Nguyên Chánh Thanh tra Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh bị đề nghị truy tố

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do sai phạm trong việc sửa chữa các hạng mục tại 7 trường học trên địa bàn huyện Củ Chi, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 17,7 tỷ đồng, nguyên Chánh Thanh tra Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh cùng các đồng phạm bị đề nghị truy tố.

Ngày 19/3, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp để đề nghị truy tố bị can Lê Thị Thanh Tuyền - nguyên Chánh Thanh tra Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại Điều 219 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
 Bị can Lê Thị Thanh Tuyền khi còn đương chức Chánh Thanh tra Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh.
Liên quan đến vụ án, 3 bị can khác cũng bị đề nghị truy tố cùng tội danh trên, gồm: Phan Văn Duyệt - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng TM XNK Đông Phương (Công ty Đông Phương - PV); Phan Văn Bình Tâm (Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Tâm Phú Tài, em trai Duyệt) và bà Nguyễn Thị Loan - Nguyên trưởng phòng GD&ĐT huyện Củ Chi, nguyên Hiệu trưởng trường THPT An Nhơn Tây.
Cơ quan điều tra xác định bà Tuyền đã có sai phạm từ thời giữ chức vụ Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Củ Chi. Tổng số tiền các bị can gây thiệt hại cho Nhà nước được xác định hơn 17,7 tỷ đồng.
Theo Cơ quan CSĐT, ngày 13/7/2016 Chủ tịch UBND huyện Củ Chi ban hành Quyết định thanh tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí sửa chữa thường xuyên tài sản cố định năm 2016 của 7 trường học trên địa bàn huyện. Sau đó, kết luận thanh tra xác định có dấu hiệu sai phạm nên đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an làm rõ.
Cơ quan CSĐT xác định ông Duyệt kết nối với bà Loan để được giao khảo sát, thi công sửa chữa 7 ngôi trường trên địa bàn với 64 hạng mục. Sau đó, ông Duyệt nhờ ông Tâm sử dụng pháp nhân Công ty Tâm Phú Tài ký hồ sơ tư vấn thiết kế, dự toán (thực tế công ty này không khảo sát, thiết kế), rồi đem hồ sơ hợp đồng tư vấn thiết kế, dự toán, hợp đồng thi công, biên bản nghiệm thu, quyết định chỉ định thầu đến các trường để cho hiệu trưởng ký.
Đối với bà Lê Thị Thanh Tuyền, thời điểm năm 2016 đã cùng bà Loan trực tiếp đi khảo sát các trường để thẩm định các hạng mục cần sửa chữa. Mặc dù nắm rõ các quy định như: Nhà trường phải lập dự toán, xác định tổng mức đầu tư của từng gói thầu. Nhưng ở đây lại do Phòng GD&ĐT huyện lập dựa trên kết quả khảo sát, dự toán do ông Duyệt lập ra với giá cao hơn so với mức quy định, thậm chí tại trường Tiểu học Tân Phú Trung có 5/8 hạng mục sửa chữa được thanh toán trước khi thi công.
Dù biết rõ những sai phạm trên, nhưng bà Tuyền vẫn ký thẩm định, trình Thường trực UBND huyện Củ Chi phê duyệt các dự án đã được chia nhỏ thành 64 hạng mục với dự toán dưới 500 triệu đồng/hạng mục, để không thông qua đấu thầu. Việc sửa chữa, thi công 64 hạng mục tại 7 ngôi trường trên địa bàn huyện Củ Chi đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 17,7 tỷ đồng.
Năm 2018, Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, tuy nhiên sau đó phải ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vì hết thời hạn nhưng vẫn chưa có kết luận giám định của Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng. Đến tháng 9/2020, vụ án được phục hồi điều tra.
Đến ngày 1/3, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lê Thị Thanh Tuyền, Phan Văn Duyệt, Phan Văn Bình Tâm. Riêng bị can Nguyễn Thị Loan được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.