Nguồn nước sạch sông Đà đã đảm bảo để người dân sinh hoạt, ăn uống

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 22/10, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ tổ chức, Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Vũ Đăng Định đã thông tin về việc tổ chức khắc phục sự cố cung cấp nước sạch tại Nhà máy nước sạch sông Đà.

 Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Vũ Đăng Định thông tin tại hội nghị.
Ông Vũ Đăng Định cho biết, ngày 17/10, UBND TP Hà Nội đã tổ chức cuộc họp với tất cả các đơn vị có liên quan đến việc khắc phục hậu quả ô nhiễm nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà. Sau cuộc họp đã có văn bản số 4634/UBND-TKBT gửi các cơ quan thông tấn báo chí T.Ư và TP về việc triển khai các công việc khắc phục sự cố cung cấp nước sạch tại Nhà máy nước sạch sông Đà. 
Kết quả thực hiện đến ngày 21/10 về công tác khắc phục tại Nhà máy nước mặt sông Đà và hệ thống truyền dẫn của Nhà máy: Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà đã mời Trung tâm ứng phó sự cố Tràn dầu - Hóa chất để thực hiện xử lý dầu ngấm vào đất bằng việc bóc lóp đất thấm dầu, thu gom để xử lý, phun vi sinh xử lý dầu thấm; lắp đặt phao chuyên dụng ngăn dầu, hút dầu tại suối Bằng và kênh dẫn nước vào công trình thu, trạm bơm cấp I của Nhà máy nước mặt sông Đà. Đã tổ chức nạo vét toàn bộ đất, bùn nhiễm dầu thải tại khu vực mà các đối tượng đã đổ dầu thải và dòng chảy tại suối Bằng.
Ngoài ra, công tác súc xả hệ thống đường ống, bể chứa trung gian, bể chứa trạm bơm tăng áp: Ngày 15/10, Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà đã ngừng cấp nước để thực hiện việc súc xả toàn bộ hệ thống mạng lưới đường ống truyền dẫn nước sạch sông Đà, vệ sinh khu xử lý, thay nước bể chứa trung gian, bể chứa tại trạm bơm tăng áp Tây Mỗ hoàn thành ngày 16/10. Từ 20 giờ 30 ngày 16/10, khu vực Nhà máy nước mặt sông Đà đã đảm bảo an toàn, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà đã cho vận hành cấp lại nguồn nước vào hệ thống từ 20 giờ 30 ngày 16/10 để phục vụ cho Nhân dân vùng cấp nước dùng nước để súc xả bể nước và dùng cho sinh hoạt (chưa dùng để ăn).
Đối với công tác làm vệ sinh bể chứa tại các chung cư, hộ gia đình, súc xả đường ống của các công ty phân phối nước, ông Định cho biết, Công ty CP Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam, Công ty nước sạch Tây Hà Nội phối hợp các ban quản trị, các chủ đầu tư, người dân thực hiện thau rửa bể; hướng dẫn triển khai thực hiện thau rửa bể liên tục từ ngày 17/10. Đến nay, công tác súc xả đường ống, thau rửa bể ngầm, bể mái cơ bản hoàn thành. 
Về chất lượng nước, Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP lấy mẫu nước tại đầu nguồn, tại nhà máy, tại các bể chứa tăng áp, tại các vùng dân bị ảnh hưởng để tiến hành xét nghiệm nước hàng ngày. Với kết quả xét nghiệm mẫu nước từ ngày 16 - 21/10/2019, các chỉ tiêu đều đạt quy chuẩn QCVN 01:2019/BYT. Trong thời gian xét nghiệm chất lượng nước tại các hộ tiêu thụ, để đáp ứng nhu cầu của người dân dùng nước sạch để ăn uống, hiện nay Công ty nước sạch Hà Nội vẫn tiếp tục phối hợp với Công ty CP Viwaco điều tiết nguồn nước sạch từ Nhà máy nước mặt sông Đuống, các nhà máy nước ngầm do Công ty nước sạch Hà Nội quản lý cho khu vực khách hàng do Công ty Viwaco quản lý; cung cấp nước bằng xe téc miễn phí theo nhu cầu của người dân. Đồng thời cấp nước bằng các bình nhựa 20 lít cho các trường mầm non, tiểu học trong khu vực bị ảnh hưởng.
Đối với nhiệm vụ trong thời gian tới, Chánh văn phòng UBND TP cho biết, UBND TP giao Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP tiếp tục lấy mẫu nước để xét nghiệm tại đầu nguồn, tại nhà máy, tại các bể chứa tăng áp của nhà máy, tại các vùng dân bị ảnh hưởng đến hết tháng 10/2019; hàng ngày công bố công khai kết quả xét nghiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
UBND TP cũng yêu cầu Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà kiểm tra, rà soát hệ thống thiết bị giám sát, kiểm soát chất lượng nước trên toàn bộ hệ thống cấp nước đảm bảo yêu cầu cấp nước an toàn, phục vụ Nhân dân trong vùng cấp nước của công ty. Các thiết bị nào không đạt yêu cầu, cần có kế hoạch thay thế ngay. Nghiên cứu, bổ sung lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để thường xuyên đánh giá chất lượng nguồn nước đầu vào cũng như chất lượng nước đầu ra của nhà máy để kịp thời cảnh báo, khắc phục các sự cố trong tương lai, không để tái diễn như sự cố vừa qua. 
Ngoài ra, kiểm tra toàn bộ quy trình vận hành Nhà máy nước mặt sông Đà. Chú ý đến khu vực hồ chứa nước mặt và rà soát lại thiết kế toàn bộ Nhà máy. Chủ động kiểm tra lại toàn bộ quy trình, quy chế vận hành, chủ động bổ sung cho đủ, phù hợp với thực tế. Tập huấn cho cán bộ, công nhân vận hành nắm chắc, nhất là cần phải xây dựng cụ thể tình huống về các sự cố để chủ động xử lý, không để xảy ra các sự cố tương tự.
Bên cạnh đó, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục kiểm tra, giám sát quy trình xử lý nước của Nhà máy nước sông Đà, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. UBND TP Hà Nội đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình khoanh vùng bảo vệ nguồn nước sạch cung cấp cho Nhà máy nước sạch sông Đà, trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở đó chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm việc xả thải gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, khu vực bảo vệ nguồn nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đà.
Cũng theo Chánh văn phòng UBND TP, đến nay nguồn nước sạch sông Đà đã an toàn, đảm bảo các tiêu chí theo quy chuẩn QCVN 01:2019/BYT của Bộ Y tế để người dân sử dụng vào mục đích sinh hoạt, ăn uống. UBND TP đề nghị Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà tiếp tục cung cấp nước miễn phí đến hết ngày 31/10.
Để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, UBND TP đã chỉ đạo Công ty Nước sạch Hà Nội, Công ty CP Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam, Công ty nước sạch Tây Hà Nội… tiếp tục cấp nước miễn phí bằng xe téc và bình nước loại 20L nếu ai có nhu cầu. Đề nghị Nhân dân trong vùng cấp nước sông Đà khi phát hiện bất kỳ hiện tượng bất thường nào điện thoại ngay đến số điện thoại 0903461980 - đồng chí Hùng Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội. Đồng thời, tổ chức, cá nhân nào chưa súc xả, thau rửa bể thì tiếp tục thau rửa và đến hết ngày 31/10 sẽ chấm dứt toàn bộ công việc này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần