Người truyền lửa yêu nước

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thấm thía từng lời dạy của Bác về độc lập tự do, cựu chiến binh Lâm Văn Bảng (thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã đi khắp nơi, gom lại những mảnh vỡ của chiến tranh, tự xây dựng Bảo tàng, không chỉ để tri ân những đồng đội đã hy sinh máu xương vì độc lập dân tộc, mà còn để giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ mai sau.

Ông Lâm Văn Bảng giới thiệu các khu trưng bày cho cựu chiến binh đến thăm Bảo tàng.
Những tháng ngày không thể quên
Hơn một thập kỷ qua, Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, được xây dựng bởi cựu chiến binh Lâm Văn Bảng tại thôn Nam Quất đã đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn cựu chiến binh từ khắp các miền Tổ quốc và Nhân dân về thăm. Người cựu binh có mái tóc bạc trắng cùng nụ cười hiền hậu ấy sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Gia đình ông có 5 anh em thì 3 người tham gia cách mạng từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp đến kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đều phải trải qua tháng ngày bị địch bắt giam. Bản thân ông nhập ngũ năm 1965, trong một lần pháo địch tấn công dữ dội, ông bị thương nặng và bị địch bắt giam ở nhà lao Biên Hòa rồi đày ra Phú Quốc năm 1968. Mãi đến năm 1973, ông cùng nhiều đồng đội được trao trả theo Hiệp định Paris.
Ngày 19/8 vừa qua, tại chương trình giao lưu điển hình toàn quốc 2019 trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức, ông Lâm Văn Bảng là một trong những cá nhân điển hình tiêu biểu học tập và làm theo Bác được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen.

Mang trên mình những vết sẹo của chiến tranh, những bước đi tập tễnh, dù chiến tranh đã đi qua hơn bốn thập kỷ, nhưng hầu như ông Bảng chẳng có đêm nào yên giấc. Đêm thì trằn trọc bởi vết thương cũ nhức nhối; đêm lại giật mình tỉnh giấc bởi những hình ảnh đồng đội bị tra tấn kinh khủng nhất, tàn bạo nhất mà ông đã tận mắt chứng kiến qua song sắt cửa sổ nhà tù năm ấy… Những nỗi ám ảnh, day dứt không nguôi đó đã thôi thúc ông phải làm điều gì đó để vừa tri ân những đồng đội đã ngã xuống của mình, và cũng để phơi bày tội ác của chiến tranh. Vậy là ông Bảng cùng một vài cựu chiến binh khác đã trải qua nhiều khó khăn về kinh phí, đi lại để tự tìm kiếm tư liệu, hiện vật, hình ảnh chiến tranh, kỷ vật của đồng đội, từ đó hình thành một Bảo tàng về chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày vào năm 2006. Đây cũng chính là bảo tàng tư nhân đầu tiên trên cả nước.

Không chỉ vậy, ông Bảng đã hiến 2.000m2 đất của gia đình để xây dựng nơi lưu giữ của hơn 4.000 tư liệu, hình ảnh, kỷ vật của người chiến sĩ cách mạng với 10 phòng trưng bày chuyên đề. Trong đó có lá cờ Đảng được vẽ bằng máu của chiến sĩ ta, cuốn điều lệ Đảng được các chiến sĩ viết tay trong trại giam, từng chiếc đinh mà địch dùng để đóng vào sọ, vào gót chân các chiến sĩ, cái bấm móng tay của gia đình có 4 người bị tù đày ở trại giam Phú Quốc... “Đối với tôi, mỗi kỷ vật nơi đây đều quý giá, là minh chứng cho sự hy sinh cao cả của đồng đội” - ông Bảng tâm sự.

Hun đúc lòng yêu nước cho thế hệ sau

Những kỷ vật ấy đưa ông Bảng về những năm tháng ở “địa ngục trần gian” Phú Quốc. Ông kể: Các chiến sĩ cách mạng của ta với lòng yêu Tổ quốc, sự trung thành tuyệt đối với Đảng đã bất khuất, không hề run sợ trước mọi đòn tra khảo man rợ của địch. Trong tù, các chiến sĩ vẫn “chia lửa” cho tiền tuyến, không để cho địch yên ngày nào bằng cách tổ chức bí mật đào hầm vượt ngục, đấu tranh đòi quyền lợi như thêm khẩu phần ăn, chống chào cờ ngụy...

Ông Bảng kể thêm: Năm 1969, nghe tin Bác Hồ đã đi xa, tất cả các chiến sĩ của ta trên đảo Phú Quốc đều đeo khăn trắng vào giờ chào cờ; mọi sinh hoạt ngày hôm ấy cũng lặng lẽ một cách kỳ lạ. Di chúc của Bác đã bí mật được truyền đến tay các chiến sĩ một thời gian sau đó. Trong Di chúc có câu: “Cuộc chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”… Lời khẳng định đó của Bác như tiếp thêm sức mạnh, giúp các chiến sĩ của ta không hề nao núng, suy nhược ý chí chiến đấu trước những thủ đoạn, đòn “tâm lý chiến” của kẻ địch và luôn có một niềm tin mãnh liệt vào ngày mai chiến thắng,

Vì thế, gìn giữ những tư liệu, kỷ vật này cũng chính là cách mà ông Bảng - người may mắn được trở về “truyền lửa” yêu nước, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau này. “Hơn ai hết, chúng tôi là người hiểu rõ nhất giá trị của sự tự do. Hòa bình, độc lập được đánh đổi bằng sự hy sinh thanh xuân, xương máu của những người chiến sĩ cách mạng. Các thế hệ đi sau có trách nhiệm để bảo vệ nền độc lập, tự do ấy. Nếu thế hệ trẻ không hiểu lịch sử, tội ác chiến tranh, nhất là không được hun đúc lòng yêu nước, chiến tranh sẽ lại xảy ra, nhà tù sẽ lại mọc lên và lúc ấy tự do cũng không còn…” - ông Bảng nói.

Để phát huy giá trị của những hiện vật đã được sưu tầm, trưng bày tại Bảo tàng, ông Bảng cùng 16 cựu chiến binh nơi đây còn tổ chức đi trưng bày lưu động, giao lưu, kết nghĩa với nhiều đơn vị, tổ chức nói chuyện với những nhân chứng sống để mọi người, nhất là các bạn trẻ được hiểu rõ hơn về tội ác dã man của kẻ thù cùng lòng dũng cảm, kiên cường cách mạng của những người chiến sĩ cách mạng, bộ đội Cụ Hồ. Ngoài ra, họ vẫn tiếp tục hành trình đi tìm những hiện vật, những minh chứng của một thời lửa đạn.

Ngày chúng tôi đến gặp ông Bảng, dù trời mưa giông tầm tã nhưng vẫn có đoàn cựu chiến binh ở Chí Linh (Hải Dương) đến Bảo tàng để cùng nhau nhớ về những năm tháng mưa bom bão đạn, thắp nén tâm nhang tưởng niệm những đồng đội đã nằm xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc, hòa bình của Tổ quốc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần