạn, tại hệ thống siêu thị Việt: Hapro, Co.opmart, Satra, Vin Mart, Vissan... tỷ lệ hàng Việt chiếm từ 80 - 95%. Tại các siêu thị nước ngoài như Lotte Mart, Big C, AEON… tỷ lệ hàng Việt trong cơ cấu hàng hóa chiếm từ 65 - 95%. Tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt chiếm từ 60% trở lên.
Không chỉ có vậy, CVĐ còn hỗ trợ DN xuất khẩu hàng Việt thông qua hệ thống bán lẻ nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Chẳng hạn, năm 2012, siêu thị Big C chỉ xuất khẩu lượng hàng Việt trị giá 21 triệu USD, năm 2014 là 27 triệu USD, năm 2015 là 30 triệu USD nhưng những năm 2016 - 2017, kim ngạch xuất khẩu đều đạt trên 46 triệu USD. Tương tự, Tập đoàn AEON (Nhật Bản) năm 2016 đã xuất khẩu lượng hàng Việt trị giá 200 triệu USD; năm 2018 kim ngạch đạt 250 triệu USD; dự kiến đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt của tập đoàn này lên đến 500 triệu USD và 1 tỷ USD vào năm 2025.
Quan trọng hơn cả là thông qua CVĐ, người tiêu dùng đã thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay. Kết quả khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, hiện có 92% người tiêu dùng rất quan tâm đến CVĐ; 63% người tiêu dùng xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Trong quá trình triển khai CVĐ, Bộ Công Thương và các DN đã gặp những khó khăn gì, thưa bà?
- Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nên áp lực cạnh tranh diễn ra ngay trên thị trường trong nước giữa hàng Việt với hàng nhập khẩu và hàng do DN FDI sản xuất. Trong khi đó, DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa nên chưa đủ năng lực cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, dịch vụ hậu mãi...
 Người tiêu dùng mua hàng Việt tại phiên chợ Việt tổ chức tại huyện Thanh Trì. Ảnh: Lê Nam
Hạ tầng thương mại, đặc biệt là chợ truyền thống chưa phát triển nên chưa thực sự hỗ trợ DN tiêu thụ hàng Việt Nam. Kết nối cung cầu giữa các chủ thể về sản xuất kinh doanh còn chưa mạnh, nhất là kết nối hàng hóa của các DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ nông dân… Đây là những khó khăn, bất cập cần khắc phục trong thời gian tới.
Nông thôn là thị trường tiêu thụ hàng hóa rộng lớn. Vậy trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có giải pháp hỗ trợ như thế nào để DN Việt phát triển hệ thống bán lẻ tới người nông dân? 
- Thị trường nông thôn chiếm đến 70% dân số, tuy nhiên DN Việt Nam chưa thực sự chú trọng khai thác. Nhằm khắc phục điểm yếu này, thời gian tới Bộ Công Thương đẩy mạnh tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Cụ thể, xây dựng mô hình điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Tăng cường các chương trình kết nối cung cầu, giới thiệu các mô hình cung ứng hàng Việt cho người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất, từ đó kết nối hàng hóa đến người dân tại các vùng nông thôn.
Tham gia vào Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020” theo Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 6/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ, với các chương trình xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp và Dự án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại nông thôn.
Để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường, bên cạnh sự hỗ trợ của Bộ Công Thương còn đòi hỏi DN vào cuộc mạnh mẽ hơn. Theo bà, các DN nội cần phải làm gì để không bị đánh mất “sân nhà”?
- Thị trường nội địa là thị trường nhiều tiềm năng phát triển, nhưng để khai thác thị trường này, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, địa phương còn đòi hỏi DN nâng cao trình độ, năng lực tổ chức phù hợp phương pháp quản lý hiện đại, đồng thời đổi mới trình độ thiết bị, công nghệ, qua đó rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất lao động, hạ giá thành nhưng vẫn nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặt khác, cần tăng cường khả năng liên kết và hợp tác giữa các DN sản xuất với DN bán lẻ, tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh, chất lượng tương đương hàng ngoại, từ đó giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Các DN bán lẻ cũng cần liên kết lại, qua đó xây dựng hệ thống bán lẻ khai thác thị trường này.
Ngoài ra, DN cần nâng cao năng lực marketing thông qua thực hiện đồng bộ các biện pháp về nghiên cứu thị trường, sản phẩm, giá cả và xúc tiến thương mại, làm tốt việc chăm sóc khách hàng… Những giải pháp này sẽ giúp khách hàng tiếp cận tiêu thụ sản phẩm, giúp DN tăng doanh thu, tăng thị phần, đồng thời tăng vị thế DN trên thị trường trong nước và quốc tế. 
Xin cảm ơn bà!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần