Nguyễn Ái Quốc - sư Hạnh Đa trên đất Xiêm: Bài cuối: Hòa thượng Bình Lương - người đồng chí của Bác trên đất Thái

Giao Hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 1929 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đến Thái Lan, ở đây ông Phạm Ngọc Đạt tức "Hòa thượng Bình Lương", một nhà Cách mạng yêu nước nổi tiếng được giao nhiệm vụ tổ chức tập hợp Việt kiều ở Thái Lan thành một tổ chức và đỡ đầu tờ báo "Thân Ái" nhằm tập hợp những người yêu nước. "Chùa Từ Tế tự" thực sự là nơi nuôi dưỡng, che chở cho các cán bộ của ta hoạt động.

 Hòa thượng Bình Lương tức Phạm Ngọc Đạt.

Ngày ông từ trần (ngày 20/4/1966 tại BV Hữu nghị Việt - Xô, hưởng thọ 96 tuổi), hai chữ “Đồng chí” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thêu trên vòng hoa tang của Người kính viếng Hòa thượng, đã thể hiện đầy đủ nhất mối quan hệ đặc biệt giữa “sư” Hạnh Đa (Nguyễn Ái Quốc - PV) với Hòa thượng Bình Lương - Nhà tu hành yêu nước.
Câu chuyện về nhà tu hành yêu nước trên đất Thái
Thầy Phạm Đậu SN 1948, giảng viên Đại học Vinh, cháu gọi Hòa thượng Bình Lương bằng ông chú ruột đã cho tôi xem bức thư của Bộ Nội vụ kèm mấy tấm ảnh, để bảo đảm tính lịch sử tôi chép lại toàn bộ bức thư. Bức thư ngày 22/4/1966 của Vụ trưởng Vụ An toàn xã hội Hồ Văn Ninh, thừa lệnh của Bộ trưởng Bộ Nội vụ gửi ông Phạm Đậu, xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh báo tin ông Phạm Ngọc Đạt tức "Hòa thượng Bình Lương", nhà Cách mạng yêu nước nổi tiếng của nước ta đã từ trần.
Thông báo nêu rõ ông Phạm Ngọc Đạt từng tham gia phong trào khởi nghĩa của Phan Đình Phùng. Sau khi phong trào Phan Đình Phùng thất bại, ông phải lánh nạn sang Thái Lan để tiếp tục hoạt động với phong trào "Đông du" của Phan Bội Châu. Sau đó ông lại liên kết với phong trào của Đặng Thúc Hứa, các phong trào này đều nhằm mục đích là chống thực dân Pháp xâm lược nhằm giải phóng dân tộc. Nhưng các tổ chức này không giành được thắng lợi. Năm 1926 ông Phạm Ngọc Đạt biết lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người có chí hướng giải phóng dân tộc theo khuynh hướng mới. Vì vậy ông Phạm Ngọc Đạt đã tìm cách liên lạc và đã cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tập hợp những người yêu nước, nuôi dưỡng, che chở cho các cán bộ của ta hoạt động trong những ngày trên đất Thái Lan.
Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ông Phạm Ngọc Đạt vẫn tiếp tục ở lại Thái Lan. Tháng 3/1964 ông đã xin ý kiến Bác Hồ và Bác Hồ đã đồng ý để ông về nước sau gần 60 năm xa Tổ quốc. Năm 1966, được tin Hòa thượng từ trần Bác Hồ đã gửi một vòng hoa lớn, đẹp, có dòng chữ thêu: "Kính viếng Hòa thượng Bình Lương, tức Phạm Ngọc Đạt, nhà tu hành yêu nước" với dòng chữ quý giá vô cùng là: "Đồng chí Hồ Chí Minh".
Tang lễ Hòa thượng Bình Lương đã được tổ chức chu đáo và trọng thể, từ xưa nay chưa từng có, biểu lộ lòng ngưỡng mộ của Bác Hồ, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc đối với Hòa thượng Bình Lương là một nhà tu hành yêu nước nồng nàn. Đồng thời thể hiện một cách trung thực tinh thần bảo vệ tự do tín ngưỡng của chế độ ta.
Thực tế, ảnh hưởng của tang lễ Hòa thượng Bình Lương đã có tiếng vang dội vào miền Nam ruột thịt của chúng ta, ngày 21/4 Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam đã truyền tin Hội Phật giáo miền Nam gửi điện chia buồn với Hội Phật giáo miền Bắc về việc Hòa thượng Bình Lương từ trần.
Luôn nặng lòng với quê hương
Nhà giáo Phạm Đậu ngậm ngùi, trước khi nhận bức thư này, gia đình họ tộc, chính quyền địa phương không hề biết chiến binh Cần vương Phạm Ngọc Đạt sống hay chết theo ta hay theo địch, “vì chưa rõ ràng” nên con cháu ở quê học hành đỗ đạt đều bị gác lại. Lớn lên thầy được cha, chú cho biết, vợ chồng cụ Phạm Dục - Đào Thị Thậm sinh hạ 3 con trai là Phạm Quán, Phạm Đảng, Phạm Ngọc Đạt. Cụ Phạm Dục cùng hai con Phạm Quán, Phạm Đảng là chiến binh của Phan Đình Phùng, hai người con lần lượt hy sinh. Ông Phạm Quán không vợ con, thầy giáo Phạm Đậu là đích tôn của ông Phạm Đảng.
Bé Đạt sớm mồ côi mẹ. Cụ Phạm Dục tục huyền, cảnh gì ghẻ con chồng sớm đưa Phạm Ngọc Đạt lên căn cứ Vũ Quang gia nhập nghĩa quân. Khởi nghĩa Vũ Quang thất bại anh Đạt vượt sang Lào rồi sang Xiêm.
Tại Xiêm, Phạm Ngọc Đạt quy y chùa Khánh Thọ, pháp danh Bình Lương, tiếp tục hoạt động trong phong trào Đông du của Phan Bội Châu, liên hệ phong trào “trại Cày” của Đặng Thúc Hứa. Năm 1926 sư Bình Lương liên lạc với Thanh niên cách mạng đồng chí hội do Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo.
Thầy Phạm Đậu dẫn tôi đến gặp cụ Đào Văn Phẩm (SN 1922), trú số 70 đường Lê Huân, TP Vinh, năm 1946 là chiến sĩ tình nguyện Việt Nam tại Lào, cụ Phẩm nhớ lại: Trong trận chiến ác liệt với quân Pháp tại Nam Lào tôi bị thương rất nặng, bộ đội vượt sông Mêkông đưa thương binh qua đất Thái vào Chùa Từ Tế tại Bangkok do sư Bình Lương trụ trì. Khi biết tôi quê xã Hữu Bằng (nay là Sơn Bằng), sư Bình Lương thổ lộ: Thuở ấy những người yêu nước trong tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội gợi ý sư dựng một ngôi chùa theo kiến trúc Việt để bà con Việt kiều tại Xiêm nhìn chùa là nhớ về Tổ quốc. Lúc đầu sư vận động Việt kiều quyên góp được ít tiền đủ làm ngôi chùa nhỏ bằng gỗ và xây bờ rào bao khuôn viên chùa.
Sau năm 1945 sư Bình Lương tiếp tục vận động bà con Việt kiều quyên góp tiền vàng gửi về nước ủng hộ cuộc trường kỳ kháng Pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Việc làm vì đạo pháp gắn với dân tộc của sư Bình Lương được đông đảo Phật tử người Việt và người Xiêm nhiệt thành ủng hộ.
Đóng góp lớn của nhà tu hành người Việt với Phật pháp tại xứ chùa vàng, được vua Thái Lan Prajadhipok (Rama đời thứ 7) phong sắc năm 1937, vua Bhumibol Adulyadej (Rama đời thứ 9) phong sắc năm 1948. Tháng 3/1964 Hòa thượng Bình Lương bị bệnh nặng, Chính phủ ta tổ chức chuyến bay đặc biệt, cử 2 Bác sĩ Bệnh viện Việt Xô sang đón Hòa thượng về Hà Nội dưỡng bệnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần vào Bệnh viện Việt Xô thăm Hòa thượng. Hai chữ “Đồng chí” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thêu trên vòng hoa tang của Người kính viếng Hòa thượng, đã thể hiện đầy đủ nhất mối quan hệ đặc biệt giữa sư Hạnh Đa với Hòa thượng Bình Lương - Nhà tu hành yêu nước.
(Vinh, tháng 5/2020)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần