Người Việt đã bớt dùng tiền mặt

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau dịch Covid-19, người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng ít tiền mặt hơn để ủng hộ các phương thức thanh toán kỹ thuật số mới, bao gồm các công nghệ thanh toán như thẻ không tiếp xúc, thanh toán di động và thương mại điện tử.

Kích cầu bằng tăng khuyến mại, giảm phí giao dịch
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Việt Nam hiện có 88,5 triệu tài khoản NH. 63,7% người trưởng thành Việt Nam có tài khoản ở NH. Thanh toán không tiền mặt cũng gia tăng rất mạnh. Riêng hệ thống thanh toán của NHNN xử lý 1 ngày 17 tỷ USD. Đến cuối năm 2019, giao dịch qua kênh Internet tăng 64% về số lượng giao dịch và tăng 37% về giá trị giao dịch. Giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 198% và 210% về số lượng và giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018.
Đặc biệt trong 3 tháng đầu năm 2020, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 81,32% về số lượng và tăng 145,32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Trong 20 ngày đầu tháng 4/2020, giá trị giao dịch trung bình qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,85% so với cùng kỳ năm trước.
 Thanh toán bằng thẻ tín dụng tại siêu thị Fivimart. Ảnh:  Việt Linh
Khảo sát nghiên cứu chi tiết ý kiến của người tiêu dùng đối với các hình thức thanh toán khác nhau của Visa cho thấy người Việt Nam mang tiền mặt ít hơn. Với 85% người khảo sát cho biết thực hiện giao dịch thanh toán không tiếp xúc bằng thẻ ít nhất một lần/tuần, trong khi đó 82% người tiêu dùng đã thực hiện giao dịch trên điện thoại di động.
Ngày càng nhiều người dân thanh toán không tiền mặt là do các hình thức như thanh toán qua mạng lưới hệ thống NH đại lý, các công ty fintech, các dịch vụ Mobile Money, ví điện tử và các kênh thanh toán hiện đại khác phát triển mạnh. Các tổ chức đều đã đưa ra hàng loạt các ưu đãi thanh toán không dùng tiền mặt để khuyến khích người dân tham gia. Ngoài ra, một trong những cú hích thanh toán không tiền mặt trong đợt dịch vừa qua là việc giảm phí.
Cú hích ngân hàng số
Thanh toán không dùng tiền mặt với ưu điểm nhanh, gọn, tiện lợi, an toàn… đang trở thành xu hướng chung trong bối cảnh CMCN 4.0. Khi thanh toán không dùng tiền mặt phát triển, tất cả người dân và DN sẽ được thụ hưởng. Đặc biệt là nhóm những người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp; DN nhỏ và vừa, hộ gia đình sản xuất kinh doanh. Và đây là một trong những điều kiện quyết định tới sự thành công của việc chuyển đổi số trong các nhà băng, khi có sự hợp tác của người dùng.
Tại Việt Nam, các công cụ thanh toán không tiền mặt: loại thẻ thanh toán nội địa hoặc quốc tế hầu hết được phát hành bởi các NH như Vietcombank, VietinBank, Sacombank, BIDV... Ví điện tử là một tài khoản online, có 3 chức năng chính: Nhận và chuyển tiền qua mạng; dùng để chi trả trực tuyến; lưu giữ tiền trên mạng internet. Hiện nay đã có các loại hình ví điện tử phổ biến nhất như MoMo, AirPay, Zalopay, ViettelPay, TrueMoney, Moca, VinaPay, 123Pay… được phát hành và sử dụng nội địa; ví điện tử quốc tế như PayPal, AlertPay, WebMoney, LiqPay và Moneybookers…
Hệ sinh thái ứng dụng NH số (Smart Digital Banking) ứng dụng nền tảng công nghệ này, bao gồm: Smart Form, Smart Booking, Smart API, Smart Self Service, Smart Auto Bank, Smart RM... với hệ sinh thái thuận tiện trong sử dụng, giảm thời gian giao dịch 15 lần. Đặc biệt, hệ sinh thái này đã được ứng dụng tại nhiều NH ở Việt Nam như MB, An Bình, SHB... từ nhiều năm nay.
Ngoài ra định danh và xác thực đa kênh, đa thiết bị, mà cụ thể là có thể dùng Mobile App, Web Browser, IoT (chẳng hạn như định danh bằng các thiết bị Kiosk, STM, VTM), Desktop App... Kế đến là ứng dụng công nghệ sinh trắc học (Biometric) như: Nhận diện khuôn mặt (FaceID), vân tay (Fingerprint), tách chữ bằng AI/Deep Learning, giúp việc định danh và xác thực được thực hiện nhanh, thuận tiện, nâng cao trải nghiệm người dùng; sẵn sàng tích hợp với các nhà cung cấp dịch vụ định danh điện tử (IDP).
Sự phát triển của các hình thức thanh toán điện tử và thanh toán không tiếp xúc đang không ngừng thúc đẩy Việt Nam hướng đến mục tiêu xã hội không tiền mặt. Mới đây, Thủ tướng ra Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan triển khai nhiều nhiệm vụ cần thiết để tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở mọi lĩnh vực, nhất là các dịch vụ thiết yếu. Điều này sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng thanh toán không tiền mặt tại thị trường Việt Nam và còn tạo ra nhiều triển vọng trong thời gian tới.
Theo số liệu của NHNN, có đến 65% giao dịch thanh toán đã được miễn và giảm phí trong đợt dịch. Có NH giảm phí từ 7.000 đồng xuống 0 đồng, trên 50% NH đã giảm phí. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các NH miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí khoảng 1.004 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần