Nguyễn Ái Quốc - sư Hạnh Đa trên đất Xiêm: Bài 1: “Tàng hình” giữa đại ngàn nhân sinh

Ghi chép của Giao Hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối năm 1989 tôi sang Mucdahan (Thái Lan), anh Manva người Thái lái xe đưa tôi đến những ngôi làng Việt kiều từng in dấu chân Nguyễn Ái Quốc - Thầu Chín. Nay nhắc lại chuyện mới thấu hiểu hơn những hiểm nguy mà 90 năm trước ông Nguyễn đã từng trải trên đất Xiêm.

 Việt kiều về nước chuyến đầu đến thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh 29/1/1960.

Đầu tháng 7/1928 Nguyễn Ái Quốc đến Xiêm lấy bí danh Thầu Chín (tiếng Thái “thầu” - ông già), do bị truy lùng ông phải lánh nhờ cửa Phật, cắt tóc làm sư Pháp danh Hạnh Đa. Thời gian tại xứ chùa vàng Thầu Chín “tàng hình” giữa “rừng” Việt kiều, về sau bà con Việt kiều ngộ rằng, con đường cứu nước của Thầu Chín giống đường đi của Đức Phật Thích Ca 2.500 năm trước, mục đích tu hành để tìm ra chân lý cứu độ chúng sinh. 
Ngọn lửa cách mạng trên đất Thái
Để được về gần với dải đất hình chữ S, gần với 25 triệu đồng bào nước Việt đang rên xiết dưới ách cai trị hà khắc của thực dân Pháp và tay sai, ngày 12/4/1928 từ Berlin (Đức), Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản (QTCS) trình bày cảnh ngộ: “… Đã một năm tôi lang thang từ nước này sang nước khác trong khi có nhiều việc phải làm ở Đông Dương. Nhưng cho tới nay tôi chưa nhận được chỉ thị của các đồng chí, cả câu trả lời của đồng chí Đôriô… Hiện nay, tôi ở trong hoàn cảnh khó khăn không chịu nổi (tôi chờ chỉ thị đã 4 tháng)… Vậy tôi xin các đồng chí cho tôi càng sớm càng tốt những chỉ thị chính xác… bao giờ thì tôi có thể lên đường”. Ngày 25/4/1928 Ban Chấp hành QTCS quyết định để Ái Quốc trở về phương Đông.
Với hộ chiếu một Hoa kiều mang tên Nguyễn Lai, đầu tháng 6/1928 ông Nguyễn rời trời Tây về phương Đông, đầu tháng 7 ông đặt chân tới hải cảng Khoong Tơi tại Bangkok, chùa Từ Tế là điểm đầu tiên ông Nguyễn lưu lại bởi trước đó ông đã liên hệ với sư Bình Lương. Tại chùa Từ Tế, các hội viên Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ở Phichit được gặp lại lãnh tụ của mình. Nguyễn Ái Quốc phân công sư Bình Lương tập hợp các tổ chức Việt kiều riêng lẻ ở ngoài lãnh thổ kết thành một tổ chức mang tên Việt kiều yêu nước. Chùa Từ Tế trở thành nơi bí mật nuôi dưỡng, che chở cho cán bộ cách mạng Việt Nam từ thời trứng nước, sư Bình Lương còn đỡ đầu tổ chức Việt kiều yêu nước ra tờ báo Thân Ái.
Rời chùa Từ Tế ông Nguyễn đến Bản Đông, huyện Phìchịt, tỉnh Phítxanulốc thuộc Đông Bắc Xiêm. Khi ông Nguyễn đến, vùng này có từ 2 vạn đến 2,5 vạn Việt kiều cư trú. Ngày ấy Bản Đông có chừng hai chục gia đình Việt kiều, bà con đồ rằng ông Nguyễn trong số những người cùng cảnh ngộ ly hương sang kiếm sống. Tại Bản Đông, từ năm 1926 đã có các tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Hội hợp tác, Hội Việt kiều thân ái. Trong buổi đầu họp mặt với kiều bào Bản Đông, ông Nguyễn tự giới thiệu tên là Thọ, biệt hiệu Nam Sơn. Hôm sau ông đến thăm hỏi các gia đình Việt kiều, tìm hiểu công việc làm ăn, xắn tay làm mọi việc như dân bản. Tối đến ông tổ chức nói chuyện tình hình thế giới, tình hình trong nước và giải thích cặn kẽ để dân bản hiểu. 
Nhớ mãi hình ảnh ông già Chín
Giữa tháng 7/1928 ông rời Bản Đông đi Uđon Thani. Khoảng đầu tháng 8, đến bản Noong Bùa là nơi đông Việt kiều nhất của tỉnh Uđon Thani, tại đây ông Nguyễn lấy tên Chín, bà con thân mật gọi “Thầu Chín” (ông già Chín).
Trong cuộc họp đầu tiên tại Uđon Thani, Thầu Chín báo cáo trước Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên về tình hình và triển vọng của cách mạng Việt Nam, nhấn mạnh đến phẩm chất người cách mạng là rèn luyện ý chí, chịu đựng vượt lên mọi khó khăn gian khổ, kiên trì đấu tranh, tích cực tuyên truyền giác ngộ quần chúng. Trước khi Thầu Chín xuất hiện ở Xiêm, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chỉ thu hút những thanh niên ở bên Việt sang, Thầu Chín chủ trương từ nay mở rộng tổ chức thu hút quần chúng, củng cố cơ sở, chủ trương kết nạp vào Hội những Việt kiều hăng hái tham gia cách mạng.
Thầu Chín đào giếng, cuốc đất làm vườn như mọi dân bản, ông sống kham khổ, nhiều bữa thức ăn chỉ rau sam hoặc rau lang luộc chấm muối. Buổi tối Thầu Chín tổ chức nói chuyện làm ăn rồi dẫn dắt đến chuyện chính trị, chuyện hấp dẫn thiết thực đã cuốn hút cả người Thái bản địa. Thầu Chín chủ trương Thái - Việt đoàn kết tối lửa tắt đèn có nhau, từ đó người Thái thiện cảm hơn với Việt kiều và với cách mạng Việt Nam.
Thầu Chín mở lớp dạy chữ quốc ngữ cho bà con Việt kiều, khuyên bà con “nhập gia tùy tục” cần học chữ Xiêm tiếng Xiêm để mở rộng khả năng giao lưu, hòa nhập, luôn tôn trọng phong tục tập quán của cư dân bản địa. 
Thổi luồng sinh khí thấm đẫm đạo lý tình người
Khoảng đầu năm 1929 Thầu Chín rời Uđonthani đến Sacon là nơi có đông Việt kiều và các tổ chức cách mạng hình thành khá sớm. Hằng ngày Thầu Chín dịch sách, tổ chức huấn luyện cán bộ và thanh niên, củng cố các cơ sở cách mạng đã có, xây dựng cơ sở mới, thỉnh thoảng cùng một số cán bộ tranh thủ đi buôn gây quỹ cho tổ chức. Việt kiều ở Sacon phần lớn theo đạo Phật, một số theo đạo Thiên Chúa, một số thờ Đức thánh Trần. Để giáo dục lòng yêu nước cho cộng đồng Việt kiều, Thầu Chín viết bài ca Trần Hưng Đạo theo thể song thất lục bát, bài ca có đoạn: Diên Hồng thề trước thánh minh /Lòng dân đã quyết hy sinh rành rành/ Nếu ai muốn đến giành đất Việt / Đưa dân ta ra giết sạch trơn /Một người dân Việt đương còn /Thì non sông Việt vẫn non sông nhà.
Cuối tháng 7/1929, Thầu Chín rời Sacon đến tỉnh Nakhon Phanom bên bờ Nam sông Mekong. Thời gian ở Nakhon ông đến các huyện Thà U Then, huyện Thạt Phanom, và dừng lại lâu nhất tại Bản Nachok (bản Mạy). Bản Mạy được ông Nguyễn trực tiếp huấn luyện gây dựng tổ chức, trở thành một trong những điểm quan trọng của Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng. Tháng 10/1929 ông rời Nakhôn Phanom đến huyện Amnạt Charơn (còn gọi là huyện Bùng) tỉnh Ubon Ratchathani, rời Amnạt Charơn ông đến Bản Thà (cùng tỉnh Ubon Ratchathani), thời gian sau ông đến huyện Mụcdahan tỉnh Nakhon Phanom (từ 1982 huyện Mụcdahan thành tỉnh Mụcdahan). Địa điểm cuối cùng trên đất Xiêm ông Nguyễn xuất hiện là tỉnh Noọng Khai - đối diện Thủ đô Viêng Chăn, Lào bên kia sông Mekong. Tại đây ông thường gặp các chiến sỹ Cách mạng Việt Nam hoạt động tại Viêng Chăn sang báo cáo tình hình trong nước, và được biết tin ngày 10/10/1929 Tòa án Vinh (Nghệ An) xử vắng mặt khép Nguyễn Ái Quốc vào tội tử hình.
Một chiều cuối Thu năm 1929 “sư” Thầu Chín bí mật rời xứ chùa vàng, bà con Việt kiều không biết thầy đi đâu. Hôm sau liên quân cảnh sát Xiêm - Anh đến sục sạo khám xét từng nhà dân Việt kiều vùng Đông Bắc Xiêm, bấy giờ bà con mới biết Thầu Chín - sư Hạnh Đa là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Thời gian trên đất Xiêm 16 tháng, Thầu Chín thổi vào phong trào Việt kiều yêu nước, thổi vào đời sống nhân văn của bà con Việt kiều và người Thái bản địa một luồng sinh khí mới thấm đẫm đạo lý tình người. Tháng 11/1929 Thầu Chín bí mật rời đất Xiêm đến Trung Quốc. Ngôi trường thầy dựng tại bản Noóng Ổn tiếp tục được trân trọng phát huy, sau năm 1945 bà con đặt tên trường Tiểu học Nguyễn Ái Quốc, đây là ngôi trường đầu tiên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam mang tên Nguyễn Ái Quốc.
(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần