Nguy cơ mất an toàn thực phẩm ở làng nghề

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phương thức sản xuất thủ công truyền thống cộng với cơ sở nhỏ lẻ, xen lẫn trong khu dân cư là những yếu tố khiến các làng nghề chế biến, kinh doanh thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP).

 Người dân làng Thạch Xá, Thạch Thất tận dụng đường làng làm nơi sản xuất chè lam. 
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP hiện có trên 200 làng nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, chủ yếu vẫn hoạt động theo phương thức thủ công, truyền thống, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý ATTP.
Đơn cử tại cơ sở miến dong Thảo Chính, làng So, xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, mặc dù là cơ sở sản xuất có truyền thống lâu đời và bảo đảm tốt yêu cầu về ATTP nhưng tại thời điểm đoàn liên ngành ATTP của TP kiểm tra vẫn còn nhiều tồn tại, thiếu sót, trong đó giấy kiểm nghiệm nước đã hết hạn, cơ sở cũng không xuất trình được hồ sơ truy xuất nguồn gốc của nguyên liệu. Bên cạnh đó, cách sắp xếp cơ sở không được khoa học, khu vực sơ chế và sản xuất không có vách ngăn, gần nhà vệ sinh…

Hay tại làng nghề bánh tẻ Phú Nhi, điều kiện sản xuất của nhiều hộ dân hết sức sơ sài, chưa bảo đảm một số tiêu chí về ATTP. Cụ thể như kho chứa chưa được sắp xếp, thiếu bảo hộ lao động, chưa có giấy xét nghiệm chất lượng nguồn nước… Đặc biệt, nhiều cơ sở thiếu hồ sơ ghi chép nguồn gốc nguyên liệu hàng ngày (gạo, mộc nhĩ…).

Theo Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh, trên địa bàn có khoảng 45 cơ sở sản xuất, tập trung tại 3 tổ dân phố Phú Nhi 1, Phú Nhi 2, Phú Nhi 3. Sản phẩm bánh tẻ Phú Nhi đã có đăng ký “Nhãn hiệu tập thể”. Tuy nhiên, hiện số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh bảo đảm ATTP mới chỉ có 2/45 cơ sở.

Thời gian qua, TP đã chú trọng ban hành và phổ biến các quy định về bảo đảm ATTP; khuyến khích áp dụng các phương pháp quản lý ATTP; xây dựng và phát triển các mô hình điểm làng nghề sản xuất thực phẩm truyền thống tiên tiến; thường xuyên kiểm tra, xử phạt nghiêm các vi phạm về ATTP, đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm uy tín. Tuy nhiên, do đặc thù sản xuất thủ công, cơ sở nhỏ lẻ, trình độ của người sản xuất hạn chế nên vấn đề ATTP chưa được tuân thủ đúng quy định. Bên cạnh đó, việc thiếu cán bộ chuyên môn, không có thiết bị kiểm tra, thiếu kinh phí… là những khó khăn mà cấp cơ sở đang gặp phải trong công tác quản lý về ATTP, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý Nhà nước về ATTP.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và Thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang, trong thời gian tới các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, gắn với hậu kiểm tra. Đặc biệt là tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm dù là nhỏ nhất, bởi chỉ có như vậy mới tạo nên sức răn đe, chế tài đủ mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất và người tiêu dùng.