Nguồn nhân lực đi lao động nước ngoài: Cần chính sách đúng và đủ mạnh

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 46, thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Hướng đến lao động trình độ cao hơn
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, liên quan đến giấy phép của DN hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Dự Luật đã bổ sung các điều kiện và quy định cụ thể về trường hợp nếu DN dịch vụ vi phạm hoặc không đáp ứng được sẽ phải nộp lại hoặc bị thu hồi giấy phép. Qua đó bảo vệ tốt hơn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
"Do đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài nên việc cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm mới là công cụ hiệu quả để bảo đảm thực thi pháp luật và hạn chế các vi phạm pháp luật" - Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh khẳng định.
Thảo luận về Dự Luật này, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, Dự Luật cần toát lên được kỳ vọng tạo ra được thị trường lao động cạnh tranh lành mạnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước và lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có kỹ năng.
Người lao động trả lời phỏng vấn đi làm việc tại nước ngoài. Ảnh: Công Hùng
“Ra nước ngoài, tôi thấy dân mình lao động rất khổ”- ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu thực tế. Đồng thời đề xuất, sau khi Luật này có hiệu lực, sẽ có những vấn đề cần quan tâm, trong đó có đào tạo, quản lý lao động.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu băn khoăn về chính sách của Nhà nước với người lao động theo hợp đồng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra tư duy mang tính chất chiến lược, rằng khi đất nước phát triển thì lực lượng lao động cũng phải nâng lên một tầm nào, không phải như cách đây 10 - 15 năm, thiếu việc làm, bôn ba đi tìm việc.
Cần có chính sách đúng và đủ mạnh để nguồn nhân lực đi lao động nước ngoài có trình độ cao hơn. Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình cũng đặt vấn đề, để có lực lượng đi lao động trình độ cao hơn thì chính sách thế nào cũng cần phải tính kỹ để thể hiện trong Dự Luật. Rồi vấn đề chính sách sử dụng những người sau khi lao động ở nước ngoài trở về cũng cần tính toán kỹ.
Lưu ý Dự Luật quy định rất rõ là đối tượng đi làm việc ở nước ngoài “theo hợp đồng” chứ không phải lao động tự do hay du học kết hợp làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Kể cả chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài cũng không phải thuộc đối tượng của luật này mà có thể theo nhiều hình thức khác như thực hiện hợp định giữa Việt Nam với các nước.
Rõ vai trò của trung tâm việc làm
Về vấn đề Dự Luật có đề cập đến các trung tâm dịch vụ việc làm, các ý kiến đặt vấn đề, trung tâm này là đơn vị quản lý Nhà nước hay đơn vị sự nghiệp? Hiện nay, vẫn còn tồn tại những trung tâm này nhưng chỉ đào tạo được ngành nghề phổ biến như may mặc, còn một số ngành kỹ thuật, chế tạo, cơ khí vẫn chưa đào tạo được nhiều. Do đó, nên quan tâm theo hướng để DN đấu thầu đào tạo, quản lý lao động, giúp Nhà nước làm tốt hơn về vấn đề này.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, đa số Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thống nhất tiếp thu theo hướng quy định đơn vị sự nghiệp đó là trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập, được thực hiện đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo dạng hợp đồng nhưng không phải mang tính cạnh tranh mà để thực hiện các thỏa thuận theo điều ước quốc tế đã cam kết.
Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, bản chất của trung tâm việc làm là đơn vị sự nghiệp, giúp UBND thực hiện quản lý, đưa người đi và theo dõi quá trình hoạt động. Kinh phí của trung tâm do UBND cấp và không thu kinh phí, tiền môi giới của người lao động.
Tuy nhiên, nếu giao cho DN, họ lại thu tiền của người lao động. Vì thế, nhiệm vụ này giao cho các trung tâm là mang tính đặt hàng, giao thêm việc nhưng không làm phát sinh bộ máy mới.