Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão: Nhận diện chuẩn sẽ khắc phục được bất cập

Trần Hà (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề án về công tác cán bộ vừa được trình Hội nghị T.Ư 7 nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão đánh giá cao tư duy và cách làm mới, đột phá được nêu trong Đề án, đặc biệt là việc xác định sẽ hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, siết kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ.

Kiểm soát quyền lực, phải cụ thể

Thực tế thời gian dài vừa qua cho thấy, liên tục những sai phạm của cán bộ các cấp bị xử lý, tình trạng chạy chức, chạy quyền, tham nhũng… đã khiến lòng tin của người dân vào đội ngũ cán bộ bị xói mòn. Quan điểm của cá nhân ông trước thực trạng này thế nào?.

- Trước hết tôi phải nói là buồn lắm, đau lắm trước sai phạm của những cán bộ, kể cả những cán bộ cấp cao trong thời gian qua. Từ khi thống nhất đất nước cho đến nay cũng đã hơn 40 năm, chúng ta bước sang một thời kỳ mới. Mặc dù có rất nhiều khó khăn, rất nhiều gian khổ, thử thách, nhưng công tác cán bộ của chúng ta vẫn luôn được coi trọng. Tuy nhiên, vừa qua có rất nhiều vấn đề trong đội ngũ cán bộ đáng cho chúng ta phải suy nghĩ về thực trạng rất đáng báo động. Đề án công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ chiến lược được bàn tại Hội nghị T.Ư 7 lần này là lẽ tất yếu chúng ta phải quan tâm.
Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội 
Qua đánh giá thực trạng có thể thấy rằng, trong cơ chế thị trường, cùng với xu hướng tất yếu cần thiết cho phát triển, chúng ta đã chưa lường hết được mặt trái, trong đó có việc quan tâm xem đội ngũ cán bộ của chúng ta rèn luyện thế nào, phát huy thế nào. Có thể nói là trong thời gian vừa qua, đội ngũ cán bộ của chúng ta xuống cấp, rất nhiều cái mà chúng ta nói là “lợi ích nhóm”, tính cơ hội, đặc biệt là tham nhũng… Nếu không có đổi mới, không có sự thay đổi để xây dựng đội ngũ cán bộ xứng tầm thì đất nước sẽ vô cùng khó khăn.

Từ thực trạng vừa qua, những câu hỏi làm sao khắc phục tình trạng chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu đã được đặt ra. Ông nhận định thế nào khi Đề án công tác cán bộ lần này đã đề cập và có giải pháp để hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực?.

- Xác định việc kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ là khâu then chốt là rất đúng. Cơ chế kiểm tra, giám sát theo Đề án được thực hiện đồng bộ theo hướng cấp trên kiểm tra, giám sát cấp dưới; kiểm tra, giám sát nội bộ, giám sát chéo giữa các cơ quan, tổ chức và giám sát của Nhân dân thông qua cơ quan dân cử và vai trò của truyền thông. Cùng với đó có một quy định cũng đáng chú ý là Bí thư cấp tỉnh, huyện không phải người địa phương. Theo tôi, các cơ chế này hoàn toàn đúng nhưng có lẽ cần phải cụ thể hơn nữa.

Vừa qua, chúng ta nói nhiều đến kiểm soát quyền lực, giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng cơ chế kiểm soát lại chưa rõ ràng. Kiểm soát quyền lực chính là để chống suy thoái trong cán bộ đảng viên. Biểu hiện cao nhất của sự suy thoái là lòng tham. Con người ai cũng mong muốn có thêm tiền của, vật chất. Người có quyền lực sẽ tận dụng để thực hiện khát khao của họ. Kiểm soát quyền lực thực chất là kiểm soát tài sản của người có chức quyền. Để “chữa trị” bằng được “căn bệnh suy thoái” phải có “bàn tay sắt”, kỷ luật nghiêm từ T.Ư trở xuống. Ở đâu có dư luận xã hội, cần lập tức làm rõ đồng thời phải công khai, minh bạch kết quả.

Đồng thời, tạo cơ chế, điều kiện bằng những văn bản pháp luật để người dân được tham gia vào những công việc của đất nước. Chúng ta đã có Luật Trưng cầu ý dân, nhưng cần phải đưa luật vào thực thi, những vấn đề người dân quan tâm phải được trưng cầu ở những cấp độ khác nhau, ở những hoàn cảnh cụ thể. Người dân là chủ đất nước, nên ý thức của họ là xây dựng đất nước. Vì vậy phải tin dân, đã tin là phải bàn với dân, lấy ý kiến của họ nhiều hơn.

Cùng với đó, phải hoàn thiện, bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng, trong đó đặc biệt là vấn đề kiểm soát tài sản. Có thể nói hiện nay vấn đề kê khai tài sản chưa đạt hiệu quả. Người kê khai cứ tự kê khai nhưng không ai giám sát, kiểm tra. Điều đó dễ dẫn tới tham nhũng, người tham nhũng không biết sợ, vẫn cứ nhởn nhơ. Công chức, cán bộ giờ rất nhiều người giàu, nhưng sự giàu có của họ đến từ đâu không ai kiểm soát, dư luận Nhân dân rất bức xúc về thực tế này. Bên cạnh đó, theo tôi, cần phát huy hơn nữa vai trò và tổ chức của Quốc hội, đặc biệt thông qua hoạt động chất vấn. Đây là công việc có ý nghĩa quan trọng, thực hiện kiểm tra, giám sát quyền của các Bộ trưởng, của Chính phủ. Đó cũng chính là kiểm soát quyền lực.

Chờ đợi những chuyển biến căn cơ

Cùng với những hạn chế trong kiểm soát quyền lực, đánh giá cán bộ cũng được nhận định vẫn là khâu yếu, chậm khắc phục. Đề án lần này đã nhìn nhận rõ thực trạng đó và đề ra những giải pháp đổi mới đánh giá cán bộ. Ông nhìn nhận thế nào về khâu cần đột phá này?

- Đặt vấn đề đánh giá cán bộ rất quan trọng là đúng. Tôi thấy Đề án lần này đã đưa ra những phương thức mới như đánh giá cán bộ đa chiều, trên đánh giá xuống, dưới đánh giá lên…, rất đáng hoan nghênh. Tôi cũng thấy nơi này, nơi kia đã có những cách đánh giá cán bộ hay. Đồng thời, phải nhìn nhận thẳng về sức chiến đấu của Đảng từ các chi bộ. Tôi cảm nhận thấy sinh hoạt chi bộ Đảng nhiều nơi còn yếu, tính chiến đấu chưa cao, có chiều hướng lấy lòng nhau, chiều nhau, né tránh. Nhiều cơ quan cấp cao sinh hoạt chi bộ mà không ai dám nói. Bởi thế, đánh giá cán bộ trong sinh hoạt chi bộ thường không chỉ rõ ra được vi phạm phát sinh.
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Long Biên.  Ảnh:  Thanh Hải
Rất mừng thời gian qua, Đảng đã có nhiều chỉnh đốn, siết lại và có những việc làm thiết thực và đưa ra một số cán bộ, đảng viên có sai phạm để xử lý, kể cả cấp cao. Đó là những quyết định rất tốt, nghiêm túc và Nhân dân rất mừng. Nhưng theo tôi, như thế chưa đủ. Người ta nói rằng những vụ việc đưa ra công bố là rất nhỏ so với tồn tại, cái bị lộ ra còn ít lắm. Bởi thế, phải nâng cao tính chiến đấu trong Đảng từ các chi bộ và vai trò giám sát của quần chúng để đánh giá cán bộ chính xác. Đặc biệt, phản biện xã hội cũng là một kênh quan trọng, nên cần những căn cứ để phản biện. Nên có luật nêu rõ nội dung phản biện, đối tượng lắng nghe phản biện, quy trình, quy tắc phản hồi lại cho người phản biện… Từ đó, đòi hỏi cán bộ, cán bộ cấp chiến lược nghiêm khắc hơn với mình, rèn luyện mình, giữ mình.

Như ông đã nhận định, Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” lần này đã đưa ra được nhiều giải pháp với tư duy và cách làm mới, đột phá. Nhưng để Đề án được triển khai hiệu quả vào thực tế, chắc chắn còn nhiều việc phải làm?

- Đúng là trong Đề án lần này có nhiều điểm mới, đánh giá thực trạng thẳng thắn và nhìn vào sự thật để thấy rõ đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược hiện nay. Các giải pháp đã có chiều sâu, mang tính đột phá, dù vẫn còn một số vấn đề căn cơ cần tiếp tục phân tích một cách toàn diện hơn để giải quyết hiệu quả công tác cán bộ. Cũng như nhiều đảng viên, tôi chờ đợi những chuyển biến căn cơ trong công tác cán bộ.

Có lẽ, sau khi T.Ư có Nghị quyết, để triển khai hiệu quả cần phải tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi trong toàn Đảng, để các quy định đi vào chiều sâu. Đặc biệt, phải coi trọng khâu quy hoạch, đào tạo, chuẩn bị bố trí sắp xếp để tạo nguồn cán bộ chiến lược đáp ứng yêu cầu của Đảng, của đất nước. Đã nhận diện “chuẩn” tình hình rồi, phải khắc phục cho được những tồn tại trong sử dụng cán bộ và tốt nhất là phải minh bạch hơn nữa hoạt động của Đảng ngay từ cấp T.Ư để làm gương cho các cấp dưới.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần