Nguy cơ cháy, nổ khí gas và cách xử lý người dân cần biết

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khí gas là nguồn nhiên liệu phổ biến phục vụ đời sống con người. Hiện nay, nhu cầu sử dụng khí gas ngày càng cao trong đời sống đô thị.

Tuy nhiên, vấn đề sử dụng gas luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn, có thể dẫn đến sự cố cháy, nổ nghiêm trọng, gây thiệt hại về tài sản, thậm chí tính mạng của con người.
Hiện trường một vụ nổ khí gas ở Hà Nội.
Đại diện một cửa hàng chuyên kinh doanh về khí hóa lỏng tại quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: Trên thực tế, số vụ nổ gas ngày càng nhiều và tính nghiêm trọng càng ngày càng lớn, thế nhưng sự hiểu biết của người dân về gas, các phản ứng liên quan đến gas không nhanh nhẹn. Ở các bệnh viện, các y bác sĩ mỗi tháng cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bỏng do nổ gas, vùng bỏng rộng và thường bị ở mặt, tay.
Trước đó, một vụ nổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở Hà Nội đã từng xảy ra. Vụ nổ khí gas đã làm 2 cháu bé thiệt mạng. Trong vụ nổ đó, người mẹ rõ ràng đã gửi thấy mùi gas nhưng lại kiểm tra bằng cách bật bếp và hậu quả thì đã rõ, gas nổ với sức công phá kinh hoàng, làm sập hoàn toàn căn nhà 2 tầng...
Trong quá trình sử dụng gas, có thể xảy ra sự cố rò rỉ trên thân bình, ở các điểm nối gen van an toàn, rò rỉ trên van, cả đường ống dẫn, bếp… nhưng hay gặp nhất là dây dẫn gas bị rò rỉ. Để ngăn chặn nguy cơ này, người dân cần khóa van đầu bình gas sau khi đun nấu.
Vì có nhiều trường hợp không khóa van gas, sau một đêm ngủ dậy chuột cắn hở dây dẫn gas khiến một lượng gas thoát ra ngoài, nếu không nhận biết được, một tác động nhỏ có đánh điện (như bật công tắc điện, bật quạt, bật đèn pin, thậm chí chỉ có một cuộc điện thoại di động gọi tới khi đang đứng ở vùng có gas) đều có thể gây cháy nhanh và nổ. Nguy hiểm ở chỗ, sức công phá của nổ gas rất lớn. Có thể thấy các vụ chết người, sập nhà do nổ gas không còn là hiếm.
Về vấn đề sử dụng gas trong gia đình, Đại tá Nguyễn Trường Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 (Cảnh sát PCCC TP Hà Nội) phân tích: Những chiếc van tự động đang lắp trong bình gas của gia đình không phải là van an toàn mà đó chỉ là van điều tiết cho gas ra để sử dụng chứ không có tác dụng đóng tự động. Do đó, để an toàn cho mỗi gia đình cần khóa van khi không sử dụng và lắp đặt bộ cảm ứng mùi ở nơi gần bình gas. Van này sẽ có tác dụng báo tiếng kêu khi có mùi gas hở. Điều quan trọng nữa phải trang bị bình chữa cháy xách tay trong gia đình để phòng khi sự cố xảy ra kịp thời xử lý.
Cũng theo Đại tá Sơn, với những tình huống hở khí gas tại gia đình, biện pháp an toàn nhất là không được bật bất cứ hệ thống điện cong tắc nào trong ngôi nhà. Hãy khóa van gas cản thận và dùng tấm bìa cứng hoặc vật dụng tượng tự đẩy khí gas ra ngoài đồng thời di tản những người trong nhà ra khỏi ngôi nhà và thông báo cho Cảnh sát PCCC theo số 114.
Cảnh sát PCCC TP Hà Nội hướng dẫn người dân xử lý rò rỉ, cháy nổ từ khí gas.
Trường hợp, nếu bình gas đã xảy cháy thì bình tĩnh dùng bình bột xách tay phun thẳng vào đám lửa. Điều lưu ý, bình gas trong trường hợp hở bốc cháy thì không thể phát nổ được, do đó cần bĩnh tĩnh xử lý.
Cũng liên quan đến vấn đề sử dụng gas an toàn, đại diện Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đưa ra những khuyến cáo sau:
1. Bình/chai chứa gas đặt thẳng đứng, nơi thông thoáng, không đặt cạnh các nguồn khí nén khác và cách xa nguồn nhiệt 1m. Các mối nối giữa dây với van, bếp phải chặt và kín.
2. Không tự ý tháo dỡ các phụ kiện của bình/chai chứa gas, không dùng lực quá mạnh để đóng hoặc mở van bình/chai chứa gas.
3. Không để thiết bị sử dụng gas đè lên dây dẫn gas hoặc để dân dẫn gas gần nguồn nhiệt.
4. Luôn vệ sinh sạch sẽ bếp, dây dẫn gas, van bình nhằm loại bỏ điều kiện động vật gặm, cắn dây. Thường xuyên kiểm tra rò, rỉ bằng nước xà phòng, tuyệt đối không được dùng bật lửa, diêm soi dò chỗ hở.
5. Luôn khóa van cổ bình khi không sử dụng.
6. Biện pháp xử lý khi phát hiện rò, rỉ khí gas: Tuyệt đối không làm phát sinh tia lửa như: Bật/tắt công tắc điện, quạt điện, sử dụng điện thoại di động. Ngay lập tức khóa van cấp gas; Mở thông thoáng các cửa, dùng quạt thủ công để làm phát tán khí gas. Nếu thấy chỗ rò, rỉ thì dùng vải ướt quấn quanh chỗ rò, rỉ hoặc dùng xà phòng bánh để bịt lỗ rò, rỉ tạm thời; Nếu xảy ra sự cố khi đang sử dụng phải dùng chăn ướt phủ lên bếp hoặc bình cho tắt lửa hoặc dùng bình chữa cháy phun dập tắt đám cháy; Báo ngay cho nhà cung cấp đến xử lý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần