Nguy cơ dịch cúm gia cầm tràn vào Việt Nam: Người tiêu dùng thờ ơ

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê, đã có 80 người tử vong khi dịch cúm gia cầm H7N9 đang bùng phát tại Trung Quốc.

Cơ quan chức năng cũng đã có những khuyến cáo và biện pháp ngăn chặn việc lây lan dịch cúm tại Việt Nam. Tuy nhiên cả người mua, người bán dường như đều thờ ơ.

Không đáng phải lo?

Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như Nam Đồng, Kim Liên, Cống Vị, Láng Hạ, Thành Công… việc giết mổ, mua bán gia cầm vẫn diễn ra bình thường. Chị Ngân kinh doanh gia cầm tại chợ Láng Hạ cho hay: Mỗi ngày, hai vợ chồng vận chuyển từ chợ Hà Vỹ 3 lồng gà (15con/lồng) mang lên chợ Láng Hạ bán. Khách được tự do lựa chọn sau đó được mổ tại chỗ nếu có yêu cầu.
 Kiểm tra mẫu thực phẩm gia cầm tại chợ Trung Văn. Ảnh  Công Hùng

Hầu hết các tiểu thương kinh doanh gia cầm tại chợ Thành Công khi được hỏi có nắm được thông tin dịch cúm gia cầm không đều có chung ý kiến: Bà con tiểu thương có nghe là đang có dịch cúm bên Trung Quốc, nhưng chưa có thông tin về dịch cúm ở Việt Nam nên vẫn nhiều người mua gia cầm và giết mổ bình thường. Qua khảo sát tại các chợ ngày 23/2, gà ta chưa giết mổ dao động từ 110.000 - 120.000 đồng/kg, gà ta đã giết mổ giá 130.000 - 140.000 đồng/kg, gà công nghiệp 50.000 - 60.000 đồng/kg, cánh và đùi gà 70.000 - 75.000 đồng/kg, lườn gà 45.000 - 50.000 đồng/kg… Thông tin từ Ban quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ cho thấy, trong những ngày gần đây, số lượng gia cầm vận chuyển về chợ không có biến động, bình quân từ 15 - 17 tấn/ngày.

Đề xuất cấm bán gia cầm sống tại chợ

Nhằm đảm bảo vệ sinh ATTP, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam lần 1 về chợ kinh doanh thực phẩm. Trong đó, có yêu cầu không bày bán gia súc, gia cầm sống chưa giết mổ; không giết mổ gia súc, gia cầm tại chợ. Đề xuất này đang gây tranh cãi, vì nó ảnh hưởng không nhỏ tới thói quen tiêu dùng và kinh doanh của các hộ kinh doanh.

Góp ý vào dự thảo, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, đây là ý tưởng hay qua đó đưa chợ truyền thống đáp ứng các tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh thực phẩm cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay 80 - 90% người tiêu dùng có thói quen dùng hàng tươi sống, không muốn dùng hàng đông lạnh. Bên cạnh đó, hiện chi phí giết mổ công nghiệp hơn 20% so với giết mổ ngoài chợ, khiến giá gà, vịt từ lò mổ thường đắt hơn gà, vịt bán tại các chợ. Cũng do chi phí cao khiến công suất giết mổ nhiều lò mổ công nghiệp tại Hà Nội chỉ đạt 10%. “Hơn nữa, việc cấm bán gia cầm sống, cấm giết mổ gia cầm tại chợ có thể khiến giá bán mặt hàng này tăng và khó kiểm soát hoàn toàn được chất lượng thực phẩm” - ông Vũ Vinh Phú phân tích.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Bộ Công Thương cần có chính sách đồng bộ cho các lò giết mổ, đồng bộ với chuỗi bảo quản, bán hàng… trước hết, làm thí điểm, rút kinh nghiệm rồi nhân rộng.

Trước những luông ý kiến khác nhau về dự thảo này, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương cho hay, hiện một số tỉnh, thành có ý kiến bắt buộc các hộ kinh doanh phải thực hiện, từ đó hình thành những khu giết mổ tập trung bảo đảm vệ sinh ATTP. Tuy nhiên, trước mắt tiêu chuẩn này chỉ có tính chất khuyến khích áp dụng chứ không phải quy chuẩn quốc gia. Nguyên nhân, theo bà Nga, là do cơ sở hạ tầng hệ thống chợ truyền thống nhiều nơi còn yếu kém, chưa thể áp dụng bắt buộc.

Theo cập nhật mới nhất của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đến ngày 23/2, dịch cúm gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp ở Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp nước này đã công bố thực hiện giám sát khẩn cấp cúm H7N9 trên toàn quốc. Thông tin từ tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) cho thấy, virus cúm gia cầm A/H7N9 có tiềm năng gây ra đại dịch. Hiện nay, ngoài Trung Quốc đã ghi nhận thêm 3 trường hợp người nhiễm virus cúm A/H7N9 tại Malaysia và Canada. (Thắng Văn)