Nguy cơ bùng phát dịch viêm da nổi cục trên trâu bò

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đang diễn biến hết sức phức tạp. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 631/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh.

Cán bộ thú y đang lấy mẫu bò nhiễm viêm da nổi cục tại huyện Phú Xuyên.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 10/5, cả nước đã có trên 1.660 ổ dịch VDNC xảy ra tại 1.622 xã, thuộc 204 huyện của 29 tỉnh, TP với tổng số gia súc mắc bệnh trên 44.700 con, số chết và tiêu hủy trên 5.100 con. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhận định, trong thời gian tới, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao do thời tiết đang diễn biến phức tạp, đặc biệt những ngày qua nắng nóng đã xuất hiện kèm theo các đợt giông, lốc mưa lớn tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, lây lan. Trong khi việc vận chuyển, lưu thông động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn lớn do nhu cầu tiêu dùng cao. Mặt khác, đàn trâu bò chủ yếu được chăn nuôi nhỏ lẻ, theo kiểu nông hộ và chưa được tiêm phòng vaccine VDNC đồng loạt.

Ông Sơn khuyến cáo, để chủ động ngăn chặn, không để bệnh VDNC phát sinh, người chăn nuôi cần phát hiện bệnh sớm, cùng cộng đồng, chính quyền đia phương áp dụng tốt các biện pháp phòng, chống bệnh. Cùng với đó, kết hợp phun phòng, khử trùng tiêu độc định kỳ toàn bộ khu vực chuồng nuôi. Trường hợp trâu, bò bị nhiễm bệnh, cần thực hiện ngay việc khoanh vùng, phun thuốc phòng kết hợp dùng thuốc bổ trợ, kháng viêm để nâng cao sức đề kháng.

Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất kinh doanh thuốc thú y Việt Nam Lê Văn Năm, bản chất của bệnh VDNC là ung thư da nên phác đồ điều trị rất quan trọng. Người chăn nuôi có thể áp dụng bài thuốc dân gian giúp giảm dần kích thước khối u. Cụ thể, cho trâu, bò ăn lá lốt với liều lượng 1kg chia 2 – 3 lần/ngày, dùng trong 2 – 3 tuần; tiếp đó tiêm Butamin-NT trong 3 – 5 ngày; cuối cùng khôi phục da bằng Embrio Stimulan và Super – Vitamine 1g/1lít.

Để công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh VDNC bảo đảm kịp thời, hiệu quả, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho người chăn nuôi, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, TP tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp; chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC trên địa bàn. Đối với các địa phương có dịch, cần lập chốt kiểm dịch, ngăn chặn việc vận chuyển lưu thông gia súc bệnh, hạn chế người qua lại khu vực đang có dịch; xử lý vi phạm chủ hộ, người kinh doanh gia súc không tuân thủ công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương. Tổ chức tiêu huỷ đối với các trường hợp gia súc bệnh nặng buộc phải tiêu huỷ theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần