Nguồn cung trong nước dồi dào, cơ hội để xuất khẩu gạo giá cao

Minh Ngọc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Bộ Công Thương đã có đề xuất với Chính phủ cho phép DN trong tháng 4/2020 tiếp tục xuất khẩu (XK) gạo. Điều này đã tạo cơ hội cho DN thực hiện các hợp đồng XK ký trước ngày 24/3.

 Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng.
Tuy nhiên, việc quy định hạn ngạch XK gạo sẽ khiến DN mất đi cơ hội XK gạo giá cao bởi nguồn cung gạo trong nước dồi dào, không chỉ đủ dự trữ trong nước mà còn dư để XK. Đây là chia sẻ của Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
Gạo Việt Nam đang được giá
Ông đánh giá thế nào về việc Bộ Công Thương đề xuất cho phép tiếp tục XK gạo trong tháng 4 và tháng 5/2020?
- Việc Bộ Công Thương đề xuất cho phép DN tiếp tục thực hiện các hợp đồng XK gạo đã ký trước 24/3 và lượng XK 800.000 tấn trong 2 tháng 4 và 5 là đề xuất rất hợp thời và hợp lý cho DN và nông dân bán thóc. Bởi gạo Việt Nam đang được giá trên thị trường quốc tế do Thái Lan mất mùa lúa trong khi lúa gạo còn nhiều trong kho của DN và hiện nay bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch rộ.
Thực tế cho thấy một số quốc gia như Philippines, Indonesia, Malaysia… đều đang thiếu gạo vì ảnh hưởng dịch Covid -19 nên có nhu cầu nhập khẩu gạo với số lượng lớn. Chẳng hạn Philippines năm nay cần thêm 300.000 tấn gạo và đã ký hợp đồng nhập khẩu 200.000 tấn gạo với DN Việt Nam. Đây chính là cơ hội cho XK gạo của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Kiến nghị của Bộ Công Thương về hoạt động XK gạo sẽ thực hiện theo phương án quy định kim ngạch liệu có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN, người dân không thưa ông?
- Mặc dù Bộ Công Thương đề xuất cho phép DN tiếp tục XK gạo nhưng theo kim ngạch từng tháng cũng ảnh hưởng đến DN. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh việc XK theo hạn ngạch sẽ làm DN Việt Nam mất cơ hội bán gạo ra thị trường quốc tế với giá cao, còn người nông dân cũng không bán được lúa giá cao cho DN thu mua như như kỳ vọng.
Đơn cử như Hapro, hiện các hợp đồng đã ký trước ngày 24/3 của DN là hơn 3.000 tấn với các đối tác nước ngoài. Nếu phải XK theo kim ngạch thì rất có thể DN không thể hoàn thành hợp đồng. Nguyên nhân là do Việt Nam có hàng trăm DN tham gia hoạt động XK gạo.
Riêng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có đến 92 DN hội viên với quy mô XK lên đến cả triệu tấn nên những đơn vị này sẽ được thực hiện hợp đồng số lượng lớn. Còn các DN có hợp đồng quy mô vừa và nhỏ sẽ phải xếp hàng đợi đến lượt điều này sẽ gây thiệt hại nặng nề cho họ. Vì vậy, rất mong Thủ tướng và Bộ Công Thương cho phép DN thực hiện các hợp đồng XK gạo đã ký kết trước ngày 24/3, bất kể là hợp đồng quy mô lớn hay nhỏ.
Ông có thể nói rõ hơn khi XK gạo theo hạn ngạch ảnh hưởng như thế nào với DN?
- DN XK gạo nói chung và Hapro nói riêng đều có điểm tương đồng là nguồn vốn lưu động không lớn trong khi giá trị mỗi lô hàng có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng. Do đó, hầu hết các DN phải vay vốn thêm của ngân hàng. Trong khi đó, việc tạm ngưng XK hoặc XK theo hạn ngạch đã khiến các ngân hàng không dám giải ngân, DN không có kinh phí trả tiền vay, lãi suất... khiến các DN khó khăn chồng chất. Đồng thời việc XK theo hạn ngạch sẽ làm mất nhiều thời gian thông quan, dẫn đến DN phải trả thêm kinh phí lưu kho bãi.
Cụ thể, mỗi ngày 1 container gạo 25 tấn không XK được phải lưu kho, DN sẽ tổn thất khoảng 300.000 đồng bao gồm chi phí lưu hàng tại cảng, lãi suất ngân hàng và nhiều chi phí phát sinh khác. Hiện Hapro cũng đang lưu kho 3.000 tấn gạo, mỗi ngày thiệt hại khoảng 36 triệu đồng.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại tỉnh Cần Thơ. Ảnh: Dũng Minh
Đảm bảo an ninh lương thực
Trong đề xuất của Bộ Công Thương với Chính phủ có yêu cầu DN XK gạo phải ký thỏa thuận với ít nhất là 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Nếu không thực hiện sẽ thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện XK gạo đã cấp… Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?
- Hapro là DN thương mại chủ lực của TP Hà Nội trong việc dự trữ hàng hóa bình ổn giá. Việc Bộ Công Thương đưa ra đề xuất này là nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, chống hiện tượng đầu cơ tăng giá nên Hapro hoàn toàn đồng ý. Hiện nay, Hapro đã dự trữ trên 1.000 tấn gạo với thị trường nội địa. Cùng với các hệ thống siêu thị khác, Hapro tự tin đáp ứng được nhu cầu của người dân, chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp dịch bệnh có thể kéo dài.
Trong giai đoạn sắp tới, chúng tôi tiếp tục làm việc với nhà cung cấp trên toàn quốc, nông dân tại nhiều địa phương ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long... đảm bảo dự trữ đủ gạo và một số hàng thiết yếu trên toàn hệ thống. Với chủ trương lưu giữ lượng dự trữ lưu thông 5% tại các siêu thị, Hapro hoàn toàn chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an ninh lương thực trong dịch Covid -19, đồng thời tạm dừng không ký hợp đồng XK. Tuy nhiên, từ thực tế thu mua gạo XK cho thấy, nguồn cung mặt hàng này được bổ sung sau 3 - 4 tháng nên an ninh lương thực vẫn sẽ được đảm bảo, vì thế nên cho phép DN tiếp tục XK.
Để hoạt động XK gạo phát triển bền vững, DN có những kiến nghị gì với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan trong việc hỗ trợ DN thực hiện hợp đồng XK? 
- Việc Thủ tướng cho phép XK gạo trong tháng 4 sẽ tạo cơ hội cho DN Việt Nam XK gạo với giá cao. Tuy nhiên, để hoạt động XK gạo phát triển bền vững, DN mong muốn Bộ Công Thương cần xây dựng kế hoạch XK lâu dài theo hướng tăng lượng lương thực dự trữ so với mọi năm.
Khi có kế hoạch XK dài hạn, DN sẽ căn cứ vào đó để xây dựng phương hướng phát triển trung và dài hạn, đàm phán với các đối tác truyền thống ký kết hợp đồng XK. Cùng với đó sẽ giúp ngân sách nhà nước tăng nguồn thu, đồng thời tạo cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam phục hồi sau dịch Covid-19, khẳng định vị thế của quốc gia đứng trong top đầu XK lúa, gạo.
Ngoài ra, Chính phủ nên chỉ đạo các ngân hàng có các chính sách giảm lãi hoặc cho DN vay vốn ưu đãi khi XK hàng hóa nói chung, XK gạo nói riêng. Ngành hải quan đẩy nhanh thời gian thông quan những lô hàng đang nằm tại cảng để giảm kinh phí lưu kho, có chi phí duy trì hoạt động kinh doanh.
Xin cảm ơn ông!

Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, hiện tổng hợp đồng khối DN xuất khẩu gạo đã ký kết với DN đối tác nhưng chưa giao hàng là 1,574 triệu tấn gạo, trong đó, phải giao từ nay đến 31/5 là 1,385 triệu tấn. Lượng gạo hiện có trong kho của 60/92 DN hội viên là 7,651 triệu tấn. Như vậy, chỉ tính riêng các DN hội viên của VFA, nếu tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo “không ký hợp đồng mới”, lượng gạo dư thừa vào thời điểm ngày 31/5 khoảng 200.000 tấn.


Ngày 6/4, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 2412/BCT-XNK báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị, lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 - 5 khoảng 800.000 tấn. Lượng được phép xuất khẩu này giảm 40% so với cùng kỳ 2019; giảm 35,7% so với cùng kỳ giai đoạn năm 2018 và giảm 21,7% so với cùng kỳ giai đoạn năm 2017.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần