Người Việt xa xứ nhớ Tết quê hương

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không khí Xuân đã gần kề nhưng người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài vẫn đang miệt mài làm việc, mặc dù đón Tết ở xứ người nhưng họ vẫn cố gắng giữ những nét văn hóa truyền thống như ở quê nhà.

Nhớ bánh chưng xanh

Từ miền tây nam nước Ðức xa xôi, họa sỹ Vũ Thị Hạnh, người con gái phố cổ Hà Nội hiện đang sống cách thành phố Frankfurt gần 100km tâm sự: 5 năm theo chồng về CHLB Ðức sinh sống là 5 năm ăn Tết xa quê, năm nào tôi cũng thèm khát được ăn Tết cổ truyền tại quê nhà. Hình ảnh cả nhà quây quần chuẩn bị gạo, đỗ, thịt gói bánh chưng đón Tết giờ chỉ còn trong ký ức, bởi nơi tôi ở quá xa cộng đồng người Việt đang lưu trú nên khó có thể tìm được nguyên liệu gói bánh chưng.
Người Việt xa xứ nhớ Tết quê hương - Ảnh 1
Giống như chị Hạnh, chị Hoàng Nguyệt Linh vốn là cư dân phường Văn Miếu, hiện làm việc tại Thủ đô London (Anh) mỗi khi Tết đến xuân về luôn nhớ đến hương vị chiếc bánh chưng. Ðể lưu giữ văn hóa cổ truyền của dân tộc, giúp các con không quên hương vị truyền thống, chị Linh đã lái xe đến khu phố chợ người Việt ở Deptford cách nhà cả 100km để mua gạo nếp, đỗ xanh, lá chuối nhập khẩu từ Trung Mỹ về gói bánh chưng. Chị Linh cho biết: ở Việt Nam muốn có lá chuối gói bánh là sang nhà hàng xóm xin nhưng ở Anh là hàng nhập khẩu nên một bó nhỏ xíu chỉ đủ gói 2 chiếc bánh nhưng giá bán lên đến 15 EURO (tương đương 350.000 đồng). “Tết năm trước, khi mua về mở ra mới thấy lá chuối rách ra từng mảng bởi đều là hàng đông lạnh, không thể gói được bánh. Cô con gái út 6 tuổi hiến kế cho bố dùng một lớp màng bọc thực phẩm lót bên ngoài và đặt lá chuối vào bên trong để gói bánh. Cuối cùng bánh chưng của chúng tôi cũng thành hình. Cả đêm thấp thỏm lo vớt và ép bánh.  Sáng sớm 3 đứa trẻ thức giấc, việc đầu tiên chúng làm là chạy ngay ra bếp để ngắm “tác phẩm” của bố mẹ và đòi thưởng thức ngay. “Thật sung sướng khi ở Tây mà ngôi nhà phảng phất hương gạo nếp, lá mới luộc, nét văn hóa mà chỉ người Việt Nam mới có”, chị Nguyệt Linh tâm sự.
Người Việt xa xứ nhớ Tết quê hương - Ảnh 2Người Việt xa xứ nhớ Tết quê hương - Ảnh 3
Nếu như những người Việt xa xứ sinh sống tại châu Âu muốn gói một cặp bánh chưng phải mất hơn 300.000 đồng mua lá chuối gói bánh thì người Việt Nam ở Ðài Loan lại được “miễn phí”. Chị Lê Hải Anh, nhà ở phố Thụy Khuê, hiện đang sinh sống tại thành phố Ðài Bắc cho biết: “Hai năm trước gia đình tôi ăn cái Tết đầu tiên ở Ðài Bắc. Bánh chưng bên này cũng có bán nhưng vừa đắt lại không biết chất lượng ra sao, nên chúng tôi quyết định tự làm. Nhân đậu xanh, thịt lợn được tẩm ướp với hành, hạt tiêu mang hương vị truyền thống có đủ nhưng lá dong có tìm cả Ðài Loan cũng không có, cuối cùng chúng tôi quyết định chạy ra công viên gần nhà xin ít lá chuối để gói bánh, thay lạt giang bằng dây dù. Lần đầu tiên chưa có kinh nghiệm nấu bánh bằng nồi cơm điện, nhưng kết quả là bánh rất ngon, rất xanh và dẻo như làm ở nhà vậy.
Giữ phong tục Tết Nguyên đán ở xứ người
Trong tâm tưởng những người Việt xa xứ, việc giữ gìn phong tục Tết Nguyên đán luôn được coi trọng. Ðể làm được việc này, tại những cộng đồng người Việt sống tập trung thường tổ chức phiên chợ Tết, qua đó quảng bá văn hóa cổ truyền.
Người Việt xa xứ nhớ Tết quê hương - Ảnh 4
Chị Nguyễn Kim Phương, vốn là con gái làng hoa Quảng Bá hiện đang sinh sống tại thành phố Sydney (Úc) cho biết: Ở Sydney có đến gần 80.000 người Việt Nam sinh sống nên bắt đầu từ 27 Tết, cộng đồng người Việt ở đây đã chộn rộn lên kế hoạch đón Tết. Hội chợ Xuân được tổ chức thường niên theo phong cách chợ Tết quê thu nhỏ, qua đó mang đến không khí Tết quê hương cho những người con xa xứ. Ngoài thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ còn có những trò chơi dân gian, những màn múa lân sôi động để các em nhỏ cùng hòa mình vào khung cảnh đậm đà bản sắc dân tộc.Anh Hoàng Hữu Trường, kỹ sư hãng Samsung đã sinh sống làm việc tại Hàn Quốc gần 10 năm tâm sự: Người Hàn Quốc cũng ăn Tết theo lịch âm nhưng Tết Trung thu thường được tổ chức rất lớn, Tết Nguyên đán chỉ được nghỉ 2 ngày để mọi người nghỉ ngơi, đón Tết cổ truyền của dân tộc. Ðể vơi đi nỗi nhớ nhà, đa phần công nhân Việt Nam đổ về khu Ansan ở ngoại ô Seoul tham dự chương trình “Xuân quê hương” do Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức với bánh chưng xanh, cành đào thắm đậm đà bản sắc dân tộc Việt… Những hoạt động này thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, sự vượt khó của những người Việt xa quê trong dịp Tết đến xuân về.
Với những người Việt Nam sinh sống làm việc tại Ðài Loan, Tết đến, ngoài việc chuẩn bị đồ cúng tổ tiền còn mong chờ Ban quản lý lao động Việt Nam tại Ðài Loan tổ chức đón Tết cho lao động và cộng đồng người Việt Nam ở Ðài Loan. Chị Hải Anh cho biết: Tết Nguyên đán năm ngoái, Ban quản lý lao động đã tổ chức Chương trình nhạc hội “Vui Xuân đón Tết năm 2015” với nhiều hoạt động văn hóa như: Gói bánh chưng, viết tặng thư pháp, tặng quà... Ðặc biệt còn tổ chức gặp mặt các cặp vợ chồng Việt Nam - Ðài Loan, qua đó quảng bá văn hóa Việt Nam tới những chàng rể Ðài Loan.

Trong tâm thức người Việt, Tết là dịp đoàn viên, là lúc trở về với quê hương, nguồn cội. Dù không thể về Việt Nam đón Tết nhưng kiều bào xa quê với cặp bánh chưng xanh, mâm cỗ cúng giao thừa hướng lòng về Tổ quốc vẫn đang gìn giữ.