Người Việt chi hàng nghìn tỷ đồng mua thuốc lá

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

rnKinhtedothi - Sáng 28/5, tại Nhà hát lớn, Bộ Y tế tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không hút thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ 25 - 31/5.

Ngày thế giới không hút thuốc lá năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn chủ đề: “Sử dụng thuốc lá - mối đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia”. Thông qua chủ đề này, WHO đề cập tới những tổn thất về sức khỏe và kinh tế, những tác động tiêu cực tới mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu cũng như của từng quốc gia do việc sử dụng thuốc lá gây ra.

 Ảnh minh họa

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, mỗi năm, trên thế giới có hơn 7 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, thời gian qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ hút thuốc lá trong học sinh từ 13 – 15 tuổi giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% năm 2014; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc, nơi công cộng trên phương tiện giao thông công cộng giảm được từ 12 – 15%. Ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên, kết quả điều tra do Tổng cục Thống kê phối hợp với WHO cho thấy, so với năm 2010, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam có xu hướng giảm (từ 47,4% xuống 45,3%). Trong đó, tỷ lệ hút thuốc điếu của nam giới khu vực thành thị giảm được 6,5%.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh những thuận lợi và các kết quả đạt được, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng vẫn gặp nhiều khó khăn vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, tỷ lệ sử dụng thuốc lá vẫn còn cao. Việc mọi người có thể dễ dàng mua thuốc lá ở nơi công cộng, đặc biệt là quán café, nhà hàng và địa điểm vui chơi khác... đang gây ra những khó khăn, cản trở nỗ lực trong việc cai nghiện, giảm tỷ lệ hút thuốc tại nước ta.

Số liệu điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam cho thấy, những năm gần đây, trung bình số tiền người Việt Nam chi mua thuốc lá là 31.000 tỷ đồng/năm. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 nhóm bệnh. Tỷ lệ bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật tại nước ta. Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm ở 5 nhóm bệnh thường gặp liên quan đến thuốc lá (gồm: Ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và phổi tắc nghẽn mãn) là hơn 23.000 tỷ đồng/năm. Theo thống kê tại Bệnh viện K, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%.

Theo TS Lokky Wai – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, các kết quả trong phòng chống tác hại của thuốc lá có thể được cải thiện hơn rất nhiều bằng cách tăng thuế thuốc lá. “Trong Ngày thế giới không thuốc lá năm nay, tôi kêu gọi Chính phủ và tất cả các đối tác cùng nỗ lực vượt qua thách thức để làm giảm sử dụng thuốc lá bằng cách tăng thuế thuốc lá, sẽ giúp giảm nhu cầu đối với sản phẩm nguy hiểm này và giúp đảm bảo cho một tương lai lành mạnh và bền vững hơn cho Việt Nam” - ông Lokky Wai nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần