Nguồn cung dầu toàn cầu giảm mạnh do căng thẳng Mỹ - Iran leo thang

Nguyễn Phương (Theo Presstv)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường dầu thế giới ghi nhận nguồn cung sụt giảm do ảnh hưởng trực tiếp từ chiến dịch gây sức ép tối đa của Mỹ chống Iran, theo báo cáo của IEA.

Báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố ngày 15/5 cho biết lượng cung ứng dầu mỏ của thế giới trong tháng 4 vừa qua đã giảm mạnh trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu leo thang do Mỹ siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran cùng với việc các nước thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga cắt giảm nguồn cung dầu.
Nguồn cung dầu toàn cầu giảm mạnh do căng thẳng địa chính trị tai Trung Đông leo thang.
Trong báo cáo hàng tháng về thị trường dầu mỏ toàn cầu, IEA cảnh báo rằng nguồn cung “vàng đen” toàn cầu trong tháng 4 giảm 300.000 thùng/ngày, dẫn đầu là Iran, Azerbaijan, Kazakhstan và Canada.
IEA cho biết, sản lượng dầu thô của Iran trong tháng 4 vừa qua đã giảm 130.000 thùng/ngày, xuống còn 2,61 triệu thùng/ngày - mức thấp nhất trong 5 năm qua và có thể tiếp tục giảm xuống mức kỷ lục kể từ khi xảy ra cuộc chiến với Iraq vào những năm 1980 của thế kỷ trước. Trước khi bị Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt, ngành dầu mỏ Iran sản xuất trung bình 3,8 triệu thùng/ngày trong năm 2017.
Theo báo cáo của IEA, xuất khẩu dầu của Tehran trong tháng 5 cũng có thể giảm xuống còn khoảng 500.000 thùng/ngày so với mức khoảng 1,4 triệu thùng/ngày trong tháng 4 vừa qua.
Cũng theo IEA, lượng cung ứng dầu trên thế giới bị sụt giảm trong bối cảnh các nước OPEC và đồng minh Nga, được gọi là Nhóm OPEC+ đang thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu từ đầu năm nay nhằm hạn chế tình trạng dư cung toàn cầu.
IEA cho biết, sản lượng của các quốc gia ngoài OPEC được dự báo sẽ tăng chỉ 1,9 triệu thùng/ngày trong năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức 2,8 triệu thùng/ngày trong năm ngoái.
Dựa trên dự báo và dữ liệu kinh tế mới, IEA cũng đã hạ dự báo mức tăng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay, xuống còn 1,3 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng nhu cầu dầu mỏ tăng chậm hơn có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn và sau đó sẽ lấy lại đà vào cuối năm.
Báo cáo của IEA được đưa ra trong bối cảnh các nhà giao dịch gia tăng lo ngại nguồn cung toàn cầu có thể rơi vào tình trạng gián đoạn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump siết chặt các biện pháp trừng phạt nhằm sớm đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về mức bằng 0 - kế hoạch mà ông đã tiết lộ sau khi rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 với Nhóm P5+1.
Mặc dù Mỹ tin tưởng rằng Ả Rập Saudi sẽ bù đắp lượng dầu thiếu hụt từ Iran do chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của Washington, nhưng hiện không rõ liệu Riyadh có tiếp tục thực hiện việc cắt giảm sản lượng của OPEC+, hay sẽ quyết định tăng sản lượng khi tổ chức cuộc họp thảo luận về chính sách sản xuất dầu mỏ vào cuối tháng 6 tới.
IEA cũng cho biết, các nhà sản xuất dầu mỏ tại Mỹ cũng đang tăng sản lượng để bù đắp cho lượng dầu thiếu hụt tại Iran. Dự kiến ​​sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng 1,7 triệu thùng/ngày trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 2,2 triệu thùng dầu/ngày đạt được trong năm 2018.
Theo IEA, thị trường năng lượng sẽ tập trung xem liệu ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ có thể đẩy mạnh sản xuất để cân bằng thị trường hay không, đặc biệt khi Washington đang leo thang xung đột thương mại với Bắc Kinh.