Nguy hại ngộ độc hóa chất

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, dù đã được các bác sĩ cảnh báo nhưng nhiều vụ ngộ độc hóa chất vẫn thường xuyên xảy ra. Ngộ độc hóa chất hay chất ăn mòn sẽ gây mệt mỏi cả thể chất lẫn tinh thần cho bệnh nhân, nếu nặng thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Bác sĩ khuyến cáo cần có những cảnh báo rõ ràng về các hóa chất sử dụng trong gia đình, mức độ độc hại của chúng với sức khỏe để người dân hạn chế sử dụng và nếu sử dụng phải có phương tiện phòng hộ đầy đủ.
Ngộ độc chất tẩy rửa bồn cầu
Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại đây đang điều trị cho 1 bệnh nhân (nữ, 22 tuổi, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) bị ngộ độc chất ăn mòn do uống một nửa chai nước tẩy rửa bồn cầu Okay của Thái Lan.
Trước đó, ngày 10/6, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc trong tình trạng nôn nhiều, mất nước, nhiễm toan chuyển hóa. Theo lời kể của người nhà, do mâu thuẫn gia đình, vào khoảng 18 giờ ngày 10/6, bệnh nhân đã uống một nửa chai nước tẩy rửa bồn cầu Okay của Thái Lan. Sau khi uống, bệnh nhân nôn nhiều, nôn ra dịch nâu đen lẫn dịch tiêu hóa, đau bụng vùng thượng vị và được gia đình đưa tới Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng. Tại đây, bệnh nhân được truyền dịch, sau đó chuyển tới Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Kết quả nội soi toàn bộ đường tiêu hóa của bệnh nhân cho thấy, niêm mạc thực quản bị phù nề xung huyết, có loét nông kèm theo giả mạc trắng, long tróc biểu mô thực quản. Ngoài ra, dạ dày bệnh nhân có nhiều dịch đen bẩn. Toàn bộ niêm mạc dạ dày viêm loét phù nề xung huyết mạnh. Niêm mạc hành tá tràng và tá tràng cũng viêm loét phù nề, xung huyết mạnh. Hiện, bệnh nhân đang được theo dõi sát sao, duy trì dinh dưỡng, kháng sinh...
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, sau 2 tuần nữa, bệnh nhân sẽ được nội soi lại toàn bộ đường tiêu hóa để có hướng điều trị tiếp theo. Trước đó, Trung tâm Chống độc cũng đã ghi nhận ít nhất 3 bệnh nhân tử vong do ngộ độc chất ăn mòn.
 Hình ảnh chai nước tẩy rửa bồn cầu Okay bệnh nhân đã sử dụng.
Được biết, trên thế giới, 80% số ca ngộ độc hóa chất ăn mòn xảy ra ở trẻ nhỏ. Đây thường là những vụ tai nạn với một lượng nhỏ và thường lành tính. Ở người lớn, ngộ độc hóa chất ăn mòn thường do tự tử với số lượng lớn và đe dọa đến tính mạng. Nguồn hóa chất ăn mòn bao gồm chất rắn và lỏng và chất tẩy rửa nhà vệ sinh. Bệnh nhân ngộ độc hóa chất ăn mòn thường bị bỏng, xuất huyết, thủng dạ dày, về lâu dài rất dễ bị hẹp thực quản, co rút, dày dính các bộ phận của đường tiêu hóa. Hiện đã có một vài ca do bỏng hóa chất gây hoại tử dạ dày, đại tràng và đã tử vong. Việc chữa trị cũng kéo dài và khó khăn, tỷ lệ tử vong cao.
Nguy cơ tử vong đến 99% do ngộ độc thuốc diệt chuột
Tương tự, trước đó, vào hồi đầu tháng 3, Trung tâm Chống độc cũng đã tiếp nhận 1 nam bệnh nhân 34 tuổi được chuyển đến từ tuyến trước trong tình trạng co giật nặng nề, bị ngộ độc loại thuốc diệt chuột đã bị cấm 20 năm trước. Ngay lập tức, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy, dùng thuốc an thần, dùng thuốc chống co giật, hồi sức. Sau 1 tuần được điều trị, bệnh nhân đã đỡ co giật, tỉnh, được rút ống thở.
Theo TS Nguyễn Trung Nguyên, chất độc bên trong gói thuốc diệt chuột cạnh bệnh nhân được gia đình thu lại và mang theo đến viện qua xét nghiệm tìm thấy chất Tetramine (tên đầy đủ Tetramethylenedisulfotetramine). Đây chính là loại hóa chất diệt chuột có nguồn gốc từ Trung Quốc rất phổ biển ở miền Bắc nước ta cách đây 20 năm trở về trước, đặc điểm loại hóa chất là ở thuốc diệt chuột dạng gói chứa bột trắng gây tình trạng co giật. Tetramine tác dụng hệ thần kinh, gây co giật toàn thân nặng nề kiểu trạng thái động kinh. Ngộ độc xuất hiện rất nhanh, thường ngay khi đang ăn uống phải chất này nạn nhân bị co giật và ngã xuống, nhanh chóng tử vong do suy hô hấp. Tình trạng co giật cũng rất nặng nề, liên tục, các bệnh nhân thường phải thở máy, dùng nhiều loại thuốc chống co giật liều rất cao cùng lúc và thuốc giãn cơ (làm liệt cơ để ngăn co giật). Kiểm tra điện não đồ của bệnh nhân sẽ thấy hình ảnh động kinh toàn thể. Độc tính trên thần kinh kéo dài, có bệnh nhân sau vài tuần ổn định bỏ thuốc điều trị đã co giật trở lại và tử vong.
Tetramine là hóa chất diệt chuột cực độc, đã bị cấm ở các nước, kể cả ở Trung Quốc. Ở Việt Nam, khoảng năm 2003 trở về trước, tetramine là nguyên nhân chính gây ngộ độc và tử vong. Ngoài loại thuốc diệt chuột trên, thời gian gần đây, Trung tâm Chống độc cũng ghi nhận các mẫu thuốc diệt chuột đã bị cấm cách đây 20 năm cũng xuất hiện trở lại. Đáng chú ý, gói hóa chất diệt chuột loại tetramin trước đây đóng gói to cỡ vài cm, nhưng do độc tính rất cao nên chỉ dính một chút bột vào thức ăn, nước uống đã có thể gây co giật và tử vong cho cả gia đình.
Bên cạnh đó, Trung tâm chống độc ghi nhận Trifluoroacetate/trifluoroacetamide (hóa chất diệt chuột Trung Quốc ở dạng ống nước màu hồng, màu nâu, ống nước không màu và hạt gạo hồng, cũng đã bị cấm cách đây hơn 20 năm), vài năm gần đây xuất hiện trở lại. Loại hóa chất này gây rung thất (mức độ loạn nhịp tim chết người), viêm cơ tim, suy tim cấp tính, tổn thương não, co giật,… và rất dễ tử vong. Việc mua bán hóa chất diệt chuột này cũng rất dễ dàng và phổ hiến hiện nay. Trung tâm chống độc đề nghị các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm việc nhập lậu và kinh doanh các hóa chất diệt chuột nêu trên. Người dân tuyệt đối không sử dụng các hóa chất này vì bất cứ mục đích gì.
“Qua trường hợp này, mỗi gia đình cần có những cảnh báo rõ ràng về các hóa chất sử dụng trong nhà, mức độ độc hại của chúng với sức khỏe để người dân hạn chế sử dụng và nếu sử dụng phải có phương tiện phòng hộ đầy đủ. Các sản phẩm nhập khẩu cần có thông tin đầy đủ về hướng dẫn sử dụng, mức độ an toàn và các khuyến cáo khi sử dụng. Các hóa chất này cũng cần để xa tầm với của trẻ em và người già” - TS Nguyễn Trung Nguyên lưu ý.
Để tránh các trường hợp ngộ độc thuốc diệt chuột đáng tiếc xảy ra, các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên mua, sử dụng thuốc diệt chuột đúng mục đích, bảo quản kỹ lưỡng ở nơi kín đáo, an toàn, xa tầm tay trẻ nhỏ. Đặc biệt, không dùng các chai đựng nước, chai bia, nước ngọt để đựng thuốc diệt chuột vì rất dễ nhầm đem ra uống.
Người trẻ cần sinh hoạt điều độ, lựa chọn lối sống tích cực, cân bằng giữa học tập, lao động và vui chơi giải trí, tránh tâm lý căng thẳng, stress dẫn đến hành vi tự tử…
Khi phát hiện người uống thuốc diệt chuột, người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ có thể dùng các biện pháp thải độc như rửa dạ dày, dùng than hoạt tính để đào thải bớt thuốc ra ngoài. Ảnh hưởng của thuốc diệt chuột đối với cơ thể người có thể lâu dài, nếu người bệnh xuất viện có các triệu chứng như chảy máu chân răng, chảy máu dưới da, đi ngoài ra máu… cần vào viện ngay để thăm khám, điều trị.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần