Nguy cơ bão chồng bão liên tiếp đổ bộ vào miền Trung

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi mưa lũ do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4 vẫn đang gây thiệt hại nặng nề tại các địa phương, thì áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông đang mạnh dần lên thành bão, nhiều khả năng đổ bộ vào miền Trung nước ta trong những ngày tới.

Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới
Miền Trung tiếp tục mưa lớn
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin, vào hồi 1h ngày 1/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 740km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 1h ngày 2/9, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 10.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 1h ngày 3/9, vị trí tâm bão ở ngay trên khu vực phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 10.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10km.
Về thời tiết trên đất liền, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết thêm, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Trung Bộ nên trong ngày và đêm nay (1/9), ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến 40 - 70mm/24 giờ). Riêng các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rất to (lượng mưa 70 - 150mm/24 giờ). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Khu vực Hà Nội ngày và đêm nay có mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra gió giật mạnh. Cảnh báo từ ngày 2-6/9, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 300 - 500mm/đợt).
Ghi nhận thực tế lượng mưa tính từ 7h ngày 31/8 đến 1h ngày 1/9 phổ biến 30 - 70mm. Một số nơi có lượng mưa lớn hơn như: Sơn Tây (Hà Nội) 121mm, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 145mm…
Nhiều địa phương tại Thanh Hóa ngập lụt nghiêm trọng do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4
Khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 4
Ngày 31/8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) có Thông báo số 422 gửi Ban Chỉ huy PCTT các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa về việc ứng phó áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, đề nghị các tỉnh, TP theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo và diễn biến của áp thấp nhiệt đới; thông báo, hướng dẫn cho tàu, thuyền trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; duy trì thông tin liên lạc để xử lý kịp thời các tình huống xấu.
Trong khi đó, theo báo cáo tổng hợp thiệt hại do bão số 4 gây ra mới nhất, tính đến chiều 31/8, bão số 4 đã làm 3 người chết (Hà Nội, Quảng Bình, Hòa Bình - mỗi địa phương 1 người); 4 người bị thương, phải điều trị tại bệnh viện.
Mưa lũ cũng khiến 1.132 nhà ở bị hư hại, tốc mái (Lào Cai 97 nhà, Yên Bái 652 nhà, Hòa Bình 26 nhà, Phú Thọ 115 nhà, Thanh Hóa 107, Nghệ An 73, Hà Tĩnh 41, Quảng Bình 20, Quảng Trị 1); 282 nhà bị ngập (Thanh Hóa). 6.267ha lúa bị đổ, giảm năng suất. 185ha hoa màu bị hư hại và 2.100 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, chủ yếu ở Thanh Hóa.
Cơn bão đã làm 2 tàu bị chìm (QB 98799 TS và BĐ 30538 TS), các thuyền viên được đưa vào bờ an toàn. 2 tàu bị hỏng máy (BĐ 94204 TS và QB 91124 TS) được lực lượng cứu hộ lai dắt về bờ. Tàu vận tải Thái Thụy 88 có 10 thuyền viên chở than, hỏng máy ở khu vực giữa Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, đến nay, 10 thuyền viên đã được cứu đưa vào bờ.
Tổng công ty Điện lực miền bắc (EVNNPC) vthông tin thêm, tính đến ngày 31/8, có tổng số 553.946 khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 4, trong đó tại Thanh Hóa là 85.445 khách hàng; Nghệ An: 242.781; Hà Tĩnh: 153.515; Hòa Bình: 2.800; Sơn La: 12.695.
Tổng số đường dây trung áp bị sự cố là 83, trong đó có 2 đường dây vẫn bị mất điện; 3 trạm biến áp bị hư hỏng, 12 cột gãy đổ, 17 cột bị nghiêng, 227 sứ bị hỏng. Đối với lưới điện hạ áp có 1.539 cột gãy đổ, 541 cột nghiêng, 17.541m đường dây dẫn hỏng; 136 hòm đồng hồ đo điện bị hỏng. Sự cố đường dây điện tại các tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa sẽ được khắc phục trong ngày 31/8. Các đơn vị của EVNNPC tiếp tục nỗ lực kiểm tra hiện trường để khôi phục lại lưới điện cho khách hàng trong thời gian sớm nhất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần