Nguy hiểm bệnh võng mạc đái tháo đường

Bác sĩ Đặng Xuân Nguyên - Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh Đái tháo đường (ĐTĐ) - bệnh khá phổ biến hiện nay, có thể gây ra nhiều tổn thương ở các cơ quan khác nhau như tim mạch, não, thận, mắt, thần kinh ngoại biên…

Có thể dẫn đến mù lòa
Ở mắt, ĐTĐ gián tiếp hoặc trực tiếp gây nên nhiều biến chứng rất nặng nề như bệnh võng mạc ĐTĐ, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mắt khác như tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc, glôcôm, đục thể thủy tinh... Bệnh võng mạc ĐTĐ xảy ra là do tắc các vi mạch nhỏ và thoái hóa mô do kém nuôi dưỡng, dẫn đến phù tổ chức, tăng sinh mạch máu bất thường và xuất huyết vào trong mắt.
Võng mạc ĐTĐ là nguyên nhân chính gây ra mù lòa ở các nước phát triển. Bệnh xảy ra trong 90% các trường hợp ĐTĐ tiến triển sau 10 - 15 năm, bất kể ĐTĐ phụ thuộc Insulin hay không. ĐTĐ gây ra những tổn thương ở mao mạch võng mạc, dẫn đến những tổn thương phù và thiếu máu võng mạc. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, những tổn thương ở đáy mắt sẽ rất nặng nề như phù hoàng điểm, xuất huyết võng mạc, xuất huyết dịch kính, bong võng mạc…dẫn đến mù lòa.
 Khám mắt cho bệnh nhân tại BV Mắt Hà Nội.
Bệnh võng mạc ĐTĐ chia thành các giai đoạn khác nhau: Giai đoạn chưa tăng sinh và giai đoạn tăng sinh. Mức độ biểu hiện chủ quan thường không hoàn toàn tương xứng với tổn thương của bệnh tại võng mạc. Hầu hết các trường hợp khi chưa có biến chứng nặng như phù võng mạc, xuất huyết võng mạc dịch kính thì thị lực suy giảm không nhiều, bệnh nhân thường không chú ý đến. Tuy nhiên, ngay cả ở những giai đoạn này, các tổn thương ở võng mạc đã rất nhiều và khi đã xuất hiện biến chứng thì thường rất nặng, đòi hỏi các phương pháp điều trị phức tạp, để lại di chứng và hậu quả nặng nề cho mắt, làm suy giảm chức năng thị giác trầm trọng. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, sẽ tránh được những hậu quả trầm trọng do bệnh gây ra.
Triệu chứng của bệnh bao gồm: Nhìn mờ, mờ đều như sương hoặc nhìn thấy mờ từng đám như có đám mây che trước mắt, nếu xuất huyết dịch kính nặng có thể chỉ còn thấy bóng mờ hoặc cảm giác sáng tối; Nhìn hình bị méo, đường thẳng bị cong đi, biến dạng hình ảnh hoặc hình bị nhỏ đi; Đau nhức khi có tân mạch mống mắt gây ra bệnh glôcôm tân mạch.
Cần điều trị kịp thời
ĐTĐ là căn bệnh ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là khi đời sống xã hội được nâng cao, lối sống ít vận động và tình trạng béo phì. ở các nước châu Âu và Mỹ, biến chứng mắt do bệnh ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở những người trong độ tuổi lao động (20 - 65 tuổi). Ngay khi được phát hiện ĐTĐ đã có khoảng 20% số bệnh nhân có biến chứng mắt, sau khi bị bệnh từ 10 năm trở lên thì có tới 3/4 số bệnh nhân bị biến chứng mắt. ở những người không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả, kèm theo tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hoặc có các yếu tố nguy cơ khác như có thai, thiếu máu hoặc bệnh lý thận đi kèm thì biến chứng mắt sẽ xuất hiện sớm và nặng nề.
Hiện có nhiều phương pháp điều trị, trong đó laser quang đông là một biện pháp hàng đầu để điều trị bệnh võng mạc ĐTĐ. Laser quang đông phá hủy các vùng võng mạc thiếu tưới máu ngăn chặn xuất hiện tân mạch gây ra xuất huyết dịch kính hoặc làm ngăn chặn dịch thoát vào võng mạc gây ra phù hoàng điểm. Nếu bệnh nhân đến sớm thì điều trị sẽ dễ dàng, nếu đến muộn khi đã xuất hiện các nguy cơ xuất huyết dịch kính thì phải laser quang đông toàn bộ võng mạc.
Võng mạc ĐTĐ là một biến chứng của bệnh ĐTĐ nên diễn biến liên tục, đặc biệt là khi không kiểm soát được hàm lượng đường trong máu. Do vậy cần phải theo dõi và có phương pháp điều trị kịp thời. Khi phát hiện bệnh ĐTĐ tuýp 1, bệnh nhân cần được khám mắt trong 3 năm đầu tiên. Nhưng nếu là ĐTĐ tuýp 2 thì cần đi khám mắt ngay khi phát hiện bệnh. Nếu chưa thấy biểu hiện bệnh võng mạc ĐTĐ thì khám mắt định kỳ 6 tháng một lần. Nếu đã có bệnh võng mạc ĐTĐ chưa cần điều trị hoặc đã điều trị tạm thời ổn định thì khám định kỳ theo hẹn của bác sỹ từ 1- 3 tháng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần