Nguy cơ từ ngộ độc rượu

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân nhập viện do ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) có chiều hướng gia tăng. Bộ Y tế đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp loại "rượu nếp" gây chết người, giảm thị lực và di chứng thần kinh. Các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng nên hãy nói không với các sản phẩm rượu trôi nổi trên thị trường.

 Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên- Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Ảnh: Trần Thảo
Ngộ độc vì mua phải rượu giả

Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong tháng 10 và đầu tháng 11/2020, Trung tâm Chống độc của Bệnh viện đã tiếp nhận 2 vụ ngộ độc rượu với ít nhất 7 người bị ngộ độc (ở tỉnh Bắc Giang), trong đó 1 người tử vong, 1 người bị tổn thương mắt và não. Tất cả các trường hợp này được xác định đều có liên quan tới sản phẩm rượu mang tên “rượu nếp”, “hầm rượu Việt” của cơ sở sản xuất rượu Đất Lúa, có địa chỉ ghi trên nhãn mác ở phố Trương Xá, xã Toàn Thắng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

Gần đây nhất là sáng 3/11, Trung tâm Chống độc tiếp nhận một bệnh nhân nam (32 tuổi) được chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp từ tuyến dưới chuyển lên. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, huyết áp tụt. Xét nghiệm cho thấy, nồng độ methanol trong máu rất cao 141mg/dL, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Kết quả chụp CT cho thấy, bệnh nhân có tổn thương não lan tỏa rất nặng. Mặc dù, bệnh nhân đã được giải độc cấp cứu và hồi sức tích cực nhưng không hồi phục và gia đình đã xin về, sau đó bệnh nhân tử vong tại nhà.

Theo lời kể của gia đình, 3 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân có mua rượu từ một quán tạp hóa về uống cùng 3 người khác trong phòng trọ. Sau uống 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện đau đầu, nhìn mờ, chậm chạp dần và rơi vào hôn mê, được đưa vào tuyến tỉnh điều trị, rồi chuyển lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. 3 người cùng uống cũng nhập viện, được chẩn đoán ngộ độc methanol, may mắn đã hồi phục tốt.

Xét nghiệm trong rượu bệnh nhân đã uống do gia đình mang đến cho thấy nồng độ cồn công nghiệp methanol là 20,21%, trong khi đó nồng độ rượu thông thường ethanol chỉ có 11,42%. Loại rượu 4 bệnh nhân đã uống được y tế địa phương thông tin lại là rượu đóng can nhựa 30 lít. Đáng chú ý loại rượu này có hình thức giống hệt với loại rượu đã gây ra vụ 3 người bị ngộ độc cồn công nghiệp methanol nhập viện vào ngày 12 - 14/10 vừa qua đang được các cơ quan chức năng kiểm tra. Đó là 3 bệnh nhân (ở tỉnh Bắc Ninh) bị ngộ độc methanol sau khi uống rượu ở cùng một đám giỗ người thân. Theo Trung tâm chống độc, đây là trường hợp ngộ độc cồn công nghiệp methanol do uống phải loại rượu giả, loại rượu có nồng độ methanol rất cao gây ngộ độc.

Cách nhận biết ngộ độc methanol

Trước sự việc nêu trên, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai lo ngại, rượu uống nếu được nấu theo đúng cách truyền thống từ ngũ cốc thì không có chuyện chứa lượng methanol gây ngộ độc. Việc nhập khẩu cồn công nghiệp methanol cho các mục đích khác nhau không phải để uống, phần lớn sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp và pha với xăng tạo ra xăng E5. Điều này cho thấy, lượng cồn công nghiệp methanol đã được “tuồn” ra thị trường để pha thành rượu giả gây ngộ độc cho người sử dụng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, ở Việt Nam, ngộ độc methanol có biểu hiện chậm và âm thầm nên phần lớn bệnh nhân đến viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt. Thậm chí, dù được cứu chữa tích cực nhưng tỷ lệ tử vong cũng lên đến 30 - 50%. Nếu bệnh nhân không tử vong cũng dễ bị di chứng mù mắt. “Nếu bệnh nhân có những biểu hiện bất thường sau khi uống rượu như: Bất tỉnh, co giật, không thể ngồi dậy, da lạnh toát tím tái, thở khò khè… cần phải lập tức sơ cứu tại chỗ và gọi xe cấp cứu để đưa đến cơ sở y tế gần nhất”- Giám đốc Trung tâm Chống độc lưu ý.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, khi nạn nhân có những biểu hiện nguy hiểm của ngộ độc rượu, người thân phải nhanh chóng cho nạn nhân nằm trên gối và nghiêng sang một bên để tránh tình trạng nôn và hít vào phổi gây viêm phổi. Người thân tuyệt đối không để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày hoặc đêm. Nếu bệnh nhân tỉnh nên cho ăn cháo loãng, tránh hạ đường huyết và cho uống nhiều nước bù điện giải để không bị mất nước. Các loại nước có tác dụng giải rượu nhẹ như: Nước gừng tươi, nước cà chua, nước canh, nước hoa quả… “Nếu lay, gọi người bệnh không tỉnh, ứ đọng đờm nhiều, thở sâu, thở nhanh thậm chí co giật... hoặc có tỉnh dậy nhưng đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, chân tay lạnh, da xanh tái... cần giữ bệnh nhân ở tư thế cao đầu, nằm nghiêng an toàn và nhanh chóng gọi xe cấp cứu chuyển bệnh nhân tới các cơ sở y tế hoặc bệnh viện”- bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.
Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã phát đi cảnh báo khẩn cấp loại "rượu nếp" gây chết người, giảm thị lực và di chứng thần kinh. Cục ATTP đề nghị người tiêu dùng tạm thời không mua và không sử dụng sản phẩm nêu trên cho đến khi có kết luận cuối cùng của Bộ Công Thương. Đối với người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và theo dõi kịp thời. Hiện, Cục ATTP đã chuyển toàn bộ thông tin cho Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương để điều tra, truy xuất nguồn gốc, xử lý sản phẩm và áp dụng các biện pháp khắc phục sự cố về ATTP theo quy định của Luật ATTP.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu, Cục ATTP khuyến cáo, người dân không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol lớn hơn 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong. Ngoài ra, người dân cũng không nên uống rượu có nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Thậm chí, không nên uống rượu ngâm với lá, rễ cây, tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần