Nguy hại từ nước rửa chén tự chế

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được các chuyên gia cảnh báo là độc hại khôn lường, với người sử dụng, nhưng các loại nước rửa chén tự chế vẫn được bày bán tràn lan tại Hà Nội.

Giá rẻ, đủ loại
Một người bán hàng tại chợ Đồng Xuân cho biết: "Nếu khách hàng mua nước rửa chén loại chai bình thường không dán nhãn thì giá chỉ 25.000 đồng/can 5 lít. Còn muốn dán thêm mác vào chai, giá là 30.000 đồng/can 5 lít". Mặc dù vậy, theo quan sát, những loại nhãn mác mà người bán dán vào chai theo yêu cầu của khách hàng thường chỉ là nhãn họ tự in qua loa mà không có bất kỳ thông tin về thành phần cũng như hạn sử dụng để người tiêu dùng nắm bắt.
 Nước rửa chén bày bán tràn lan trên đường Nam Dư, quận Hoàng Mai.      Ảnh: Thảo Nguyên
Trên thị trường hiện nay, có khá nhiều các thương hiệu nước rửa chén bị làm nhái theo hình thức chỉ thay đổi 1 từ trong tên của sản phẩm để ghi trên vỏ chai.  Ví dụ nước rửa bát Sunlight của Công ty Lever Việt Nam có một số nhãn hiệu nhái như Skylight... được bán trên thị trường với giá rẻ hơn rất nhiều. Vì hàng nhái chỉ khác rất ít so với hàng thật nên người tiêu dùng cần xem xét kỹ vỏ chai để không bị đánh lừa, mua nhầm hàng nhái.
Đe dọa sức khỏe người dùng
Một số người nội trợ cũng như nhiều hàng quán, đặc biệt các chủ quán ăn bình dân, vỉa hè… thường hay tìm đến loại nước rửa chén trôi nổi này với suy nghĩ đơn giản: Tiết kiệm được một phần chi phí. Tuy nhiên, họ lại gián tiếp gây ra mối đe dọa với sức khỏe của họ và của người tiêu dùng. Không chỉ dùng để rửa bát, những loại nước rửa tự chế này cũng được nhiều cửa hàng rửa xe “ưa chuộng” vì tạo bọt và giá thành rẻ. Chủ một cơ sở chuyên sửa chữa, rửa xe ở Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, đa số các cửa hàng rửa xe hiện nay đều dùng nước rửa chén bát để làm sạch xe. Những chất này có độ xút cao, nhanh sạch nhưng có thể gây tổn hại cho độ bóng của sơn xe.
Chứng kiến việc sử dụng nước rửa chén không rõ nguồn gốc của chủ một cửa hàng cơm trên phố Hoàng Văn Thái, chúng tôi mới thấy nguy cơ nhiễm hóa chất độc hại qua đường ăn uống không phải là quá xa. Bát đũa bẩn được thu gom lại để đống, nhân viên đổ nước rửa chén vào chậu nước, khoắng đều rồi cho bát đĩa bẩn vào. Thật lạ là bát đũa sạch rất nhanh, không cần phải cọ rửa kỹ, tất cả những vết dầu mỡ cứng trên bề mặt đều trôi sạch. Nhân viên chỉ cần bỏ bát đĩa vào một chậu nước khác và tráng lại nước sạch là xong. Chỉ với hai công đoạn đơn giản, một đống bát đĩa bẩn đã trở nên sạch sẽ và "sẵn sàng" phục vụ thực khách trong quán.
Theo anh Hòa, nhân viên bán hóa chất ở phố Cát Linh (Hà Nội) cho biết: "Khách hàng đến đây tìm những loại hóa chất có tính tẩy rửa cực mạnh như: LAS, sút, Natri Sunphat, chất tẩy (Tripoly), Amol Clorua và các chất phụ như màu công nghiệp, hương liệu, chất tạo đặc Hec… để về pha chế. Kết quả cho ra là một thứ nước sền sệt, dùng để rửa bát, rửa xe hoặc lau sàn đều được.
Bác sĩ Trần Văn Ký - Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cảnh báo: Dùng nước rửa chén trôi nổi có thể chứa hóa chất độc hại, ảnh hưởng tới da tay bị ngứa, hay bị ăn mòn da. Nhiều người cho rằng dùng găng tay là có thể bảo vệ, nhưng thực tế là hóa chất ngoài tác động trực tiếp lên da, gây viêm da, dị ứng da, nổi mề đay, nó còn có thể thẩm thấu qua da tích tụ trong cơ thể. Đặc biệt, nếu rửa không tráng kỹ, dư lượng sót lại trên chén bát sẽ đi vào cơ thể người khi sử dụng, gây ra những tác hại lớn đến sức khỏe. 
Theo các chuyên gia, để sản xuất ra các loại nước rửa chén đảm bảo chất lượng và an toàn với người sử dụng thì phải có công thức và cách pha chế phù hợp. Những hóa chất dùng trong thực phẩm như axit acetic (chanh giấm) hay oxy già (chất tẩy vô cơ an toàn và không độc hại) nồng độ thấp được cho là nguyên liệu sản xuất nước rửa chén an toàn nhất. Tuy nhiên, hóa chất dùng trong thực phẩm giá cao nên nhiều người lựa chọn hóa chất dùng trong công nghiệp hoặc hóa chất trôi nổi ngoài chợ để chế biến nước rửa chén.