Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ leo thang chiến tranh thương mại: Việt Nam cần thận trọng!

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau Trung Quốc, châu Âu và Mỹ tiến gần đến cuộc chiến tranh thương mại. Là những nền kinh tế lớn, đòn trừng phạt và trả đũa qua lại của các cường quốc có thể gây ra hàng loạt tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

 Nhiều nước châu Âu đã áp thuế đối với các mặt hàng sản xuất công nghiệp của Mỹ. (Trong ảnh: Sản xuất động cơ xe hơi tại nhà máy của Ceneral Motors). Ảnh: AFP
Viễn cảnh u ám
Sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế nhập khẩu 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm, Trung Quốc đáp trả bằng việc áp thuế nhiều mặt hàng nông nghiệp Mỹ. Từ 1/6, Mỹ cũng áp dụng mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico. Ngay lập tức, các thành viên EU tuyên bố áp mức thuế 25% với các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ.

Nhiều quốc gia khác cũng bày tỏ ý định sẽ "trả đũa" hành động tăng thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Với Canada, nhà cung cấp thép lớn nhất cho Washington, sẽ áp mức thuế trị giá 12,8 tỷ USD lên hàng nhập khẩu Mỹ. Trong khi đó, Mexico thông báo đánh thuế nhắm vào các nông sản và sản phẩm công nghiệp Mỹ, cho đến khi nào Chính phủ Mỹ xóa bỏ thuế nhôm, thép. Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này từ ngày 21/6 bắt đầu áp thuế đối với hàng nhập khẩu trị giá gần 2 tỷ USD từ Mỹ…

Tại Diễn đàn G20 năm nay, các đại biểu tham dự một lần nữa thể hiện quyết tâm thúc đẩy hệ thống thương mại tự do toàn cầu nhằm đối phó với những mối đe dọa của chiều hướng bảo hộ. Cả WB, ADB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổng Giám đốc WTO… đều cảnh báo, xung đột thương mại lan rộng sẽ tạo một cú sốc tiêu cực đối với tăng trưởng GDP của thế giới, tương đương giảm 1 - 3% trong vài năm tới. Cụ thể, các hoạt động vận chuyển hàng hóa chậm lại. Thêm vào đó, làn sóng mới về chủ nghĩa bảo hộ sẽ khiến thế giới khó ứng phó trước những nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong tương lai, xét từ khía cạnh thuế nhập khẩu tăng làm giảm sức chi tiêu của người tiêu dùng. Nhiều nền kinh tế khác ở châu Á lo ngại tác động từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do phụ thuộc bán nhiều sản phẩm hàng hóa và nguyên liệu cho các thị trường lớn…
 Công nhân lắp rắp ô tô xuất khẩu tại một nhà máy của Trung Quốc. Ảnh: AFP

Hành động của Việt Nam

Theo nhận định của các chuyên gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), do Việt Nam có độ mở kinh tế cao, phụ thuộc vào xuất khẩu, tăng trưởng lệ thuộc vào các DN FDI… nếu có sự gián đoạn về thương mại quốc tế, sẽ ảnh hưởng lớn đến triển vọng kinh tế Việt Nam. Năm 2018 dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc khoảng 100 tỷ USD, với Mỹ khoảng 50 tỷ USD. Trong khi quan hệ với EU - khối thương mại lớn nhất thế giới của Việt Nam luôn xuất siêu. “Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng đáng kể về mặt thương mại” - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick nhận định.

Ông Đinh Tuấn Minh, chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu MarketIntello lưu ý thêm câu chuyện thặng dư thương mại lớn giữa Việt Nam – Mỹ: "Những gì Mỹ nhắm vào Trung Quốc đến thời điểm nào đó cũng có thể quay sang Việt Nam. Ông Donald Trump rất chú ý các vấn đề về bản quyền, bảo hộ trí tuệ... những cái đó Việt Nam còn yếu nên bất cứ lúc nào cũng có khả năng bị sờ gáy".

Một vấn đề quan trọng khác mà các chuyên gia khuyến nghị cần cẩn trọng trong tăng trưởng tín dụng, bởi tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam sau nhiều năm trước tăng trưởng quá cao, đồng thời phải cẩn trọng trong điều hành tỷ giá, rà soát đầu tư cả trực tiếp lẫn gián tiếp (FII). Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, trong bối cảnh căng thẳng thương mại như hiện nay, con đường tích cực nhất là tăng cường hợp tác nhiều hơn và tìm thêm các thị trường mới để bù đắp những thiệt hại. “Điều cần quan tâm đặc biệt ở tầm vĩ mô là phải tiếp tục đảm bảo ổn định vĩ mô và môi trường kinh doanh, chủ động, tìm kiếm đối sách hợp lý, hóa giải thách thức, tìm kiếm được cơ hội” - bà Lan bày tỏ.
Căng thẳng thương mại dâng cao khắp nơi trên thế giới đã châm ngòi cho làn sóng bán tháo ở nhiều thị trường tài chính trên toàn cầu. Nhìn lại trong hơn bốn thập kỷ qua, cái “dớp” khủng hoảng và chu kỳ trục trặc 10 năm đã luôn xảy ra (trong các năm có đuôi số 9: 1979, 1989, 1999, 2009). Tránh những bất ổn vĩ mô có thể xảy ra trong vòng hai năm tới nên là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Cần hết sức thận trọng để có những chính sách kiềm chế sự hưng phấn quá mức của các thị trường tài sản.

Giảng viên Trường chính sách công và Quản lý Fulbright Huỳnh Thế Du
Cần theo dõi sát tình hình, đánh giá chi tiết tác động cụ thể, cả về tổng thể và theo từng lĩnh vực, để có biện pháp ứng phó. Tất cả DN xuất khẩu đều phải theo dõi các diễn biến của thị trường, những biện pháp trả đũa của các nước liên quan để ứng phó kịp thời. Ứng phó ở đây là cả về thách thức lẫn cơ hội. Đặc biệt khai thác tối đa các hiệp định thương mại với các nước mà Việt Nam đã ký kết. 

Ông Bùi Ngọc Sơn - Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới