Nguy cơ vỡ “hụi” tại Liên Châu, Thanh Oai: Chỉ còn biết trông chờ vào chính quyền

Bài, ảnh: Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tằn tiện, chắt bóp từng đồng từ luống rau, lứa lợn… những người nông dân hiền lành, chất phác rủ nhau “đi phường”. Để rồi đùng một cái nhận được thông tin: Chủ “phường” mất khả năng chi trả.

Bỗng dưng nổi tiếng

Tìm về thôn Châu Mai chiều 19/12, ngay từ đầu xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, đã được người dân tận tình chỉ đường bằng câu hỏi “thôn vỡ nợ vì đi phường hả?”.

Dễ đến 10 năm, người thôn Châu Mai thường tích cóp để có khoản tiền lớn bằng cách “đi phường”. Qua tìm hiểu người dân tại đây được biết, quy ước “dây phường” thường 20 người tham gia. Nếu đóng 10 triệu đồng vào “dây phường”, người lấy đầu được lĩnh 200 triệu đồng (10 triệu đồng x 20 người). Từ tháng kế tiếp, người đã lĩnh tiền phải nộp 12 triệu đồng vào "dây phường" với lý do được lấy sớm phải trả lãi (thêm 2 triệu đồng) cho người lĩnh sau. Tuần tự như vậy, những tháng kế tiếp, người lĩnh sau sẽ lần lượt được lĩnh 202 triệu đồng; 204 triệu đồng… Vào tháng thứ 20, người cuối của “dây phường” sẽ được lĩnh 238 triệu đồng. Hàng chục, hàng trăm “dây phường” đã hình thành tại thôn Châu Mai, số tiền người dân huy động lên đến hàng chục tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Chia thông tin việc góp tiền.

Chị Quách Thị Phượng (SN 1981, trú cùng thôn) được cử đứng làm chủ các “dây phường”. Chị Phượng chỉ mở một hàng tạp hoá nhỏ, buôn bán lặt vặt tại nhà, nhưng người dân trong thôn Châu Mai hoàn toàn tin tưởng giao tiền, bởi 10 năm nay chị Phượng rất uy tín, sòng phẳng phân chia tiền các “dây phường”. Nhưng hơn một tháng qua, chị Phượng khất lần trả tiền tháng, rồi đột ngột tuyên bố mất khả năng chi trả, khiến hàng trăm người trong thôn bàng hoàng. Người dân trong thôn cho biết, mấy ngày trước đó, người ta thi nhau kéo đến nhà chị Phượng đòi tiền. Không có tiền trả, thì gán nợ bằng đồ đạc trong nhà. “Nhưng chị Phượng không cho trừ nợ mà tuyên bố để bán. Số tiền có được sẽ trả mỗi người một ít” – một người dân trong thôn chia sẻ.

Lạ là có những hộ gia đình trong thôn có nguy cơ mất số tiền lớn, nhưng khi hỏi, lại chối đây đẩy chuyện “đi phường”, còn cho rằng người trong thôn "đặt điều". Theo tìm hiểu của phóng viên, số tiền người dân gửi chị Phượng chưa đòi được lớn gấp nhiều lần so với thông tin đã trình báo. Một phần với tính chất họ hàng làng xã, phần khác là những người không “đi phường” thoả thuận cho chị Phượng vay nợ lấy lãi. Khá nhiều gia đình sẽ phải đối mặt với nguy cơ ngân hàng siết nợ do đặt nhà lấy tiền cho chị Phượng vay nợ, hưởng lãi…

Cậy nhờ chính quyền

Đây là gửi gắm của bà Nguyễn Thị Chia (70 tuổi, trú tại xóm 6, thôn Châu Mai). Bà Chia cho biết, gom góp tiền để chơi 2 “dây phường”. Một dây 20 người chơi, đóng 2 triệu đồng ăn 2,5 triệu đồng. Góp từ tháng 8/2016, đến tháng 9/2017 đến lượt lĩnh tiền, nhưng chị Phượng khất lần không trả. Đầu năm 2017, bà Chia chơi thêm một “dây phường” nữa với số tiền hàng tháng đóng 1 triệu đồng ăn 1,25 triệu đồng/tháng. Tổng góp 2 “dây phường” của bà vào khoảng 37 triệu đồng. Vậy nhưng giấy tờ làm căn cứ “đi phường” của bà chỉ là quyển sổ nhỏ với chữ viết tay ngoằn ngoèo ghi lại số tiền những tháng đã góp. Xót tiền, bà Chia mong muốn chính quyền địa phương yêu cầu chị Phượng trả lại phần tiền gốc đã góp.

Bà Chia khẳng định, chị Phượng không thể không trả lại tiền cho người dân, bởi trách nhiệm cầm tiền đã được bà con trả công xứng đáng: “Chúng tôi ai đến lượt lĩnh tiền đều chi hoa hồng cho chị Phượng tùy theo mức đóng, như dây phường tôi đóng 2 triệu đồng/tháng, ai đến lượt lĩnh cũng chi 500.000 đồng cho chị Phượng. Nếu dây phường đóng 10 triệu đồng thì phải chia hoa hồng 2 triệu đồng". Chị Phượng lại còn được đặc quyền không phải đóng thêm lãi khi tham gia những “dây phường” to lớn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Liên Châu cho biết, chính quyền đã nắm sự việc và đã cử cán bộ phối hợp với công an xã đảm bảo an ninh trật tự, động viên người dân bình tĩnh chờ cơ quan công an thu thập tài liệu, điều tra, xử lý công minh. Đồng thời báo cáo và đã được Công an huyện Thanh Oai tiếp cận điều tra vụ việc. Hiện tại, tâm lý người dân tại xã Liên Châu đã ổn định. Dẫu vậy, rời thôn Châu Mai, vẫn không sao dứt được hình ảnh về cơn lốc “đi phường” của những nông dân hiền lành, suy nghĩ giản đơn ấy...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần