[Người Việt tại Nga mùa đại dịch] Bài 1: Phập phồng nỗi lo nơi đất khách, quê người

Nguyễn Thảo Nguyên (từ Liên bang Nga)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu tính từ năm 1981, khi có hơn 210.000 người Việt sang lao động và hợp tác ở Liên Xô, đến nay đã gần bốn chục năm, đã có tới ba thế hệ. Người Việt ở nước Nga sống chủ yếu bằng việc kinh doanh ở chợ, làm xây dựng nhỏ, làm nông trại và dịch vụ. Đại dịch Covid-19 kéo đến, việc mưu sinh của cộng đồng người Việt trở nên ảm đạm. Tuy nhiên, mọi người vẫn đang nương tựa vào nhau và chờ đợi những điều tốt đẹp sẽ đến.

 Người Việt phát khẩu trang miễn phí cho người Nga.
Những tháng vừa qua, hầu như các kênh truyền hình Nga, mỗi ngày đều dành một thời lượng lớn để thông báo liên tục về tình hình lây nhiễm virus, các hoạt động y tế, phổ biến các phòng tránh bệnh dịch. Người Việt nơi đất khách dõi theo tin tức, lo cho công việc làm ăn sa sút, sức khỏe của mình nơi vắng những người ruột thịt.
“Nóng lạnh” theo diễn biến từng ngày

Sau ngày Rằm tháng Giêng, bà con về nước ăn Tết trở lại Nga, phấp phỏng đồn đoán nhau, nào là bên Nga họ sẽ kiểm dịch, thử máu rất căng, nào là ai bị nhiễm virus corona mới là bắt quay lại. Nhưng sự thật thì không phải như vậy, xuống máy bay, dòng người vẫn lũ lượt rời khỏi cửa biên phòng,hải quan như từ trước tới nay, chẳng có ai bị hỏi han hay ách lại vì lý do phòng dịch. Chỉ thấy ở cạnh tường, lối ra vào, có một bàn y tế có các dụng cụ xét nghiệm, ba cô mặc áo blouse trắng, đeo khẩu trang, lơ đãng ngắm dòng người qua lại.

Nhưng chỉ sau đó một tuần, gần cuối tháng Hai, thì tình hình khác hẳn. Các chuyến máy bay từ nước ngoài về Nga đều bị kiểm tra, thử nhiệt độ hành khách rất nghiêm ngặt. Những người bị nhiễm virus corona mới, ngay lập tức đưa vào bệnh viện; số người có dấu hiệu nhiễm, yêu cầu cách ly tại gia và khai báo y tế hàng ngày khi bị ho, bị sốt; có người đến theo dõi. Chính quyền còn đưa ra các hình thức phạt khá nặng nề, là ai bị nhiễm, cố tình ra khỏi nhà, không tuân thủ các quy định y tế, sẽ bị phạt tới 5 năm tù hoặc phạt tiền rất nặng.

Người ta cho rằng, hình thức cách ly tại gia này, dường như không có tác dụng, bởi vì người bệnh sẽ lây sang người thân, người thân lại lây sang hàng xóm, ra chợ búa và các phương tiện công cộng như thể cấp số nhân.

Và một sự thật hiển nhiên là, các ca nhiễm bệnh ở Nga, đặc biệt là Thủ đô Matxcơva, tăng lên chóng mặt, từ 21 ca công bố ngày 17/3; hơn một tháng rưỡi sau, ngày 3/5 đã lên tới 10.633; và ngày 11/5 đỉnh điểm là 11.656 ca nhiễm. Cuộc duyệt binh lớn nhất kỷ niệm 75 năm Chiến thắng phát xít dự định tổ chức tại Matxcơva 9/5 bị hoãn lại.

Phải thừa nhận rằng hệ thống y tế của Nga khá tốt, toàn liên bang có tới hơn 5.400 bệnh viện lớn và 19.100 cơ sở y tế, trong đó Thủ đô Matxcơva có tới 276 bệnh viện đa khoa tầm như bệnh viện Bạch Mai, có khả năng tiếp nhận bệnh nhân virus corona mới. Tuy vậy, những ngày đầu tháng 5, ngày nào các đoàn xe cứu thương, nối nhau đến các khu bệnh viện lớn, có hôm tắc nghẽn vì đông người nhập viện, chờ hơn hai tiếng! Trong TP, bất cứ khu vực nào có tin báo có người nhiễm virus là lập tức xe cứu thương đến ngay. Trên xe, ngoài lái xe, luôn có một bác sĩ và một y tá, kiểm tra bệnh nhân xong, là đưa đến ngay bệnh viện.

Chính quyền quyết định xây dựng khẩn cấp trong tháng 5 một khu bệnh viện dã chiến ở ngoại ô Matxcơva với hơn 10.000 giường bệnh, phòng khi số bệnh nhân tăng ngoài khả năng kiểm soát.

Cuối tháng 3, lệnh phong tỏa được ban bố đối với các chủ thể và TP Liên bang Nga, trong đó có Thủ đô Matxcơva, được coi là trọng điểm. Mọi người bắt buộc ở nhà, không đến nơi làm việc, chỉ có thể ra ngoài trong phạm vi khu vực hẹp, phải đeo khẩu trang. Chỉ có nhà băng, cửa hàng thực phẩm và hiệu thuốc được mở cửa.

Vào mùa Xuân, cây cối ngập màu xanh, hoa nở trắng xóa trên các hàng cây, trong công viên, nhưng thành phố dường như hoang vắng. Xe đi lại trong thành phố bắt buộc phải có giấy phép lưu thông bên cơ quan dịch tễ cấp qua internet.
Các bác sĩ Nga chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện
Được đối xử tốt

Những ngày cuối tháng 2, có tin đồn là, công an kiểm tra rất nghiêm ngặt những người Trung Quốc hoặc ở Trung Quốc sang, ở đất nước cho là nơi phát tích của dịch bệnh, ai đi lại trong Metro, khi bị công an hỏi, câu cửa miệng là, tôi là người Việt Nam!

Trường hợp người Việt đầu tiên được ghi nhận nhiễm dịch là vào ngày 27/3. Hai vợ chồng kinh doanh đồ khô, thực phẩm ở một khu ký túc xá phía Bắc thành phố, sau đó 6 thành viên còn lại trong gia đình người Việt đó cũng dương tính với virus corona. Sau đó, các ca nhiễm tăng đột biến trong một khu ngoại giao đoàn, nơi chỉ có người Việt thuê ở.

Theo các thông tin được trên mạng xã hội, cho đến ngày 15/4 đã có hơn 120 người bị nhiễm và trong số đó đã có gần một chục người chết. Con số người nhiễm và người chết tăng dần lên một cách lặng lẽ và ghê sợ. Mọi người gọi điện cho nhau, nhắn tin cho nhau và đăng trên các trang Facebook các sự kiện xẩy ra tại các khu sinh sống và các chợ. Con số các ca nhiễm tăng nhanh nhất trong tháng 4 và đầu tháng 5.

Khác với người Việt ở châu Âu, người Việt ở Nga chủ yếu là sống co cụm tại các ký túc xá mà từ lâu người ta quen gọi là “Ốp”, và các khu Ngoại giao đoàn, mấy chục năm qua đã biến thành khu sinh sống của bà con ta.

Một phần do khó khăn, một phần do sống tập trung; gần khu vực chợ, thường chục người Việt sinh sống trong một căn hộ chừng năm chục mét vuông; có những căn hộ tam đại đồng đường, ăn ở chật chội. Mật độ sinh hoạt như thế này, khó lòng mà cách ly được.

Ngay sau Tết nguyên đán, hàng chục chủ hàng người Trung Quốc cấp tốc sang Nga khi ở Vũ Hán và các thành phố lân cận đã trở thành ổ dịch của thế giới. Các chủ hàng này tranh thủ thời gian đến các chợ để gấp rút thu gom lại hàng hóa và thanh toán tiền nong với các chủ người Việt đang là đối tác kinh doanh với họ. Khi đó, hầu như chưa ai đề phòng, các nhà hàng, các điểm giao dịch vẫn đông đúc, nên đây chính là nguồn lây lan trực tiếp và nhanh chóng cho bà con người Việt.

Hàng chục ngàn người Việt buôn bán tại các chợ Liublino, Xadovod, cây số 19 và khu nhà ở đa chức năng Matxcơva - Hà Nội, mỗi ngày đều thông tin với nhau về số ca nhiễm trong cộng đồng trên các phương tiện truyền thông xã hội. Họ không muốn đưa lên đài, báo chính thống, vì biết đâu, có những người dân sở tại không thiện chí, thấy ca nhiễm nhiều, lại cho rằng, người Việt là ổ dịch, thì nguy hiểm bội phần.

Người bị nhiễm thì trên Facebook chỉ đề là anh A, anh B, ở quầy nào, bị nhiễm rồi, thế là bà con tự hiểu, biết mà phòng tránh. Ai bị chết thì có đăng tin buồn trên trang baonga.com hoặc trang cá nhân. Đám tang những người chết vì dịch bệnh, đều do nhà tang lễ tại bệnh viện hỏa thiêu, chỉ có thân nhân ruột thịt đến đưa tiễn, mặc đồ bảo hộ theo quy định của bệnh viện.

Do một phần bà con ta tiếng tăm hạn chế, không có bảo hiểm y tế, đặc biệt là những người buôn bán nhỏ, anh em trồng rau, bốc vác, khi bị ho, sợ đến bệnh viện, sốt cao thường nhờ người mua thuốc về tự uống tại nhà.

Về sau, khi được biết các bệnh viện Nga chữa miễn phí, không đòi hỏi thủ tục phức tạp và xe cứu thương đón tại nhà, bà con mới mạnh dạn khai báo và gọi xe cấp cứu vào nằm viện. Ở bệnh viện, họ được hưởng chế độ như người Nga, được chạy chữa, được ăn uống và phục vụ cho đến khi ra viện. Khi ra viện, xe đưa đến tận nhà, và được cấp phát thuốc dùng trong thời gian theo dõi.

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần