Nguy cơ chiến tranh thương mại sau lệnh trừng phạt của Mỹ lên Nga

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua lệnh trừng phạt với Nga hôm 3/8. Giới chức Nga tuyên bố, đây là một cuộc chiến thương mại toàn diện.

Quan hệ Nga - Mỹ tệ nhất trong lịch sử
Tuần trước, Thượng viện đã thông qua lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow với cáo buộc can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 và sáp nhập bán đảo Crimea. 
Tổng thống Trump trên thực tế luôn muốn cải thiện quan hệ với Moscow nhưng mong muốn này đã bị cản trở bởi các cáo buộc từ cơ quan tình báo Mỹ rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử hồi năm 2016. 
 Tổng thống Trump ký lệnh trừng phạt với Nga.
Để trả đũa các biện pháp trừng phạt, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao Mỹ tại nước này.
Vốn thực hiện nhiều thương vụ ở Nga khi còn là giám đốc điều hành của Tập đoàn Dầu khí Exxon Mobil, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng, lệnh trừng phạt không có lợi cho các nỗ lực ngoại giao với Moscow. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, quan hệ Moscow - Washington hiện đang ở mức thấp trong lịch sử kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và có thể xấu hơn nữa. “Hai cường quốc hạt nhân trên thế giới không nên có mối quan hệ xấu như vậy”, ông nhấn mạnh
Nguy cơ chiến tranh thương mại
Tuy nhiên, lệnh trừng phạt lần này của Mỹ vấp phải sự phản đối từ chính đồng minh phương Tây. Dự luật dài 184 trang tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga như mua bán vũ khí, xuất khẩu năng lượng và có ảnh hưởng ngay lập tức đến nhiều dự án chung của Nga và Liên minh châu Âu (EU), như dự án đường ống Nordstream II. Cuối tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế Đức Briggette Zypries ám chỉ khả năng một cuộc chiến thương mại giữa Anh và EU sẽ nổ ra, nếu việc này ảnh hưởng đến các công ty châu Âu.
Nhật báo Đức - Die Welt dự báo, phản ứng của Berlin với các lệnh trừng phạt Nga sẽ "rất khắc nghiệt" và giới chức Đức nên sẵn sàng cho "một cuộc chiến thương mại" nếu cần thiết. Die Welt cũng trích lời ông Michael Harms - Giám đốc Ủy ban về Quan hệ Kinh tế Đông Âu tại Đức cho rằng các biện pháp của Mỹ nhằm thúc đẩy lợi ích của riêng nước này về lĩnh vực năng lượng. "Các lệnh trừng phạt về dự án đường ống được đưa ra nhằm tăng xuất khẩu năng lượng từ Mỹ sang châu Âu, tạo việc làm tại Mỹ và củng cố chính sách ngoại giao của Mỹ", ông Harms chỉ trích.
EU cũng có các lệnh trừng phạt lên Nga từ năm 2014, quanh vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Dù vậy, Nga vẫn là đối tác thương mại lớn của khối này với tỷ lệ xuất khẩu của Đức sang Nga sẽ tăng khoảng 20% năm nay.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức - Sigmar Gabriel cuối tuần trước cũng chỉ trích quyết định này của Quốc hội Mỹ. Theo ông, các chính sách trừng phạt không phải là công cụ thích hợp để tăng lợi ích xuất khẩu và củng cố ngành năng lượng quốc gia và nếu các lệnh trừng phạt này được thực hiện, châu Âu chắc chắn sẽ đoàn kết có biện pháp đáp trả.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần