Nguy cơ bùng phát bệnh dại trên chó, mèo: Đến hẹn lại lo

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng năm, cứ vào mùa nắng nóng, số ca tử vong do mắc bệnh dại từ chó, mèo lại tăng cao. Mặc dù các ngành chức năng của TP đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bắt buộc các hộ phải tiêm phòng vật nuôi, tuy nhiên, nhiều người dân vẫn thiếu ý thức trong việc tiêm phòng và nhốt giữ chó, mèo, khiến nguy cơ bùng phát bệnh dại có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Nguy cơ ở mọi nơi
Thời gian qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về những vụ tai nạn thương tâm do chó dữ tấn công người. Mới đây, ngày 8/7, trên địa bàn xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà (Kon Tum) xảy ra vụ việc một gia đình có 5 người bị chó cảnh cắn. Vụ việc khiến 1 người tử vong, 4 người phải nhập viện. Nạn nhân là một thanh niên 29 tuổi.
Theo gia đình nạn nhân, sau khi bị chó cắn, nghĩ là chó nhà nên chủ quan không đến cơ sở y tế để tiêm phòng dại. Sau đó 3 tháng nạn nhân mới nhập viện trong tình trạng bệnh dại đã khởi phát với các triệu chứng như lên cơn kích động, sợ gió, sợ nước, co giật toàn thân...
 Mô hình bắt chó thả rông ở quận Thanh Xuân. Ảnh: Phương Nga
Bốn người còn lại hiện đã được tiêm huyết thanh, vaccine phòng bệnh dại và đang được điều trị, theo dõi bệnh. Trước đó, ngày 9/4, tại xã Chiềng Hặc (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), một bé trai 11 tuổi tử vong vì bệnh dại.
Theo đó, 3 tháng trước cháu bé sang nhà bác họ chơi thì bị chó cắn. Vì chủ quan nên gia đình không đưa đi khám, tiêm phòng. Đến khi cháu bé xuất hiện những triệu chứng của bệnh dại, gia đình đã đưa đi cấp cứu nhưng không thể qua khỏi.
Một vụ việc đau lòng khác là vụ một cháu bé 11 tuổi ở Tuyên Quang bị mèo nhà hàng xóm cào vào lưng. Bé không nói với người nhà và cũng không được đi tiêm phòng. Ba tháng sau khi mèo cào, bé thấy mệt mỏi, thường bị rùng mình, sợ nước, sợ ánh sáng, không ăn uống được... Gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang nhưng bé đã tử vong sau khi nhập viện một ngày.

Theo thống kê của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), trong năm 2018 cả nước có 103 trường hợp tử vong do bệnh dại (tăng 12% so với năm 2017). Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, cả nước đã có 36 người tử vong do bệnh dại. Cục Thú y nhận định, nguy cơ phát sinh bệnh dại còn nhiều do tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó rất thấp, chỉ đạt khoảng 40%, trong khi người dân chủ quan không tiêm phòng khi bị chó nhà cắn.

Mặc dù các ngành chức năng liên tục khuyến cáo về tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo nhưng trung bình mỗi năm Việt Nam vẫn có trên dưới 100 người tử vong vì bệnh dại. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: "Bệnh dại phát sinh theo mùa vụ, đặc biệt ở mùa Hè. Điều đáng nói là các ca tử vong về bệnh dại chủ yếu do chó, mèo của gia đình hoặc hàng xóm cắn. Chính vì tâm lý chủ quan nên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc”.
Tiêm phòng là giải pháp tối ưu
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, toàn TP hiện có khoảng 490.000 con chó, mèo. Tuy nhiên, việc quản lý chó nuôi hiện chưa được thực hiện đúng theo quy định. Cụ thể, việc lập sổ sách theo dõi chưa đảm bảo, còn để chó thả rông nhiều ở nơi công cộng, nhất là ở các khu vực nông thôn. Trong khi đó, việc tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó chưa được thực hiện triệt để, là nguy cơ rất lớn gây bùng phát bệnh dại.
Theo ông Đăng, để chủ động ngăn chặn bệnh dại, giải pháp tối ưu nhất hiện nay là người chăn nuôi cần chủ động tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó mèo để tạo miễn dịch. Đặc biệt, không thả rông vật nuôi, phải đeo rọ mõm mỗi khi cho vật nuôi ra đường.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt những quy định về quản lý chó nuôi, khai báo với chính quyền địa phương về việc nuôi chó. Đối với các cấp chính quyền địa phương, cần chỉ đạo hệ thống mạng lưới thú y cơ sở giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn chó, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Tổ chức thống kê tổng đàn chó mèo, theo dõi rà soát biến động đàn chó, mèo trên địa bàn.