Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Nền tảng cho doanh nghiệp phát triển

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/1, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai cuộc vận động năm 2018; phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.

 Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại Hội chợ hàng Việt Nam TP Hà Nội 2017. Ảnh: Ánh Ngọc
Trong năm 2018, Cuộc vận động đã được cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo các cấp tổ chức một cách sâu rộng, thống nhất, tạo được sự hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân. Thông qua Cuộc vận động, các hội chợ và phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn đã giúp người tiêu dùng có cơ hội tìm hiểu, nhận biết các mặt hàng sản xuất trong nước, các sản phẩm của địa phương, vùng miền.
Các doanh nghiệp được tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo tâm lý tích cực, kích thích việc phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao uy tín, chất lượng thương hiệu sản phẩm... Từ đó, tạo ra nhiều sản phẩm của doanh nghiệp trong nước ngày càng có chất lượng tốt hơn, giá cả phù hợp hơn. Đến nay, cả nước đã có khoảng 4.823 sản phẩm đặc sản, trong đó có 695 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Năm 2018, Sở Công Thương các tỉnh, TP đã tổ chức 114 đợt bán hàng Việt về nông thôn, hơn 150 lượt khuyến mại; 115 hội chợ, triển lãm hàng Việt. Đáng chú ý, đến nay đã xây dựng được hơn 100 điểm bán hàng Việt Nam cố định tại gần 60 tỉnh, TP trên cả nước. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã tư vấn trả lời 2.153 vụ việc khiếu nại, giải quyết 213 vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn những mặt hạn chế cần khắc phục trong năm 2019 để Cuộc vận động đạt kết quả thực hiện cao hơn. Công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Cuộc vận động, tuy nhiên thời gian qua, nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, hấp dẫn, ít đổi mới. Một số địa phương, ban ngành chưa quan tâm đúng mức đến công tác chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động. Nhiều mặt hàng chưa thực sự thu hút người tiêu dùng về mẫu mã bao bì, chất lượng và giá cả. Nhiều doanh nghiệp thiếu kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng nên hiệu quả xúc tiến thương mại chưa cao; nhiều hãng sản xuất trong nước không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa... làm ảnh hưởng đến giá trị kinh tế, giá thành của sản phẩm hàng Việt. Bên cạnh đó, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng chưa kiên quyết hiệu quả.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh nhận định, biến động của tình hình kinh tế thế giới cùng với áp lực tăng trưởng phụ thuộc khu vực đầu tư nước ngoài sẽ là những thách thức cho mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát năm 2019 của Việt Nam. Để cuộc vận động là nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động tiếp tục tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước; đẩy mạnh công tác triển khai, giám sát thực hiện Đề án “Phát triển thị trường trong nước” gắn với cuộc vận động.
Các thành viên Ban chỉ đạo thuộc các cơ quan quản lý nhà nước rà soát, ban hành bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất, bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các quy định của WTO... Tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, hàng nhập lậu hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống phân phối hàng Việt; vận động doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần